Từ ngày 4-8, đoàn nghệ sĩ của sân khấu Idecaf gồm: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Lương Thế Thành, Tường Vi, đạo diễn Vũ Minh và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn sẽ lên đường sang Mỹ biểu diễn 4 suất vở Dạ cổ hoài lang trong các ngày 6, 7 và 14-8 tại San Jose, Houston và Orange County.
Từ ngày 4-8, đoàn nghệ sĩ của sân khấu Idecaf gồm: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Lương Thế Thành, Tường Vi, đạo diễn Vũ Minh và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn sẽ lên đường sang Mỹ biểu diễn 4 suất vở Dạ cổ hoài lang trong các ngày 6, 7 và 14-8 tại San Jose, Houston và Orange County.
* Sức sống hơn 20 năm
Nhắc tới những vở diễn tiêu biểu của làng kịch nói TP.Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến Dạ cổ hoài lang. Vở được nghệ sĩ Thanh Hoàng viết với nhiều cảm xúc khi nghe bản Dạ cổ hoài lang. Dù chưa được đến Mỹ nhưng lắng nghe tâm sự của những người con sống nơi đất khách với quá nhiều nỗi niềm, anh đã lồng ghép vào kịch bản Dạ cổ hoài lang những câu chuyện sâu sắc, đầy trăn trở về nỗi hoài hương, những khác biệt về văn hóa giữa các thế hệ.
Ra đời từ năm 1994, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Công Ninh, Dạ cổ hoài lang chỉ có 4 nhân vật trong một không gian sân khấu hộp của sân khấu 5B, nhỏ nhắn, ấm cúng, không tốn nhiều cảnh trí vậy mà vở đi một lèo hơn 1 ngàn suất biểu diễn trong suốt 20 năm qua.
Bốn nhân vật gồm ông Tư, ông Năm, cô cháu gái, bạn trai cô cháu gái đã trải qua sự thể hiện của nhiều thế hệ nghệ sĩ, như: Thành Lộc, Việt Anh, Lê Vũ Cầu, Hoài Linh, Thanh Hoàng, Hữu Châu, Quốc Thảo, Hồng Vân, Phương Linh, Ngọc Trinh, Cao Minh Đạt, Quý Bình, Tường Vi… Những nghệ sĩ được chọn vào vở diễn này phải thật cứng nghề, đặc biệt là 2 nhân vật ông Tư và ông Năm gần như đứng xuyên suốt vở diễn. Hai nhân vật dẫn dắt người xem qua 150 phút vở diễn với nhiều cung bậc cảm xúc, có khi hài đó, cười đó, nhưng tột đỉnh của tiếng cười là cái bi, là nỗi đau đáu, cô đơn của những con người xa quê… Gần như suất diễn nào cũng thế, khán giả ở lại xem đến phút cuối, màn đã khép lại mà họ vẫn nấn ná và những cảm xúc vở diễn thì cứ ám ảnh mãi không thôi…
Cuối năm 2014, Dạ cổ hoài lang được đạo diễn Vũ Minh dàn dựng lại trên sân khấu Idecaf. Một vở diễn sống bền bỉ 20 năm, sau khi về với Idecaf với một số thay đổi cho phù hợp thời hiện đại vẫn tiếp tục là một trong những vở ăn khách và được sắp lịch đều đặn ở Idecaf hiện nay. Quả thật, Dạ cổ hoài lang có vị trí rất đặc biệt và khó bị “đánh đổ” trong làng kịch nghệ TP.Hồ Chí Minh!
* Chinh phục kiều bào
Khi phía đối tác phía ở Mỹ đề nghị Idecaf chuẩn bị một số “hàng hot” để đem sang phục vụ bà con Việt kiều, đã có kinh nghiệm từ lần biểu diễn năm ngoái, nhưng lần này ông bầu Huỳnh Anh Tuấn vẫn chưa thoát khỏi cảm giác hồi hộp: “Năm ngoái, Idecaf diễn vở Hợp đồng mãnh thú hợp “gu” khán giả trẻ. Lần này đem vở Dạ cổ hoài lang sang chúng tôi cũng khá lo lắng, vì cái “e” kịch phù hợp với người già nên không biết tình hình ra sao dù các bạn bên ấy cho biết vé bán 4 suất diễn đang rất khả quan. đem kịch dài sang Mỹ rất tốn kém, vì diễn kịch dài phải chọn một sân khấu tương đối đủ chuẩn, đủ sự chỉn chu để khán giả có thể tập trung xem từ đầu tới cuối mà không bị phân tâm, lo ra. Vì vậy, khâu thuê nhà hát phải chú trọng, không thể diễn đại ở bar, casino… như các chương trình tạp kỹ khác”.
Lần này, rút kinh nghiệm để không cập rập, sân khấu Idecaf đem cả đạo cụ vở diễn Dạ cổ hoài lang sang Mỹ. Để tiết kiệm chi phí, những người trong đoàn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, như: đạo diễn Vũ Minh phải kiêm thêm lo phần âm thanh, ánh sáng, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn phải nhào vô làm… hậu đài. Dù cực nhưng các thành viên trong đoàn đều tỏ ra phấn khởi vì có thể đem đến những vở kịch dài đúng nghĩa, chất lượng để khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ ở Mỹ thưởng thức.
Tiếp sau Dạ cổ hoài lang, phía đối tác cũng đang hối thúc Idecaf gửi hình ảnh, poster để chuẩn bị giới thiệu tiếp vở Tía ơi, má về! đến khán giả Mỹ trong lần lưu diễn gần nhất của Idecaf.
Trí Trọng