Hưởng ứng Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25-11) và Tháng Hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức tuyên truyền bằng hình thức giao lưu, hội thi sinh động nhằm đem lại hiệu quả thiết thực.
Hưởng ứng Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25-11) và Tháng Hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức tuyên truyền bằng hình thức giao lưu, hội thi sinh động nhằm đem lại hiệu quả thiết thực.
Một tiểu phẩm trong chương trình Giao lưu câu lạc bộ Nam giới nói không với bạo lực gia đình.Ảnh: Nga Sơn |
Không dừng lại ở những tiểu phẩm, những câu hỏi trắc nghiệm kiến thức mà qua các buổi giao lưu, hội thi đã góp phần phản ánh thực tế công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có bạo lực gia đình.
* Những câu chuyện từ thực tế
Trong số 11 tiểu phẩm trong chương trình giao lưu Câu lạc bộ Nam giới nói không với bạo lực gia đình do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức mới đây, có đến 2/3 tiểu phẩm phản ánh về tình trạng bạo lực về thể chất. Tiểu phẩm Tỉnh ngộ của Câu lạc bộ Nam giới nói không với bạo lực gia đình ấp 2, xã Gia Canh (huyện Định Quán) là một điển hình.
Ông Biện Hữu Mới, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nam giới nói không với bạo lực gia đình ấp 2, xã Gia Canh, chia sẻ tiểu phẩm Tỉnh ngộ được xây dựng từ trường hợp ông T. (ngụ cùng ấp). Từng cá độ đá bóng, cờ bạc, lần nào thua ông T. cũng trở về nhà trong bộ dạng say khướt, rồi giở trò “dạy dỗ” vợ con. Vì sợ gia đình ly tán, xấu hổ với láng giềng nên người vợ im lặng chịu đòn. Khi chính quyền địa phương đến can thiệp thì ông mạnh miệng tuyên bố đó là chuyện riêng của gia đình, ông làm chồng, làm cha nên có quyền dạy bảo vợ con...
Ngoài hành vi bạo lực về thể chất, còn có những tiểu phẩm phản ánh tình trạng bạo hành tinh thần.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh (ở phường Xuân An, TX.Long Khánh) chia sẻ tiểu phẩm Vợ ơi! Anh biết lỗi rồi mà chị kể về hoàn cảnh của người chị gái từng có hơn 10 năm làm giảng viên đại học ở TP.Hồ Chí Minh. Sinh con thứ 2 xong, chị xin nghỉ việc ở nhà đợi khi con lớn sẽ đi làm trở lại. Chồng chị là người thành đạt nhưng lại có tư tưởng muốn vợ ở nhà nội trợ, chăm lo gia đình để anh toàn tâm toàn ý kiếm tiền. Từ ngày nghỉ việc, chị chỉ quanh quẩn ở nhà, ngoài mặt vui vẻ nhưng trong lòng luôn ủ rũ. Mơ ước có một công việc để làm, được trở lại là chính mình của ngày xưa của chị đều bị người chồng ngăn cản.
“Qua tiểu phẩm tôi muốn gửi đến một thông điệp: nam giới hãy yêu thương người phụ nữ của mình bằng cách tạo điều kiện để họ hoàn thành thiên chức trong gia đình và được phát huy khả năng ngoài xã hội” - chị Oanh nói.
* Cần sự vào cuộc tích cực của nam giới
Bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Ở Việt Nam, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm đối với công tác phòng chống bạo lực gia đình và ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Với sự ra đời của các văn bản này và sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, công tác phòng chống bạo lực gia đình đã có sự chuyển biến tích cực.
Tại Đồng Nai, số vụ bạo lực gia đình giữa các năm tăng giảm thất thường. Nếu như năm 2012 toàn tỉnh xảy ra 463 vụ, đến năm 2013 giảm xuống 189 vụ thì đến năm 2014 tăng lên 217 vụ hoặc năm 2016 giảm còn 109 vụ thì đến năm 2017 tăng lên 182 vụ. |
Tuy nhiên, theo bà Trần Anh Thơ, Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), số liệu thống kê về bạo lực gia đình vẫn chưa phản ánh đúng thực tế. Bởi, bạo lực gia đình xảy ra dưới nhiều hình thức và đối với nhiều đối tượng, thành viên trong gia đình. Trong khi đó, công tác nhận diện bạo lực gia đình của cán bộ ở cơ sở còn chưa đầy đủ để kịp thời can thiệp. Mặt khác, do nhiều gia đình khi xảy ra bạo lực không muốn khai báo hoặc nhờ can thiệp vì sợ mất mặt.
Ở góc độ ngành văn hóa, trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan, game show trên truyền hình; duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình gia đình, hoạt động của các thiết chế văn hóa tại cơ sở; tổ chức các hội thi, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề... Đặc biệt, từ năm 2015, ngành văn hóa đã bắt đầu triển khai thành lập các mô hình câu lạc bộ nam giới nói không với bạo lực gia đình, đến nay đã thành lập được 43 câu lạc bộ nhằm huy động sự vào cuộc tích cực hơn của nam giới.
Các thành viên tham gia câu lạc bộ không chỉ đóng vai trò nòng cốt trong công tác phòng chống bạo lực gia đình mà còn tham gia hòa giải các vụ bạo lực gia đình tại địa phương. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nam giới nói không với bạo lực gia đình ấp 2, xã Gia Canh (huyện Định Quán), cho biết để nắm bắt các vụ bạo lực gia đình, mỗi khu dân cư, câu lạc bộ cử 2 thành viên theo dõi. Khi xảy ra bạo lực, thành viên phụ trách mỗi khu sẽ phối hợp với ban ấp và tham gia hòa giải. Không dừng lại ở đó, các thành viên còn vận động nam giới - những người gây ra bạo lực - tham gia câu lạc bộ để vừa tuyên truyền vừa làm gương cho người khác noi theo.
Bà Trần Anh Thơ cho rằng nam giới có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực gia đình. Vì vậy, trong thời gian tới, những người làm công tác gia đình cần nỗ lực hơn nữa để lôi cuốn sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào công tác phòng chống bạo lực gia đình. Việc này nhằm hướng đến mục đích khiến nam giới không còn bị nhìn nhận là đối tượng gây ra bạo lực gia đình nữa mà là những người đang nỗ lực, đồng lòng chung tay vun đắp cho gia đình hạnh phúc.
Nga Sơn