Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc, mới và lạ

07:12, 23/12/2017

Đó là nhận xét của khán giả có mặt trong đêm diễn đầu tiên của chương trình nghệ thuật múa rối Huyền thoại cuộc sống, do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai thực hiện vào tối 20-12.

Đó là nhận xét của khán giả có mặt trong đêm diễn đầu tiên của chương trình nghệ thuật múa rối Huyền thoại cuộc sống, do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai thực hiện vào tối 20-12.

Một tiết mục trong vở rối Huyền thoại cuộc sống.
Một tiết mục trong vở rối Huyền thoại cuộc sống.

Đây là lần thứ 2 Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai dàn dựng thể loại rối với sự giúp sức của NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam trong vai trò đạo diễn. Còn NSND, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai Giang Mạnh Hà là tác giả kịch bản. Tạo hình rối - thiết kế mỹ thuật do họa sĩ Ngô Thắng phụ trách.

* Nhiều trong một

Nếu như chương trình múa rối nước Dòng chảy cội nguồn diễn ra cách đây 1 năm - vở rối đầu tiên được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai dàn dựng với những con rối nước điều khiển bằng que (rối que) và các ca sĩ, nghệ sĩ “hát sống” ngay trên sân khấu để thể hiện nội dung về làng quê Việt Nam khắp 3 miền thì vở múa rối cạn lần này là những câu chuyện cổ tích, những sáng tạo trong sử dụng nghệ thuật ánh sáng.

Xuyên suốt 90 phút của vở diễn, với sự dẫn dắt của chú hề trong vai trò người dẫn chuyện, khán giả lần lượt được xem 9 câu chuyện cổ tích từ Á sang Âu, những tiết mục nghệ thuật vô cùng hấp dẫn và vui nhộn như: múa Tát nước đêm trăng, Sự tích 12 con giáp, Ca múa Trống hội chúc xuân, vịt con xấu xí, múa chim công, Câu chuyện rạp xiếc, Thiên nga chết, Tấm Cám, Thủy long cung.

Trong 2 đêm 25 và 26-12, tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) sẽ diễn ra 2 suất biểu diễn chương trình múa rối: Huyền Thoại cuộc sống.

Khi xem đến mỗi phân cảnh, khán giả, nhất là người xem nhỏ tuổi không thể ngồi yên trên ghế mà đều đứng dậy reo hò, vỗ tay tán thưởng. “Chưa lần nào mẹ con tôi được xem một vở rối mà có nhiều câu chuyện đan xen và vui như vậy” - bà Nguyễn Thị Minh Ngọc (42 tuổi, ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) khán giả có mặt trong buổi diễn chia sẻ.

Theo NSND Giang Mạnh Hà, một vở rối với thời lượng ngắn, nội dung đơn giản dành cho khán giả nhỏ tuổi đã được rất nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước thực hiện và nhà hát muốn làm khác đi để tạo ra nét riêng. Từ mong muốn đó, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai đã xây dựng nên chương trình múa rối có nhiều nội dung, mang tính nghệ thuật cao hơn để thu hút nhiều đối tượng khán giả đến xem.

Cũng vì tính chất của chương trình rối lần này mà Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai kết hợp đưa lên sân khấu những màn “hát sống” của nghệ sĩ, hay khi nghệ sĩ vào vai các nhân vật trong chuyện cổ tích đều có sự giao lưu cùng khán giả. Đặc biệt, các loại hình múa rối cũng được sử dụng tối đa, từ rối que, rối tay, rối người đến rối dây, thêm vào đó là hình ảnh 12 con giáp với kích thước to lớn, những màn nhào lộn cũng xuất hiện trên sân khấu.

* Đầu tư xứng đáng

Ngoài những câu chuyện, vở rối còn là một bữa tiệc ánh sáng hoành tráng khi nghệ thuật biểu diễn ánh sáng với đèn nhiều màu sắc được thực hiện cầu kỳ và bắt mắt. Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, đạo diễn chương trình, để làm nổi bật trong màn tối cảnh chim công múa; các loại cá, tôm bơi lội; cảnh thiên nga bay trên nền trời... Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai đã sử dụng hàng trăm bóng đèn led với nhiều kích thước khác nhau, sử dụng loại sơn đặc biệt để có thể phát sáng trong bóng tối cho việc tạo nên các hình khối sân khấu. Do vậy, có thể nói đây là một vở rối độc đáo khi cùng lúc đưa người xem vào 2 chương trình là múa rối và biểu diễn nghệ thuật ánh sáng.

Song song với sự đầu tư, dàn dựng công phu không thể không nói đến nỗ lực của các nghệ sĩ khi tham gia vào vở múa rối này. Trong đó, xuất hiện từ đầu đến khi kết thúc chương trình là nhân vật chú hề do nghệ sĩ Trường Khải thể hiện. Đây là vai diễn nặng ký nhất của vở rối và có phần giao lưu nhiều với khán giả.

 Nghệ sĩ Trường Khải chia sẻ: “Trong suốt 1 tháng, anh chị em nghệ sĩ tập liên tục 3 buổi/ngày. Tuy phải thử sức với những vai trò mới như: nhào lộn, múa, điều khiển rối... nhưng ai cũng cố gắng nỗ lực. Đây cũng là lần đầu tiên tôi vào vai một chú hề dẫn dắt xuyên suốt một vở. Hài trong cải lương có tình huống, có đối đáp giữa các nhân vật. Còn khi vào vai chú hề này, tôi phải tự tạo tình huống để gây hoạt náo, qua đó thu hút người xem, tạo tiếng cười cho khán giả. May mắn là tôi đã hoàn thành vai diễn”.

Trước những tín hiệu tích cực từ chương trình múa rối, NSND Giang Mạnh Hà cho hay: “Bên cạnh những vở cải lương, trích đoạn sân khấu, trong thời gian tới Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai sẽ đẩy mạnh việc dàn dựng và biểu diễn những vở múa rối để phục vụ khán giả nhỏ tuổi trong tỉnh. Trước mắt, vở diễn này sẽ được đưa vào chương trình phục vụ người dân ở 11 huyện, thị, thành trong dịp Tết Nguyên đán 2018”.

Văn Truyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích