Cùng với nhân dân cả nước, cứ đến mùng 10-3 âm lịch hàng năm, các tầng lớp nhân dân tại Đồng Nai lại tề tựu về các điểm thờ phụng Quốc Tổ Hùng Vương trong tỉnh để dâng hương và lễ vật tưởng nhớ tổ tiên.
Cùng với nhân dân cả nước, cứ đến mùng 10-3 âm lịch hàng năm, các tầng lớp nhân dân tại Đồng Nai lại tề tựu về các điểm thờ phụng Quốc Tổ Hùng Vương trong tỉnh để dâng hương và lễ vật tưởng nhớ tổ tiên.
Tiết mục dự thi hội thi kể chuyện “Các đời Vua Hùng” TP.Biên Hòa năm 2015 của Trường mẫu giáo Tân Mai. |
Tuy ở mỗi địa điểm thờ phụng Quốc Tổ có sự khác nhau về quy mô tổ chức và số lượng người đến tham dự, song lòng thành kính của mỗi người con đất Việt tại Đồng Nai khi đến dâng hương, ngưỡng vọng về tổ tiên đều như nhau.
* Nhiều điểm thờ phụng Quốc Tổ
Việc thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương tại những địa điểm này cũng có nhiều nét riêng biệt: có nơi có hẳn một đền thờ dành riêng cho việc thờ phụng các Vua Hùng, như tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) và nhà thờ Vua Hùng (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc). Nhưng cũng có nơi, Quốc Tổ Hùng Vương được phối thờ chung với các bậc tiền hiền của làng trong các đình, đền, như: đền thờ Trần Hưng Đạo (TX.Long Khánh); đền thờ Lạc Long Quân, di tích lịch sử đình Hưng Lộc (huyện Thống Nhất). Đặc biệt, tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên còn trưng bày thêm 18 lít nước và 18kg đất được lấy từ vùng đất Tổ tại xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Nhưng có lẽ số lượng địa điểm thờ cúng, tổ chức lễ giỗ Tổ tại Đồng Nai nhiều hơn hết là tại các trường học được vinh dự mang tên Hùng Vương. Hiện có 4 ngôi trường, gồm: Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa); Trường THCS Hùng Vương (huyện Trảng Bom); Trường THCS - THPT Hùng Vương (huyện Vĩnh Cửu) và Trường tiểu học Hùng Vương (huyện Định Quán) có đặt tượng Vua Hùng ngay tại khu vực sân trường và tổ chức lễ giỗ Tổ hàng năm.
* Lễ - hội chung
Theo thầy Trần Như Long, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, TP.Biên Hòa: “Việc đặt tượng và tổ chức lễ giỗ Tổ Vua Hùng hàng năm trong trường học được gắn liền với nhiều hoạt động phong phú, như: dâng hương, lễ vật lên các Vua Hùng; biểu diễn hoạt cảnh sân khấu về các sự tích trong thời gian trị vì của các Vua Hùng; cùng chia nhau và thưởng thức chiếc bánh chưng - bánh giầy đã giúp học sinh ghi nhớ và tự hào về nguồn cội của dân tộc. Khi đã hiểu, đã biết tự hào về truyền thống dân tộc, học sinh của trường rất hăng hái tham gia các hoạt động do nhà trường phát động”.
Cùng với sự háo hức của các em học sinh khi được tham gia lễ giỗ Tổ tại trường học, người dân ở khắp các địa phương có điểm thờ Quốc Tổ còn chung sức cùng ban tổ chức và chính quyền tham gia vào nhiều hoạt động, như: làm lễ vật dâng cúng, kết trái cây, biểu diễn văn nghệ… Cụ thể, trước ngày diễn ra lễ chính (mùng 10-3 âm lịch) một ngày, dù bận đến đâu các tầng lớp nhân dân của 30 xã, phường trong TP.Biên Hòa cũng tề tựu về Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương để thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, thi kết mâm ngũ quả.
Ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh, cho biết hàng năm, cứ vào sáng mùng 10-3 âm lịch là các tầng lớp nhân dân thị xã cùng tập trung về đền thờ Trần Hưng Đạo (phường Xuân Trung) để dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ giỗ Tổ gắn với nhiều hoạt động phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, như: đọc văn tế lễ các Vua Hùng và các anh hùng liệt sĩ đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương; dâng hương, lễ vật, bánh chưng, bánh giầy và hoa quả... Tương tự, cũng trong mùng 10-3 âm lịch dù có bận rộn làm ăn thì bà con tại xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc cũng cố gắng tranh thủ thời gian tìm đến với nhà thờ Vua Hùng tại xã để chung tay sửa sang bàn thờ, chuẩn bị lễ vật như bánh chưng, bánh giầy và thịt heo, gà các loại... để dâng cúng Vua Hùng.
Tất cả đã tạo nên một lễ - hội chung của cả dân tộc như nhận định của PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong buổi nói chuyện về “Giỗ Tổ Hùng Vương - Ngày Quốc lễ trong tâm thức người Việt” với đoàn viên, thanh niên và học sinh tại TP.Biên Hòa trong sáng ngày 26-4-2015, tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên: “Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tâm hồn và trí tuệ Việt Nam. Người Việt Nam dù ở đâu cũng hướng về tổ tiên, về một ngày lễ chung của dân tộc. Để phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, các tầng lớp nhân dân nhất là thanh niên nên biết quý trọng, vun trồng và trao truyền văn hóa của dân tộc”.
Văn Truyên