Lễ trao Giải âm nhạc Cống hiến vào tối 6-4 (trực tiếp trên kênh VTV6) tới đây có ứng viên xin rút khỏi đề cử nhưng vẫn được đề cử.
Lễ trao Giải âm nhạc Cống hiến vào tối 6-4 (trực tiếp trên kênh VTV6) tới đây có ứng viên xin rút khỏi đề cử nhưng vẫn được đề cử.
Giai điệu tự hào, chương trình của VTV xin rút khỏi đề cử Giải Cống hiến 2015. ảnh: vtv.vn |
Quyết định trên được đưa ra bởi 100 phóng viên văn nghệ là những người đã bỏ phiếu bình chọn cho 6 hạng mục của Giải Cống hiến, bao gồm album của năm, chương trình của năm, ca sĩ của năm, nhạc sĩ của năm, nghệ sĩ mới và bài hát của năm. Trường hợp xin rút là chuỗi chương trình Giai điệu tự hào, một trong 5 ứng viên của hạng mục chương trình của năm, cùng với Bài hát Việt, In the spotlight, Rock Storm và Young hit young beat. Được biết, lý do xin rút của show ca nhạc truyền hình tôn vinh dòng ca khúc truyền thống cách mạng là “nhận thấy những tiêu chí chưa phù hợp của chương trình và giải thưởng”.
Nếu chẳng may những người bỏ phiếu vẫn quyết chọn Giai điệu tự hào để trao giải, có thể thấy trước lễ trao giải sắp tới đây sẽ có ít nhất một hạng mục không có người lên nhận. Đây cũng là chuyện thường thấy ở các giải âm nhạc trong nước gần đây. Các ý kiến thường nghiêng về chỉ trích giới nghệ sĩ thiếu tôn trọng giải thưởng, có nghệ sĩ… phải được giải mới đến. Chỉ trích này càng dễ phổ biến hơn ở giải thưởng được trao bởi chính những người đang viết chuyên mục văn nghệ trên các tờ báo khắp từ Bắc chí Nam.
Nhưng mặt khác, việc một giải thưởng âm nhạc hiếm hoi được bình chọn bởi giới chuyên môn (trừ giải thường niên của hội nhạc sĩ) lần đầu có ứng viên xin rút khỏi đề cử, có thể xem là hồi chuông cảnh tỉnh về chất lượng của các giải thưởng. Những người bỏ phiếu của Cống hiến, vốn được xem là uy tín và có lựa chọn khác biệt đối với số đông khán giả, lại dường như chưa nhận được nhiều sự tin cậy của đối tượng được bình chọn.
Đây là điều dễ hiểu nếu người ta xem họ là những người phải chịu một phần trách nhiệm cho diện mạo tin tức, phê bình âm nhạc rất hỗn loạn và thiếu chuyên môn trên các kênh truyền thông hiện nay. Các yếu tố ngoài âm nhạc, như: chuyện ăn mặc, đời tư, phát ngôn, tài sản… của người trình diễn gần như lấn át yếu tố âm nhạc, góp phần làm đảo lộn những giá trị thật trong ngành giải trí. Điều người nghe rất cần hôm nay lại chính là một đội ngũ phê bình âm nhạc trên báo chí được đào tạo chuẩn mực, am hiểu chuyên môn để giúp họ có thêm kênh thẩm định giá trị thẩm mỹ của mỗi sản phẩm âm nhạc, mỗi màn trình diễn vừa xuất hiện trên kệ đĩa hay trên sân khấu.
Nam Vũ