Báo Đồng Nai điện tử
En

Giao di tích về địa phương

09:08, 25/08/2018

Di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn nằm trên địa bàn xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh. Tuy nhiên mỗi khi địa phương muốn tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, tuyên truyền quảng bá tại di tích thì phải xin ý kiến Sở Văn hóa - thể thao và du lịch và Ban Quản lý di tích tỉnh, bởi di tích này thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý di tích tỉnh chứ không phải của địa phương.

Di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn nằm trên địa bàn xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh. Tuy nhiên mỗi khi địa phương muốn tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, tuyên truyền quảng bá tại di tích thì phải xin ý kiến Sở Văn hóa - thể thao và du lịch và Ban Quản lý di tích tỉnh, bởi di tích này thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý di tích tỉnh chứ không phải của địa phương.

Di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh).
Di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh).

Đây cũng là thực tế về phân quyền quản lý di tích diễn ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua.

* Hết làm thay việc

Hiện nay, trong số 55 di tích được xếp hạng của tỉnh có 5 di tích được quản lý, tổ chức hoạt động trực tiếp từ Sở Văn hóa - thể thao và du lịch gồm: 4 di tích cấp quốc gia tại TP.Biên Hòa (Thành cổ Biên Hòa, Nơi diễn ra cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956, Lăng mộ Trịnh Hoài Đức, Nhà Xanh) và 1 di tích ở TX.Long Khánh (Di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn).

Những di tích này đều do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh nguồn kinh phí tu sửa, tiến hành bảo vệ, tổ chức các hoạt động tại di tích thay cho địa phương. Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, để có cán bộ nghiệp vụ thường trực thuyết minh, bảo vệ, vệ sinh khu vực di tích, đơn vị phải cân đối nguồn kinh phí, nhân lực để bố trí nên rất khó khăn. Chẳng hạn, tại di tích cấp quốc gia Nơi diễn ra cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956, Ban Quản lý di tích tỉnh phải bố trí đến 4 cán bộ nghiệp vụ, 2 bảo vệ và 1 tạp vụ. Hay tại di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn, đơn vị cũng phải bố trí 1 cán bộ nghiệp vụ, 2 bảo vệ và 2 tạp vụ. Điều này vô tình khiến các đơn vị quản lý của tỉnh phải tham gia cụ thể vào công tác điều hành, tổ chức hoạt động tại di tích thay cho cơ sở.

Theo ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, từ thực tế đó, đơn vị đã tham mưu xây dựng quy định phân cấp, ủy quyền quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, ban hành. Nếu quy định này được thông qua, trong thời gian tới tất cả các di tích được xếp hạng trong tỉnh sẽ phân cấp về cho địa phương, đơn vị liên quan trực tiếp quản lý. Sở Văn hóa - thể thao và du lịch chỉ làm công tác tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước về di tích - danh thắng thay vì trực tiếp làm nhiệm vụ vận hành hoạt động, bảo vệ… ở di tích như hiện nay.

* Vui nhưng còn băn khoăn

Khi các di tích được phân cấp, ủy quyền quản lý về cho địa phương và các đơn vị liên quan trực tiếp quản lý sẽ tạo điều kiện cho mỗi địa phương chủ động kết nối du lịch, nhất là trong thời điểm Đồng Nai đang đẩy mạnh các loại hình, sản phẩm du lịch. Đồng thời tránh được cảnh di tích nằm trên khu vực hành chính địa phương mà địa phương ít được tham gia quản lý, vận hành hoạt động. Ngoài ra, điều này cũng sẽ tăng thêm trách nhiệm cho địa phương trong việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích thay vì khoán trắng cho cơ quan cấp tỉnh như hiện nay.

Bên cạnh những thuận lợi, nhiều địa phương cũng kiến nghị khi bàn giao di tích về cho từng nơi quản lý, tỉnh cần có sự hỗ trợ cho cơ sở. Trong đó, với TP.Biên Hòa - địa phương tập trung gần 1/2 số di tích được xếp hạng của toàn tỉnh và sắp tới sẽ tiếp nhận 4/5 di tích từ Ban Quản lý di tích tỉnh thì vấn đề con người, kinh phí hoạt động đang đặt ra một số trở ngại nhất định. Theo bà Nguyễn Ngọc Hương, Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa, hiện đơn vị chỉ có 1 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quản lý di sản văn hóa. Nếu những địa phương khác đã thành lập được Ban Quản lý di tích thì Biên Hòa chưa làm được điều này. Do vậy, khi các di tích được giao hoàn toàn cho địa phương quản lý thì rất mong sẽ có sự hỗ trợ từ phía tỉnh về công tác quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động tại các di tích.

Từ băn khoăn của địa phương, ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho hay, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc từ các địa phương, đơn vị được phân công quản lý di tích, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ kịp thời hỗ trợ và có đề xuất với UBND tỉnh xem xét, giải quyết, bởi mục tiêu lớn nhất là làm sao bảo tồn và phát huy được giá trị của di tích trong cuộc sống.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều