Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ về khói lam chiều

09:02, 04/02/2014

Đặt bút, viết về quê hương vào những ngày lạnh giá ở tiểu bang Virginia làm tôi liên tưởng: ước gì giờ đây có ánh lửa rơm. Ánh lửa rực hồng in bóng mẹ. Khói lam chiều phủ kín hình mẹ! Lòng tôi se sắt…

Đặt bút, viết về quê hương vào những ngày lạnh giá ở tiểu bang Virginia làm tôi liên tưởng: ước gì giờ đây có ánh lửa rơm. Ánh lửa rực hồng in bóng mẹ. Khói lam chiều phủ kín hình mẹ! Lòng tôi se sắt…

Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị). Tuổi thơ ấu của tôi không được may mắn như đứa trẻ cùng lứa. Nói ra ít ai tin, nhưng đó là sự thật. Mẹ tôi sớm góa chồng, thương đàn con nhỏ. Đến tuổi đi học, tôi không có điều kiện cắp sách đến trường như chúng bạn. Vì cảnh nghèo, khổ, mẹ tôi suốt ngày làm thuê, cấy mướn, lo cho đàn con chưa đủ no, lấy đâu ra tiền cho tôi ăn học. Tưởng chừng tôi bị mù chữ từ đó.

Thượng Phước , tên gọi của làng tôi, nằm  bên bờ sông Thạch Hãn, nơi tôi  sinh ra và lớn lên. Đó chính là nơi chôn  nhau, cắt rốn, cũng tại mảnh đất cằn khô ấy đã cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm, êm đẹp -  tự hào. Và đời tôi bắt đầu biết: “Thế nào là: củ mài, cháo bẹ/ Biết thêm cỏ dại với măng rừng./ Củ khoai nướng mẹ lận lưng/ Tạm no lòng trong cơn đói lã”.

Trong mùi hương gây nhớ của củ khoai nướng, hay mùi của làn khói rơm - rạ kia, trở nên một day dứt không phai mờ, và càng  da diết hơn, cho những ai khi xa quê hương còn nghĩ đến khói lam chiều!

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngóng về quê mẹ ruột đau chín  chìu (ca dao). Lời yêu  thương ta thán ấy, sao lại cũng xuất hiện trong buổi chiều? Chắc có sự can thiệp, tác thành của làn khói bếp mà các người mẹ đã châm lên ở chốn làng quê lúc hoàng hôn. Làn khói loang dần bay tỏa trên không, báo hiệu cho những lũ trẻ còn mãi mê, nô đùa đâu đó biết mẹ đã về bên bếp lửa đang đợi đàn con. Điều đó chắc là đúng? “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Câu Đường thi nạm chữ vào lòng dạ cố huơng, cũng bắt nguồn từ làn khói. Đã làm người, khi phải xa quê hương, xưa cũng như nay, ai cũng canh cánh bên lòng nỗi nhớ về quê mẹ.

Giờ đây khi viết về những dòng ký ức này, tôi đã sống xa làng, xa khói lam chiều, xa quê hương. Do hoàn cảnh tôi ít có dịp về lại quê cũ. Nên mỗi khi chiều buông, lòng lại buồn nhớ. Nhớ mái nhà xưa , nhớ con đò nhỏ, nhớ dòng sông Thạch Hãn bốn mùa nước vẫn trong xanh, nhớ 81 ngày đêm máu lửa, Cổ Thành, Quảng Trị  đất mẹ anh hùng quê tôi (28-6 đến 16-9-1972). Để rồi 4 câu thơ của Lê Bá Dương đã đi vào lịch sử cho Tổ quốc,  cho Quảng Trị cứ mỗi năm vào ngày thương binh liệt sĩ (27-7):

 “Đò lên Thạch Hãn  xin chèo nhẹ./ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm./ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm. Hoặc: Hễ có Việt Nam có Cổ Thành./  Kết vòng Hoa lửa nối Khe Sanh/ Huân chương khó tả từng viên gạch./ Tấc đất từng giây mỗi lá cành (Trần Bạch Đằng).

Nhiều đêm nằm liên tưởng  đến  mấy câu thơ của các cha anh  một thời chống ngoại xâm. Chắc rằng tác giả cũng xuất thân từ làn khói bếp rơm rạ ấy. Nó thật  mỏng manh nhưng chắc bền, bởi nó được xe bện giăng mắc từ cảnh thanh bình. Hạnh phúc. Mong cho Tổ quốc, Đất nước sạch bóng quân thù, vĩnh hằng bình yên trên đất Mẹ.

Và cũng vào mùa hè đỏ lửa 1972. Tôi đành phải xa quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, theo gia đình vào Nam sinh sống. Chọn Biên Hòa - Đồng Nai làm quê hương thứ hai của  tôi. Nơi có dòng sông Đồng Nai đã tắm mát tuổi thanh xuân của tôi. Chính mảnh đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng ấy” đã nuôi dạy  tôi lớn lên biết làm người, biết ăn ở với đời, biết sống tử tế với đời, hiểu  đời nhiều hơn…Và cũng còn đó khói lam chiều, với bóng  mẹ hiền.

Nhưng do lối rẽ của cuộc đời, Tôi lần nữa, lại xa quê hương, xa đất mẹ để tạm định cư ở Mỹ. (Xin hiểu rằng, người ta có thể vì một lý do nào đó phải xa rời quê hương, còn trái tim và quê hương thì không bao giờ rời xa nhau).Ngày tôi ra đi, tóc còn xanh mướt, mẹ tiễn tôi, không nói nên lời, chỉ có hai dòng lệ cằn khô tuôn trào, mắt mẹ đã mờ lại càng mờ thêm. Có lẽ đó là những giọt nước mắt cuối cùng của đời mẹ dành cho tôi.

Xa quê hương, còn đâu khói lam chiều. Ở một đất nước toàn công nghiệp hóa. Khi con người văn minh, các nhà khoa học phát minh ra các máy móc thay thế chân tay con người, đáp ứng đầy đủ vật chất cho con người. Bàn tay con người nhào nặn ra cái gì, thì các nhà khoa học sẽ chế tạo ra các thứ ấy. Tuy nhiên đến nay, hoặc mãi về sau , tôi tin rằng họ không thể chế tạo ra được trái tim vĩ đại của người mẹ. Nhớ về khói lam chiều, tất nhiên phải nhớ đến hình bóng người mẹ: “Dẫu trăm trang giấy viết thành văn./ Khó tả công lao mẹ nhọc nhằn”....(thơ của tác giả).

Virginia, đầu  năm 2014.

Xuân Đức

 

Tin xem nhiều