Cái tin danh hài Hoài Linh là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được UBND TP.Hồ Chí Minh đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đã tạo được sự quan tâm đặc biệt với công chúng.
Cái tin danh hài Hoài Linh là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được UBND TP.Hồ Chí Minh đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đã tạo được sự quan tâm đặc biệt với công chúng.
Hoài Linh vào vai ông Hai đạp xích lô trong phim Tía ơi. Ảnh: P.N.Q |
Từ lâu, với số đông khán giả Việt Nam, Hoài Linh xứng đáng với bất cứ danh hiệu nào bởi cách sống và cách làm việc đáng quý của mình. Nhưng đến nay Hoài Linh vẫn còn nhận chịu không ít thành kiến anh là một nghệ sĩ tay ngang. Điều này cũng đúng ở khía cạnh hầu hết các nghệ sĩ sân khấu ở lứa tuổi của Hoài Linh và về sau đều xuất thân qua trường lớp, còn Hoài Linh nổi tiếng nhờ tấu hài tự phát.
Từng bán hàng rong tuyến Long Khánh - Chợ Sặt
Sinh năm 1969 ở Khánh Hòa, Hoài Linh từng trải qua tuổi thơ cơ cực của thời đất nước trong nền kinh tế bao cấp. Anh lăn lộn bán hàng rong, làm thuê làm mướn đủ thứ để mưu sinh và phụ giúp gia đình vì ba mẹ anh vốn đông con. Từng có thời anh phiêu bạt cùng gia đình vào Đồng Nai, bán hàng rong ở những bến xe suốt dọc tuyến Long Khánh - Chợ Sặt.
Nhưng như số phận đã định sẵn, Hoài Linh sinh ra là để làm nghệ sĩ. Học hết lớp 12, Hoài Linh được nhận vào Đoàn Ca múa nhạc Ponaga của Khánh Hòa với vai trò vừa hát vừa múa nếu đoàn cần. Anh từng đoạt huy chương ở một liên hoan ca nhạc ở tỉnh Khánh Hòa với bài dân ca Phú Yên trách thân. Năm 1993, Hoài Linh cùng gia đình sang Mỹ định cư theo diện HO, Hoài Linh lại cũng đi làm linh tinh việc để kiếm sống. Rồi nghiệp nghệ sĩ lại xui khiến anh trở thành MC, diễn viên tấu hài ở các đám cưới, quán bar của người quen ở Mỹ nhờ cái duyên nói chuyện làm người ta cười của mình.
Khoảng năm 1995 thì Hoài Linh trở thành diễn viên hài chuyên nghiệp khi tình cờ gặp nghệ sĩ hài Vân Sơn trong một chương trình văn nghệ ở hải ngoại, được Vân Sơn mời cộng tác rồi diễn độc quyền cho Trung tâm băng đĩa nhạc Vân Sơn. Bên cạnh Vân Sơn, Hoài Linh chuyên môn đóng vai giả gái một cách duyên dáng, nhẹ nhàng không phô phang, không kệch cỡm khiến khán giả cười bò, thú vị. Từ đây tên tuổi Hoài Linh bắt đầu được biết đến ở hải ngoại, anh được mời tham gia nhiều chương trình đại nhạc hội lớn của người Việt ở hải ngoại và cộng tác với Trung tâm ca nhạc Thúy Nga Paris.
Ở thời điểm đó, khi trào lưu xem băng đĩa nhạc rất thịnh hành, theo con đường băng đĩa, cái tên Hoài Linh bay ngược về Việt Nam và được đông đảo công chúng mến mộ bởi lối diễn hài thông minh, láu cá nhưng dí dỏm, làm quá nói quá nhưng không phô, đối đáp chanh chua nhưng sắc sảo khiến người xem thú vị, bất ngờ, cảm thấy rất gần gũi với đời thường. Hoài Linh cho biết cái khả năng đối đáp, những miếng hài dí dỏm, độc chiêu trên sân khấu ấy đều do anh lượm lặt từ đời sống chân đất mưu sinh bằng đủ thứ nghề của mình ngày nào. Lăn lộn đầu đường xó chợ kiếm sống như thế, hạng người nào anh cũng gặp, cảnh ngộ nào anh cũng thấy nên bỏ vào đầu làm vốn diễn sau này.
Một nghệ sĩ trọng nghề
Năm 1997, sau khi tham gia chương trình Duyên dáng Việt Nam của Báo Thanh Niên, Hoài Linh chính thức bước chân vào làng biểu diễn trong nước và gắn bó luôn với quê nhà. Anh diễn ở trong nước đến mức khán giả không còn xem anh là một nghệ sĩ hải ngoại. Năm 2005 anh cùng bộ ba nghệ sĩ Hữu Lộc - Thanh Long - Lê Hoàng thành lập sân khấu kịch Nụ Cười Mới. Ở sân khấu này Hoài Linh có nhiều vai diễn hay như ông Sáu Bảnh trong Ra giêng anh cưới em, ông già bị con bỏ rơi trong viện dưỡng lão ở vở Ông bà vú…
Với cái tin mình được đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Hoài Linh chỉ khiêm tốn trả lời: “Là nghệ sĩ ưu tú thì trước nhất phải là người được khán giả thương yêu, công nhận”. |
Với các vai diễn trong kịch dài của mình, Hoài Linh đoạt đến 3 huy chương vàng trong các cuộc liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc, để có thể tự hào mình là một nghệ sĩ chuyên nghiệp chứ chẳng phải tay ngang. Anh còn cộng tác với nhiều sân khấu kịch chính quy, tên tuổi để diễn trong những vở kịch lớn như vai Trạng Quỳnh trong vở Trạng chết Chúa cũng băng hà của Nhà hát Kịch TP.Hồ Chí Minh hay vai ông Tư trong Dạ cổ hoài lang của Nhà hát kịch - sân khấu nhỏ 5B.
Với đồng nghiệp, từ lâu đã là một ngôi sao hàng đầu nhưng Hoài Linh chưa bao giờ mang tiếng bệnh ngôi sao hay chèn ép đàn em. Ngược lại, anh được tiếng là ngôi sao dễ chịu, chịu khó nâng đỡ đàn em, giúp đỡ đồng nghiệp khốn khó. Với Tổ nghiệp, Hoài Linh luôn hết lòng thành kính thể hiện qua cách anh luôn tự nhắc mình sống có tâm và luôn làm việc tử tế, tận tình, chịu khó học hỏi. Tấm lòng với Tổ nghề còn được anh thể hiện bằng cách đang xây dựng một ngôi nhà thờ Tổ sân khấu uy nghi ở Bình Dương để trả ơn Tổ, bởi anh cho rằng mình là đứa con cưng của Tổ nghiệp.
Phan Nhật Quang