Báo Đồng Nai điện tử
En

Huỳnh Ngọc Tuyết Cương: Những vần thơ nặng tâm tình

11:11, 04/11/2019

Trong các cuộc thi sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức mấy năm gần đây, ngoài những gương mặt gạo cội được giới nghệ thuật và công chúng yêu VHNT trong, ngoài tỉnh biết đến, còn xuất hiện những cây bút mới đầy triển vọng.

Trong các cuộc thi sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức mấy năm gần đây, ngoài những gương mặt gạo cội được giới nghệ thuật và công chúng yêu VHNT trong, ngoài tỉnh biết đến, còn xuất hiện những cây bút mới đầy triển vọng.

Huỳnh Ngọc Tuyết Cương. Ảnh: NVCC
Huỳnh Ngọc Tuyết Cương. Ảnh: NVCC

Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (hiện công tác tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, TP.Biên Hòa) là đại diện tiêu biểu cho lớp văn nghệ sĩ trẻ, đóng góp tích cực cho việc thay đổi diện mạo của văn học tỉnh nhà. Anh gia nhập Hội ngay sau khi xuất sắc đoạt giải nhất bộ môn thơ tại Cuộc thi Đồng Nai 30 năm đổi mới với tác phẩm Điền dã (năm 2017).

* Say sưa ghi lại cảm xúc

Tuyết Cương đến với thơ văn từ những ngày là học sinh Trường THPT Nhơn Trạch. Anh làm quen và “kết thân” với thơ chính từ phong trào báo tường của trường nhân Ngày Hiến chương các nhà giáo 20-11. Được cô Nguyễn Thị Khánh, Tổ trưởng Tổ Văn, là hội viên Hội VHNT Đồng Nai phát hiện và động viên, Tuyết Cương tích cực viết. Nhiều tác phẩm của anh được đăng tập san, ấn phẩm tuổi hoa, là động lực để Tuyết Cương say sưa ghi lại bằng thơ những xúc cảm chất chứa trong lòng.

Thơ Tuyết Cương là sự tổng hòa của vần điệu và câu chữ: nhẹ nhàng có, mạnh mẽ có, nông nổi có, sâu sắc có, trẻ trung có mà già nua cũng có. Những mảnh ghép đối lập nhưng không “chọi” nhau, cái này làm nền cho cái kia, bổ trợ và nâng cao giá trị của những điều ngược lại với nó.

Nhà thơ Lê Thanh Xuân đánh giá: “Thơ lục bát là thế mạnh của Tuyết Cương. Thơ Tuyết Cương câu chữ tài hoa, cách gieo vần nhuần nhuyễn và ý tứ súc tích. Chính sự cô đọng và cách tân ấy đôi khi khiến người đọc cần nhiều thời gian để tìm hiểu và đồng cảm với anh hơn”.

Ai đã đọc các vần thơ anh in chung cùng những tác giả trẻ; ai đã nghe những tác phẩm đoạt giải của cuộc thi thơ lục bát Tết do Công ty sách Sài Gòn Book tổ chức; ai đã cùng anh tham gia những chuyến đi, sẽ không cần nhiều thời gian để hiểu được vì sao Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai Hoàng Ngọc Điệp lại nhận xét rằng: “Một chàng trai ít tuổi nhưng tư duy nghệ thuật không hề non trẻ, những thi từ đã cũ lại được biến hóa thành vần điệu và lời thơ vô cùng mới”.

Cái hay của Tuyết Cương là ở chỗ, anh không a dua, học đòi theo “xu hướng”. Hạn chế sử dụng trong sáng tác những từ Hán Việt, Tuyết Cương vận dụng tối đa ngôn ngữ thuần Việt. Nào “rạ rơm”, nào “dại khôn”, nào “vá”, nào “may”, nào “cơm khê”, nào “cá đồng”… 

Có đọc đi đọc lại bao nhiêu lần, bao nhiêu bài, cũng không có cái cảm giác tẻ nhạt trong thơ anh. Ngay cả khi chạm vào tâm sự bi quan dưới cái nhìn của một người trẻ về xã hội hiện nay, cuối cùng ta vẫn tìm ra sự tái sinh đầy ngoạn mục của câu chữ.

Con đường cong cả nghĩ suy

Khoác áo ngay thẳng đừng vì thẳng ngay.

Xin như lá… trút ưu hoài

Rơi về đất mẹ nằm ngoài thiệt hơn.

                                          (Lá rừng)

Những câu thơ lục bát trữ tình, vần điệu kiểu ca dao, tục ngữ nhưng không gây nhàm chán do cảm giác quen thuộc. Đâu đó vẫn phảng phất cái tân thời, hiện đại, thoang thoảng thanh âm ngày mới. Nhịp thơ không lặp lại theo tính chu kỳ, cách quãng hoặc luân phiên theo thời gian của những chỗ ngừng, chỗ ngắt và của câu thơ, khổ thơ, thậm chí đoạn thơ. Không tìm thấy nhịp 2/4 (2/2/2, 4/2) trong câu lục hoặc 4/4 (2/2/4, 2/2/2/2, 4/2/2) trong câu bát như truyền thống ở thơ Tuyết Cương, bạn đọc sẽ ngạc nhiên với nhịp điệu đầy thú vị mà anh sử dụng:

Mưa ơi/ướt cái khôn đi (2-4)

Để mai/ráo cái dại/khi mẹ còn (2-3-3).

                                          (Mưa xuân)

Hay

Đường về /nhựa ấm câu ca (2-4)

Gió rong chơi/vẫn thiết tha cánh diều (3/5).

                                                        (Điền dã)

* Lối đi riêng

Tự tạo cho mình một “lối đi” riêng trên con đường nghệ thuật, Tuyết Cương vững vàng và kiên định với lựa chọn của riêng mình. Không dụng công làm mới thơ lục bát bằng cách lên xuống dòng mang tính thủ pháp nhằm lạ hóa giọng điệu và thay đổi nhạc tính của thơ, không ngắt câu phá vỡ cấu trúc thông thường của thể thơ, nhằm tạo ra những nét mới theo kiểu “phong trào”, Tuyết Cương chịu khó tìm tòi sử dụng ngôn từ mới, nói “không” với từ ngữ sáo mòn.

Sáng tạo tích cực của anh đã được độc giả đón nhận một cách trân trọng. Cuộc thi thơ Tuổi trẻ và Tổ quốc do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức năm 2013, tác phẩm Đường về quê hương do Tuyết Cương sáng tác là một trong 4 giải khuyến khích được Ban tổ chức chọn trao. Trong hơn 1 ngàn bài thơ tham dự Cuộc thi Lục bát Tết do Công ty sách Sài Gòn Book tổ chức, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương đoạt giải khuyến khích với 3/5 bài thơ anh gửi tham gia.

Nhiều câu thơ Tuyết Cương viết để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc:

“Mưa không cuốn hết mỏi mòn

Cắn trái hạnh phúc chẳng giòn đâu em”.

                                                (Mưa xuân)

Hay:

“Hoa giờ sợ ngón tay rung

Tay giờ biết cái thủy chung không gầy”.

                                           (Tâm sự với đường hoa)

Nhìn chung, ngôn ngữ trong thơ Tuyết Cương có những sự chuyển mình đầy kỳ ảo, như sự biến thiên không ngừng của nghệ thuật trong dòng chảy thời gian. Tác phẩm anh viết, hầu như không tuân theo một quy luật hay xu hướng cụ thể nào. Tự thân những bài thơ đã mang trong mình sứ mệnh cao cả: đi tìm giá trị của chân - thiện - mỹ, thể hiện cái tinh tế, nhạy cảm, mong manh từ sâu thẳm trái tim người nghệ sĩ và những trăn trở ưu tư của một người làm thơ với con người và cuộc đời. Những vần thơ nặng những tâm tình ấy sẽ đọng lại trong lòng công chúng và biết đâu có thể tồn tại với thời gian.

Huyền Quy

Tin xem nhiều