Nằm trong chuỗi chương trình mang tên Hành trình diễn xướng Nam bộ, với kỳ 1 mang tên Khảy nhịp tang tình, diễn giả Huỳnh Ngọc Trảng đưa công chúng yêu nhạc truyền thống của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa ngược dòng thời gian trở về với những làn điệu dân ca độc đáo.
Nằm trong chuỗi chương trình mang tên Hành trình diễn xướng Nam bộ, với kỳ 1 mang tên Khảy nhịp tang tình, diễn giả Huỳnh Ngọc Trảng đưa công chúng yêu nhạc truyền thống của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa ngược dòng thời gian trở về với những làn điệu dân ca độc đáo. Chương trình diễn ra lúc 19 giờ vào ngày 8-4, tại Soul Live Project Complex, 216 Pasteur, quận 3, TP.Hồ Chí Minh.
Hành trình Diễn xướng Nam bộ là một chuyến du hành nhiều kỳ, mỗi kỳ khán giả được nghe một hình thức đờn ca hát xướng của xứ này. Với Khảy nhịp tang tình, khán giả được tiếp cận lịch sử Nam bộ qua những câu hò, điệu hát, lời ca.
“Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn với sự phát triển kinh tế và xã hội khác nhau sẽ tạo nên những trào lưu văn hóa khác nhau do cộng đồng sống trong thời cuộc đó lựa chọn. Chúng ta cần giới thiệu những nét văn hóa mà ông bà ta đã từng yêu thích và giải thích một cách dễ hiểu nhất nét đặc trưng của những trào lưu văn hóa này để từ đó các bạn trẻ biết được văn hóa Việt có gì, có như thế nào, nét chấm phá ra sao. Chúng ta chỉ là bày thêm nhiều món ăn văn hóa có hương vị khác nhau và để quyền lựa chọn lại cho các bạn đương thời” - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giải thích.
Bên cạnh đó, phần bình phim tài liệu Gia Định - Sài Gòn: Điệu hát, câu hò ngày ấy của diễn giả - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sẽ mở ra nhiều điều thú vị về tổng quan bối cảnh văn hóa Nam bộ và sự hình thành, biến đổi và phát triển ở đất Nam bộ. Các loại hình diễn xướng cơ bản: trữ tình dân gian (dân ca, hò, hát lý...), tự sự dân gian (nói vè, nói thơ, nói tuồng…), tổng hợp (sắc bùa, nghi lễ, khoa nghi ứng phú), múa lốt (múa hẩu, múa lân, múa sư tử…).
Sẽ có nhiều người thắc mắc vì sao gọi là Khảy nhịp tang tình? “Khảy“ ở đây ví như động tác gảy đàn - một cách tạo nên tiếng động - âm thanh nhắc nhở chúng ta đã đến giờ lên xuồng đi chơi.
“Nhịp” là nhịp phách trong một bản nhạc, là yếu tố quan trọng bậc nhất bởi nắm vững nhịp là nắm được căn bản của bài hát. Khi giã gạo mệt nhọc vẫn có thể giữ được nhịp cho nhau, khi sa mưa giông lạnh cóng vẫn nhờ vào nhịp để giữ ấm, khi hò tán tỉnh huê tình cần nhịp phách trao nhau.
Còn “tang tình” là một tiếng tính tình tang gợi nhắc những âm giai ngũ cung, tiếng đàn cổ truyền và giọng hát ai hò trên triền sông xa xăm nào đó.
Khảy nhịp tang tình dù chưa chính thức mở cửa nhưng hứa hẹn về việc mở ra một không gian lãng tử sông nước mênh mang của đất và người Nam bộ tài tử xưa. Những người hôm nay, đặc biệt là người trẻ, sẽ có cơ hội kết nối mình với quá khứ để nhìn thấy những hé lộ nào đó về sợi dây văn hóa lưu lại trong căn tính tâm thức cộng đồng mà mình sống hôm nay.
Chương trình được Amberstone Media kết hợp thực hiện với Cultural Community Discourse (CCD) - Đối thoại Văn hóa cộng đồng. CCD là một dự án của Cội Việt nhằm kết nối các nhà nghiên cứu với công chúng để trình bày các công trình khảo cứu, bóc tách từng lớp văn hóa của một cộng đồng.
Đây cũng là sự kiện đầu tiên của SLP Series - chuỗi dự án nghệ thuật kết nối cộng đồng thuộc Soul Live Project. Với chuỗi dự án này, SLP mang đến cho cộng đồng cơ hội “du ngoạn” thế giới nghệ thuật với đủ các loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật truyền thống trong nước tới các loại hình nghệ thuật kinh điển, hiện đại trên thế giới.
Bảo Bình