Đi giữa lòng phố thị hào nhoáng, với những con đường tấp nập người và xe ngược xuôi qua lại... ta chợt nhớ về những con đường làng rợp bóng, những dấu chân trần chạy nhảy giữa quê hương...
Đi giữa lòng phố thị hào nhoáng, với những con đường tấp nập người và xe ngược xuôi qua lại... ta chợt nhớ về những con đường làng rợp bóng, những dấu chân trần chạy nhảy giữa quê hương...
Đường quê đã dìu bao đôi chân nhỏ bé những bước đi đầu đời. Nâng bước cô cậu học trò nhỏ trong màu áo trắng tinh khôi trên con đường làng thân thuộc... Và lớn lên khi đi xa đôi chân ấy vẫn nhớ về con đường đã từng gắn bó đậm sâu.
Đường quê là nơi... những lúc con trẻ chờ đợi tiếng rao hàng của bà Năm cô Tám. Vào những buổi sớm mai, được mẹ mua cho những thức quà quê dân dã, bánh bò, củ khoai, bánh lá...
Là chốn thần tiên cho tụi nhỏ ung dung dưới chiều gió lộng, dưới bóng mát của hàng cây, những trò chơi đuổi bắt, bắn bi, chong chóng lá dừa, những cuộc thi tài, những cái đầu chụm vào nhau hồi hộp xem ai giành phần thắng, ngồi trên những chiếc xe kéo chở lúa lắc lư mà tưởng tượng mình là công chúa hoàng tử.
Con đường làng uốn quanh những thân dừa cao vút, sát cánh cùng sông rạch với cây cầu nối đôi bờ gắn nhịp yêu thương. Khi ráng nắng vàng nhè nhẹ lúc chiều buông, xuyên kẽ lá của hàng tre xanh mượt, nên đường quê đẹp và thơ đến nao lòng...
Là nơi nghĩa tình hội ngộ, nơi xóm làng thấu hiểu nhau hơn trong ánh nắng chiều buông nhè nhẹ. Nhìn những con đường làng uốn lượn quanh co, luôn được các bàn tay của người nhà quê chăm chút, cho những luống hoa trước ngõ ven đường. Nó không cầu kỳ chỉnh chu như công viên, phố chợ nhưng nổi bật giữa những hàng cây xanh mướt .
Đường quê là vậy, luôn tạo một cảm giác gần gũi, mộc mạc và chan chứa tình người dào dạt khó phai.
Hoàng Trường