Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh: Tôi là học trò của muôn nhà

08:06, 07/06/2014

Là một trong những bậc "tiền bối" khai phá, mở đường, đặt nền móng về nghiên cứu văn hóa dân gian của nước ta, trọn đời mình GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã tận hiến cho nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn văn hóa các dân tộc của Việt Nam bằng niềm đam mê mãnh liệt.

Là một trong những bậc “tiền bối” khai phá, mở đường, đặt nền móng về nghiên cứu văn hóa dân gian của nước ta, trọn đời mình GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã tận hiến cho nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn văn hóa các dân tộc của Việt Nam bằng niềm đam mê mãnh liệt.

* Ông là trưởng nam của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân - một trong “tứ trụ” của nền hội họa nước nhà, thế nhưng ông lại không nối nghiệp cha mà lại trở thành người nghiên cứu văn hóa dân gian?

- Bố tôi là một người rất đặc biệt. Ông cũng theo lối cổ, là mong muốn người con trưởng phải nối dõi mình. Lên 7 tuổi, bố đã dạy tôi vẽ. Nhưng tôi vẽ không nổi. Sau này lúc khó khăn, túng tiền tôi vẫn vẽ những bức tranh con con, mang ra Bờ Hồ, khách Tây vẫn mua 100, 200 USD/bức. Nhưng tôi không gọi đó là hội họa, mà đấy chỉ là kiếm tiền.

Từ bé, tôi đã yêu âm nhạc. Tôi thường trốn nhà đi nghe hát xẩm ở đầu phố Khâm Thiên, hoặc đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát - bạn của bố tôi, kiễng chân nhìn vào bên trong để nghe hát ả đào. Tôi cũng có thể ngồi hàng giờ chỉ để lắng nghe tiếng sáo nỉ non của ông bán sáo dạo ở Bờ Hồ.

Nhận ra niềm đam mê ấy, năm tôi 12 tuổi bố quyết định dừng dạy hội họa. Ông gửi tôi cho nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, bảo: “Thằng này là con tôi, nhưng nó lại “phản thùng”, thôi thì ông giúp tôi”. Bố tôi còn bảo: “Thôi con ạ, mày không vẽ được, mà trong nghệ thuật nếu không có năng khiếu thì không nên đứng vào cho chật chỗ của người khác”. Câu nói ấy, tôi luôn ghi nhớ và tâm niệm đến tận bây giờ.

* Như vậy, ông đã theo học âm nhạc, không phải văn hóa, lại còn là văn hóa dân gian như hiện nay?

- Tôi học âm nhạc, mà còn là âm nhạc của Tây. Năm 1956, tôi vào học khoa sáng tác của Trường trung cấp âm nhạc Việt Nam khóa đầu tiên, tiền thân của Nhạc viện Hà Nội. Trường nhạc ngày ấy chỉ dạy Beethoven, dạy nhạc châu Âu. Nhưng tôi lại thích nghiên cứu âm nhạc dân gian.

 Âm nhạc dân gian chính là âm nhạc của cuộc sống, muốn hiểu người, hiểu đời thì phải hiểu văn hóa. Cho nên tôi phải đi ngược lại: sống cùng để hiểu đồng bào, và hiểu nhạc. Trước đây, nước ta có đến 95% là nông dân, mà ở nông thôn thì chỉ có văn hóa dân gian, cho nên có thể nói văn hóa dân gian là “cốt tử” của người Việt Nam. Những di sản văn hóa còn lại đến nay phần lớn là văn hóa dân gian. Tất nhiên, nước ta vẫn còn những di sản to lớn, như: Truyện Kiều của Nguyễn Du, những bài hát bằng chữ Hán của các cụ Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, nhưng ở nông thôn thì vẫn phải là hò, vè, ví, cho nên chủ đạo vẫn là dân gian.

Đồng Nai hiện có một số hội viên nghiên cứu về văn hóa dân gian rất nhiệt tình, tích cực, như: Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng, Nguyễn Thị Nguyệt... Nhưng những nghiên cứu này chưa thành hệ thống. Trách nhiệm của Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai là phải phát triển, mở rộng hội viên, tập trung nghiên cứu thành một chỉnh thể.

* Ông thông thạo nhiều thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số, như: Thái, Mường, Bahnar… Có phải nhờ thế mà ông thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu?

- Muốn giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian thì phải đi đến tận nơi, sờ tận tay, nhìn tận mắt, đánh giá được tình trạng cụ thể của di sản, từ đó mới đề ra các giải pháp tu tạo, khôi phục hợp lý. Còn nếu chỉ nghiên cứu theo kiểu hàn lâm, trên tài liệu, giấy tờ thì không có hiệu quả. Đi nghiên cứu mà không nói được tiếng dân tộc, không sống với họ, cùng chia sẻ ngọt bùi đắng cay, thì coi như vứt.

Lúc tôi đi nghiên cứu ở Tây Nguyên, dịp tết của người Bahnar, họ mổ heo, lấy lòng heo làm sạch rồi băm nhỏ, bỏ vào cây nứa với một chút muối. Sau một thời gian, lòng heo sinh ra dòi, họ mới lấy dòi nấu canh. Quý lắm, người Bahnar mới nấu đãi khách món này. Khi tôi ăn, con dòi nổ lốp bốp trong miệng, tanh không chịu nổi, nhưng vẫn phải ăn, thế mới gọi là sống cùng.

* Là “người mở đường” về nghiên cứu văn hóa dân gian, gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu gần như từ con số 0. Ông đã bắt đầu như thế nào?

- Khi tôi bước chân vào lĩnh vực này, những nghiên cứu nền tảng, hệ thống chưa có. Thế nên, mỗi người một tí góp sức vào nghiên cứu: như ở môn Dân tộc học (hiện nay gọi là Nhân học) có một người rất giỏi là GS. Đặng Nghiêm Vạn. GS. Từ Chi thì nghiên cứu rất sâu về người Mường, còn sách nghiên cứu về văn hóa dân gian của cố PGS. Ninh Viết Giao chất cao hơn cả anh ấy.

Khó khăn, nhưng tôi may mắn có được “thầy”. Thầy của tôi chính là nhân dân. Cả đời tôi làm văn hóa dân gian, miếng ăn, thức uống, đường đi nước bước đều từ dân gian mà ra. Những năm tôi sống ở Tây Bắc có lĩnh lương đâu, toàn là được đồng bào cho ăn, rồi dạy cho nhiều điều. Thời đó chưa có máy móc, tôi học thuộc lòng, rồi hát, diễn trong sự uốn nắn của những người bản địa, đến mức thành thục mới được công nhận là anh em trong một nhà, một bản. Có thể nói, tôi là học trò của muôn nhà, là con của mọi người. Tôi có được cái lợi là kiến thức thực tiễn rất dày, đều do dân dạy. Tất nhiên có phần nghiên cứu của tôi, nhưng nếu không có dân dạy, tôi cũng chào thua.

Khi đi nghiên cứu văn hóa dân tộc Bru ở dãy Trường Sơn, tôi được kết nạp, công nhận là con em, thành viên của bộ tộc. Theo tập tục, tôi lội xuống suối bắt 3 con cá, đem về cho một bà cụ già chẳng biết là bao nhiêu tuổi, da nhăn nheo, hàm răng không còn cái nào. Bà nhai cá xong nhè ra cho tôi ăn. Nhìn vào, người bình thường không hiểu sẽ thấy rất gớm, nghĩ sao thiếu vệ sinh đến thế. Nhưng thật ra, hành động này mang ý nghĩa rất lớn: người mẹ bú mớm, truyền sức mạnh cho con cái. Cái vỏ vật chất văn minh không chấp nhận được, nhưng về tinh thần, ý nghĩa tập tục trên lại rất sâu sắc. Vì thế, đừng dùng tư duy, ý chí của mình để xét nét, đánh giá, phê phán biểu hiện của các nền văn hóa khác, mà phải hiểu mới yêu quý, gìn giữ.

* Là bậc thầy về văn hóa dân gian, theo ông làm thế nào để phát triển “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã nêu?

- Nghị quyết Trung ương 5 xác định “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, vậy bản sắc văn hóa dân tộc lấy ở đâu ra? Chính là lấy từ dân gian. Nhưng văn hóa dân gian không phải là của các nhà bác học, kể cả một số nhà quản lý, lãnh đạo, nên không phải ai cũng hiểu và đặt đúng vị trí. Phải bảo vệ văn hóa dân gian trong thể sống động của nó. Không có liền anh liền chị thì quan họ chỉ còn là các tiết mục. Cồng chiêng Tây Nguyên mà mang lên sân khấu, chứ không phải trong không gian của bản làng với những lễ hội và sự tham gia của đông đảo đồng bào thì cũng chỉ là “cái xác”, không phải là các giá trị văn hóa nữa.

Với tư cách là người có hơn 50 năm nghiên cứu văn hóa dân gian, tôi xin nói thẳng: tôi rất không tán đồng với cụm từ “đưa văn hóa về cơ sở” của các cơ quan quản lý Nhà nước. Thế trước khi Nhà nước đưa “văn hóa” về, người dân ở vùng ấy không có văn hóa, sống u tối hết sao? Các nhà quản lý thường có thói quen áp đặt ý chí của mình, mà không hiểu chủ thể - ở đây là người dân cần gì, muốn gì.

* Hội được Chính phủ phê duyệt dự án “Công bố và phổ biến văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” từ năm 2008. Đến nay, dự án đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Năm 2008, tôi có trình bày với đồng chí Trương Tấn Sang (lúc ấy là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng) về 5 ngàn công trình nghiên cứu văn hóa dân gian chưa được in, đang nằm trong kho cho gián gặm, rất xót ruột. Thế là đồng chí cấp cho Hội  300 tỷ đồng để in 2.500 công trình, đến nay đã in được 1/2. Những tài liệu này sau khi xuất bản sẽ đưa về hệ thống thư viện từ Trung ương đến địa phương, các trường đại học và các viện nghiên cứu. Mỗi công trình như vậy sẽ được tóm tắt bằng tiếng Anh và được đưa lên trang web của Hội, tiện cho người nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa cổ truyền Việt Nam.

 Xin cảm ơn ông!

Thanh Thúy (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều