Báo Đồng Nai điện tử
En

Vĩnh biệt một tài năng

11:12, 25/12/2017

Giới mộ điệu đờn ca tài tử miền Đông Nam bộ và cả nước chắc ai cũng hơn một lần nghe đến tên A Lý Phượng Tuyền trên làn sóng các đài PT-TH và báo chí. Đây là bút danh của soạn giả cổ nhạc Thái Quốc Thế Nguyên (ông còn các bút danh khác như: Dạ Ngân Châu, Tuyết Lan Phương Tử).

Giới mộ điệu đờn ca tài tử miền Đông Nam bộ và cả nước chắc ai cũng hơn một lần nghe đến tên A Lý Phượng Tuyền trên làn sóng các đài PT-TH và báo chí. Đây là bút danh của soạn giả cổ nhạc Thái Quốc Thế Nguyên (ông còn các bút danh khác như: Dạ Ngân Châu, Tuyết Lan Phương Tử). Những năm qua tuy tuổi đã xế chiều nhưng sức viết của ông vẫn tràn trề, vì thế tin ông đột ngột ra đi vào ngày 23-12 vừa qua đã khiến người thân và bạn bè đồng nghiệp không khỏi bàng hoàng, luyến tiếc.

Soạn giả A Lý Phượng Tuyền
Soạn giả A Lý Phượng Tuyền

Sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, ông là con trai út trong gia đình của nhà thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông, em ruột của nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế), vì thế máu tài tử đã sẵn chảy trong ông. Anh em ông đều thông thạo tiếng Hán - Việt, thành đạt trong nghiệp viết lách.

Soạn giả A Lý Phượng Tuyền đã để lại trong lòng khán giả yêu mến cải lương, vọng cổ nhiều ấn tượng với những tác phẩm như: Tâm tình cô công nhân, Ðồng Nai ngày mới, Huyền sử một địa danh, Bàu Hàm quê tôi, Hoa phong lan, Hoài vọng một mùa xuân... Ông có trên 500 tác phẩm cổ nhạc được phát sóng, in báo, tạp chí trong cả nước.

Ngoài các chuyên đề Thơ chua, Thơ cay, Thơ ngâm dấmTiểu phẩm, bạn đọc biết nhiều đến ông qua các chuyên trang, chuyên mục Quán Cười (Báo Lao Động Đồng Nai), báo Văn nghệ, tạp chí Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông tin Đồng Nai, Khoa học và Đời sống Đồng Nai, Văn nghệ Long Khánh, Văn nghệ Châu Đốc… Ông còn là cộng tác viên đắc lực trong nhiều năm qua của Đài PT-TH các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, được các đài thực hiện nhiều VCD dành cho riêng ông.

Trong cuộc sống sáng tác, ông luôn khiêm tốn, lặng lẽ, thích cuộc sống ẩn dật để viết và sống trong cảnh khó nghèo. Những sáng tác của ông luôn gần gũi với đời sống nhân dân lao động nên được mọi người tiếp nhận. Sinh thời, ông vẫn còn nuôi nhiều ước mơ, hoài bão trong nghiệp viết nhưng cái nghèo, cái khó đeo đuổi mãi nên chưa thành hiện thực.

Thôi rồi, vĩnh biệt một tài năng, vĩnh biệt ông, người đời vẫn luôn luôn nhớ đến A Lý Phượng Tuyền, “soạn giả của giới bình dân”!

Hoàng Long

Tin xem nhiều