Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn biết bao hài cốt của các liệt sĩ chưa được đưa về đất mẹ. Chú ruột tôi là một trong số đó.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn biết bao hài cốt của các liệt sĩ chưa được đưa về đất mẹ. Chú ruột tôi là một trong số đó.
Ông bà tôi sinh được 2 người con trai. Cả 2 đều có mong muốn được đi bộ đội từ khi còn rất nhỏ. Trong đó, chú ruột tôi là Nguyễn Tiến Chạy đã cắt tay lấy máu để viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi mới 16 tuổi.
Ngày chú lên đường nhập ngũ, bà nội khóc thương vì chú còn quá nhỏ. Ông nội thì buồn bã vì ông đã có 1 em trai hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, nay không muốn phải tiễn biệt một người thân nào nữa. Song, trái tim của chú tôi đã dành trọn cho Tổ quốc, không gì có thể cản bước.
Trước lúc ra đi, chú dặn mẹ tôi: “Chị ở lại chăm sóc cha mẹ, đến ngày đất nước toàn thắng, nhất định em trở về”. Thế nhưng, từ ngày chú ra đi, là đi mãi mãi…
Theo lời bà kể, chú đi bộ đội năm 1966. Đến năm 1968, gia đình nhận được giấy báo tử chỉ với một thông tin “liệt sĩ Nguyễn Văn Chạy, quê quán xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) đã hy sinh năm 1968 tại chiến trường miền Nam”. Cầm giấy báo tử trên tay, ông bà tôi nức nở, gào khóc gọi tên con.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông bà tôi có ý định đi tìm con để đưa con về với quê hương. Nhưng từ lúc chú nhập ngũ đến lúc hy sinh, ông bà không nhận được lá thư nào của chú nên không biết chú ở đơn vị nào, đóng quân ở đâu… Chỉ khi cầm giấy báo tử mới biết chú hy sinh ở chiến trường miền Nam, nhưng miền Nam là ở chỗ nào trong đất trời rộng lớn, mênh mông này? Vì chiến tranh, mọi người phải chia lìa nhau, mất mát và đau thương. Đến thông tin cũng thiếu. Ngay cả ngày, tháng chú hy sinh cũng không có. Để có ngày cúng giỗ chú, ông bà tôi đã lấy ngày 27-7 hàng năm để làm mâm cơm thắp lên nén nhang tưởng nhớ chú.
Nhiều lúc nhớ chú quá, ông bà lại chạy ra Nghĩa trang liệt sĩ xã để thắp hương cho chú. Nhưng ở Nghĩa trang liệt sĩ xã chỉ có tấm bia khắc tên chú mà thôi, còn lại không có gì dưới nấm mộ đó cả.
Giờ đây, ông bà và bố mẹ tôi cũng đã mất vì tuổi già. Tôi là thế hệ con cháu, tưởng như thời gian sẽ xoa dịu mọi nỗi đau, lớp trẻ không có ký ức về chiến tranh sẽ thờ ơ với quá khứ. Tuy nhiên, là người trong gia đình chưa tìm được nơi người thân yên nghỉ thì nỗi day dứt về chiến tranh vẫn chưa thể nào nguôi.
Mỗi lần nghe tin có gia đình liệt sĩ tìm được mộ thân nhân hoặc địa phương tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ, tôi mừng cho các gia đình được đoàn tụ nhưng buồn cho gia đình mình. Cầu mong một ngày gia đình mình cũng được đón tin vui như họ...
Quỳnh Trang