Đã hơn một tháng nay, sau bữa cơm tối, anh Nguyễn Hùng Tâm (27 tuổi, ngụ xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) lại tìm đến với tủ sách thanh niên công nhân được đặt tại nhà trọ Anh Thư, thuộc ấp 3 của xã để đọc sách, báo. Nhờ thói quen này mà anh biết thêm nhiều thông tin về đời sống xã hội.
Đã hơn một tháng nay, sau bữa cơm tối, anh Nguyễn Hùng Tâm (27 tuổi, ngụ xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) lại tìm đến với tủ sách thanh niên công nhân được đặt tại nhà trọ Anh Thư, thuộc ấp 3 của xã để đọc sách, báo. Nhờ thói quen này mà anh biết thêm nhiều thông tin về đời sống xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó giám đốc Thư viện tỉnh, cho hay ngoài tủ sách kể trên, hệ thống thư viện trong tỉnh còn phối hợp với Công đoàn công ty, chủ nhà trọ, ban ấp để thành lập các phòng đọc, thư viện.
* Chủ động thu hút người đọc
Phòng đọc sách dành cho công nhân của Công ty TNHH Pouchen (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) do Thư viện tỉnh phối hợp cùng Công đoàn cơ sở công ty thực hiện luôn thu hút đông đảo công nhân đến đọc. Ở đây, phòng đọc khá rộng rãi, nhiều loại sách, báo, tài liệu lại có máy lạnh mát rượi. Anh Nguyễn Văn Kiên (37 tuổi, ngụ xã Hóa An), công nhân công ty, cho biết: “Tôi rất thích tìm hiểu các thông tin được đăng tải hàng ngày trên các ấn phẩm báo chí. Tuy nhiên, do vừa phải đi làm, vừa phải phụ vợ trông con nhỏ nên sở thích này khó duy trì. Từ khi công ty có thư viện, tôi tranh thủ đọc vào buổi trưa, vừa giúp nâng cao kiến thức, vừa đỡ tốn tiền mua sách, báo”.
Công nhân Công ty TNHH Pouchen đọc báo trong giờ nghỉ trưa. |
Tại các khu nhà trọ có đông công nhân sinh sống, ngành thư viện cũng đã chủ động liên hệ với các chủ nhà trọ, ban quản lý ấp để chọn vị trí đặt các tủ sách thanh niên, tủ sách pháp luật. Cán bộ thư viện còn đi vận động các hộ dân, cơ quan, đơn vị đóng góp các loại sách, báo cũ hoặc tổ chức quyên góp tạo nguồn kinh phí cho việc mua sắm bổ sung thêm nhiều đầu sách mới. Bà Trịnh Thị Miền (53 tuổi, ngụ ấp 6B, xã Núi Tượng, huyện Tân Phú) cho biết trước kia, mỗi khi muốn mượn sách về đọc, bà đều phải đạp xe hơn 20km mới ra được đến Thư viện huyện. Nhưng từ khi Thư viện huyện chuyển tủ sách về đặt ngay trong ấp, người già và trẻ em đã có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các loại sách mà mình yêu thích.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Hồng, qua các hội thi thường xuyên được tổ chức, như: kể chuyện, ngâm thơ theo sách hè, viết bài cảm nhận về một tác phẩm văn học yêu thích, vẽ tranh theo sách, tặng sách cho thanh thiếu nhi vùng sâu, vùng xa... đã tác động tích cực đến thói quen đọc sách của nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau.
* Để sách đến gần hơn với độc giả
Theo ông Lê Trọng Hồng, Giám đốc Thư viện huyện Tân Phú, nhu cầu đọc và mượn sách vào 2 ngày thứ bảy, chủ nhật của người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh hiện nay rất lớn. Nhưng nếu thư viện mở cửa phục vụ bạn đọc vào những ngày này thì cán bộ thư viện không có chế độ thù lao ngoài giờ phù hợp. Vì thế, vào ngày thứ bảy, chủ nhật, thư viện đành phải đóng cửa. Bạn đọc Lê Nguyễn Phương Hà (học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ: “Đến với các thư viện ở huyện hay ở xã, chúng em không phải trả một khoản tiền nào cho việc đọc sách. Cho nên, chúng em lại càng muốn đến thư viện vào dịp cuối tuần để vừa đọc sách vừa có nơi vui chơi bổ ích”.
Nhà văn Nguyễn Thái Hải, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận được với nguồn sách báo theo nhu cầu và sở thích của bản thân, đặc biệt là với thanh thiếu nhi tại các khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc chủ động mang sách, báo đến với bạn đọc sẽ góp phần khuyến khích việc đọc, đồng thời nâng cao vai trò của văn hóa đọc trong sinh hoạt văn hóa của con người. |
Ngoài ra, việc cấp kinh phí cho các thư viện dùng vào việc bổ sung nguồn sách hàng năm tại nhiều địa phương trong tỉnh ngày càng bị giảm sút cũng đã tác động không nhỏ đến việc phát triển văn hóa đọc tại các địa phương này. Bên cạnh đó, ở không ít xã, phường còn thụ động trong việc duy trì, phát triển nguồn sách tại các trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng mà chủ yếu phó mặc cho hệ thống thư viện tuyến huyện đã gây nên nhiều khó khăn cho hoạt động nâng cao văn hóa đọc địa phương.
Văn Truyên