Bùi Hiển - người đánh thức lương tri là cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành giúp độc giả hôm nay nhận diện được quá khứ thông qua nhãn quan của một nhà văn đã tham gia tích cực hoạt động sáng tác văn chương, can dự trực tiếp vào nhiều biến cố, những bước ngoặt, những sự kiện nhằm "định hình" diện mạo văn học thế kỷ 20.
Bùi Hiển - người đánh thức lương tri là cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành giúp độc giả hôm nay nhận diện được quá khứ thông qua nhãn quan của một nhà văn đã tham gia tích cực hoạt động sáng tác văn chương, can dự trực tiếp vào nhiều biến cố, những bước ngoặt, những sự kiện nhằm “định hình” diện mạo văn học thế kỷ 20.
Cuốn sách Bùi Hiển - người đánh thức lương tri |
Sách do nhiều tác giả cùng thực hiện gồm: Bùi Quang Tuấn (chủ biên), Bùi Quang Tú, Bùi Thúy Hồng và Bùi Cẩm Hà. Ngoài lời tựa, lời cảm ơn, niên biểu và danh mục tác phẩm, sách được chia làm bốn phần. Phần 1: Con đường văn chương và nhật ký; phần 2: Ân tình bè bạn; phần 3: Gia đình và phần 4: Trong ký ức người thân.
* Dấu ấn đời người, đời văn
Với phần Con đường văn chương và nhật ký, bạn đọc sẽ có những hình dung cụ thể về đường văn chương của Bùi Hiển trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Theo như nhà văn chia sẻ, thuở nhỏ ông là một “đứa trẻ” bình thường, không hề biểu lộ thiên hướng văn chương. Sau khi thi vào Trường quốc học Vinh (những năm 1932-1933) ông mới bắt đầu thích đọc sách và tập tành viết văn. Ông tự nhận “những truyện ngắn đầu tay của tôi, có truyện còn rất ngây ngô, vụng về”.
Theo gia đình nhà văn Bùi Hiển, khi mất, ông để lại khoảng 70 cuốn sổ tay, cuốn cũ nhất viết từ năm 1946. Ông ghi chép nhật ký liên tục hơn nửa thế kỷ. Những dòng ghi chép của ông không chỉ là những mẩu chuyện nhà, chuyện đời, chuyện nghề mà còn phản ánh chân thực nhất những diễn biến lịch sử đầy sôi động của thời đại mà ông sống. Các trích đoạn trong nhật ký của cuốn sách bắt đầu từ ngày 23-2-1947 đến 24-3-2000. Ở đó, ông vẫn luôn bộc lộ một cái nhìn nhân hậu, bao dung với mọi người, mọi chuyện.
Với Ân tình bè bạn, nhà văn Bùi Hiển trân trọng lưu giữ nhiều thư từ của bạn bè trong giới văn chương. Từ những bức thư của Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Hoàng Phủ Ngọc Tường… gửi nhà văn Bùi Hiển, bạn đọc có thể nhận ra những mối quan hệ thân tình, trân trọng, là minh chứng cho tình bạn đẹp đẽ trong giới văn chương Việt Nam. Khi còn sống, nhà văn Bùi Hiển cũng đã hồi tưởng lại những ký ức lấp lánh ấy trong cuốn sách Bạn bè một thuở, xuất bản năm 1999.
Cùng với những trang nhật ký, nhà văn Bùi Hiển lưu trữ lại một lá thư cụ thân sinh gửi cho ông năm 1949. Bùi Hiển là con trai thứ hai của ông Bùi Công Trứ. Ngoài ra, nhà văn cũng cẩn thận lưu giữ những lá thư trao đổi giữa các thành viên trong gia đình. Trải qua bao biến cố, chiến tranh, ly loạn - những bức thư vắt qua hai nửa thế kỷ như là hiện thân cho những giá trị vĩnh cửu mà con người luôn hướng tới như là lẽ sống duy nhất: tình cha con, vợ chồng, anh em, ông cháu, họ hàng ruột thịt. Qua những bức thư giúp bạn đọc nhận ra một điều giản dị: gia đình là điểm tựa thân thương và êm đềm nhất.
Điều đó càng được thể hiện rõ hơn ở phần Trong ký ức người thân. Đó là ký ức của người em trai Bùi Công Chính, con trai Bùi Quang Tuấn, Bùi Quang Tú, con gái Bùi Thúy Hồng, cháu gái Bùi Cẩm Hà… Cẩm Hà kể rằng, cô sống gần ông bà từ nhỏ và may mắn được hưởng một không khí vừa êm đềm vừa “dữ dội”. Nhiều lức cô có cảm tưởng ông coi cô như là bạn dù cô là đứa cháu gái được coi là “đành hanh” nhất trong nhà. Ông cũng thi thoảng chia sẻ với cô chuyện văn chương. Các bạn văn thường nhận xét ông là người “nghiêm cẩn” nhưng thực ra ông có biệt tài kể chuyện rất hóm…
* Hướng nhân vật về sự thiện lành
TS.Nguyên An (Hội Nhà văn Việt Nam) nhận xét: “Bùi Hiển là người viết văn xuôi - truyện ngắn xuất sắc ngay từ chùm tác phẩm đầu tiên đưa ông chạm ngõ văn đàn Việt. Bùi Hiển là người con xứ Nghệ, làm nên tên tuổi từ những câu chuyện đặc sắc về người dân chài miền biển. Nhưng ông không “ăn to nói lớn”, cũng không có vẻ “đồ gàn”. Cái cách ông đối thoại và lắng nghe những ý kiến khác với mình, như tôi biết, cũng tương tự như Huy Cận”.
PGS-TS.Nguyễn Thị Thanh Xuân, giảng viên Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh cho biết, Bùi Hiển là một trong số những nhà văn đầu tiên mở vào cánh cửa của cánh đồng văn chương trong cô. Theo cô, cuộc đời của Bùi Hiển có nhiều may mắn, đặc biệt là may mắn với truyện ngắn đầu tiên Nằm vạ đăng trên báo Ngày Nay (1940).
“Cuốn sách Bùi Hiển - người đánh thức lương tri đã đưa tôi đến một thế giới riêng của nhà văn mà tôi luôn trân quý. Những thư từ, nhật ký mà gia đình lưu giữ và công bố là những di vật thật quý giá. Khi đọc sách, tôi thấy mình phải “bước nhẹ” và“rón rén” để nghe, để cảm và để hiểu hơn về ông” - cô Thanh Xuân nói.
Theo TS.Võ Văn Nhơn, giảng viên Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, điều mà ông tâm đắc nhất ở nhà văn Bùi Hiển chính là quan niệm sáng tác của ông. Trong mỗi tác phẩm của mình, Bùi Hiển xem con người luôn có tính nhị nguyên. Ở đó, bất cứ một nhân vật nào cũng có hai mặt, tốt xấu và cuộc đấu tranh của hai mặt ấy. “Việc xuất bản cuốn sách này, không chỉ giúp bạn đọc hiểu hơn về nhà văn Bùi Hiển mà còn là đề tài để cho giảng viên, sinh viên nghiên cứu về ông trong thời gian tới” - TS.Võ Văn Nhơn khẳng định.
Còn Bùi Cẩm Hà, cháu gái nhà văn Bùi Hiển chia sẻ: “Người ta thường nói “văn là người”. Điều này hoàn toàn đúng với ông tôi. Ông luôn yêu thương nhân vật của mình, hướng nhân vật về sự thiện lành, luôn cho họ một cái kết nhân hậu và tràn đầy hy vọng. Ngoài đời ông cũng vậy, thường xa lánh những cực đoan, những tiêu cực giữa người và người… Ông luôn lựa chọn lối sống khỏe khoắn cho tâm hồn. Ông không lựa chọn các xát muối lên những vết thương để tìm kiếm danh vọng cho mình”.
Lật từng trang Bùi Hiển - người đánh thức lương tri, bạn đọc hôm nay không chỉ cảm nhận được những rung cảm nghệ thuật cao đẹp mà còn hiểu hơn công việc lao động của nhà văn, những phẩm chất, lương tri và lương năng của người cầm bút. Cuốn sách mang đến cơ hội để những người yêu văn chương Việt Nam có thể hồi tưởng và chiêm ngưỡng lại những năm tháng đã qua. Để rồi cùng suy ngẫm và vun đắp những giá trị nhân văn cho hôm nay và mai sau.
Nhà văn Bùi Hiển (1919-2009) bước chân vào văn đàn và tạo dựng tên tuổi với tập truyện ngắn đầu tay Nằm vạ xuất bản năm 1941. Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, ông đã để lại 32 đầu sách sáng tác, 9 cuốn sách dịch với khoảng 70 cuốn sổ ghi chép với những tư liệu quý. Ông được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. |
Ly Na