Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyễn Huy Tưởng - Vũ Như Tô và… nhà trường

09:04, 12/04/2012

Năm nay, tròn 100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đương thời, ông là nhà văn sớm tham gia cách mạng và kháng chiến, thân thiết với thiếu nhi, qua tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Nhưng mãi đến thập niên 90 của thế kỷ trước, người ta mới phát hiện tầm vóc thật sự lớn lao của nhà văn này, qua vở kịch Vũ Như Tô.

Năm nay, tròn 100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đương thời, ông là nhà văn sớm tham gia cách mạng và kháng chiến, thân thiết với thiếu nhi, qua tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Nhưng mãi đến thập niên 90 của thế kỷ trước, người ta mới phát hiện tầm vóc thật sự lớn lao của nhà văn này, qua vở kịch Vũ Như Tô.

Nguyễn Huy Tưởng (đứng, thứ hai từ phải qua) cùng các văn nghệ sĩ ở Việt Bắc. Ảnh: T.L
Nguyễn Huy Tưởng (đứng, thứ hai từ phải qua) cùng các văn nghệ sĩ ở Việt Bắc. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, tác phẩm mà nhà văn đau đáu suốt đời này đã phải trải qua một “chặng đường trường” cho đến bây giờ, chưa phải đã kết thúc…

* Nguyễn Huy Tưởng và Vũ Như Tô

Giống như nhiều văn nghệ sĩ cùng trang lứa trước năm 1945, Nguyễn Huy Tưởng vào nghề văn sớm. Năm 1930, 18 tuổi, ông viết hồi ký Cái đời tôi. Đây là bản thảo sớm nhất còn giữ lại được. Năm sau, ông viết Nhật ký tư tưởng, ghi chép các suy nghĩ của mình về đạo đức, văn chương. Hai năm sau, Nguyễn Huy Tưởng “ôm mộng viết những tập thơ trường thiên về Trưng Vương, Hưng Đạo Vương, Quang Trung”. Mãi đến năm 1940, Nguyễn Huy Tưởng mới viết các vở kịch ngắn để… “cho các tráng sinh diễn”. Và, cho đến tháng 5-1942, ông mới quyết định viết Vũ Như Tô.

Bìa sách Vũ Như Tô.
Bìa sách Vũ Như Tô.

Chừng ấy chi tiết cũng đủ để nói, Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn “rất lạ” so với đương thời và không chỉ đương thời. Ông sớm ôm ấp mộng văn chương nhưng xuất hiện trước công chúng lại khá muộn. Tìm hiểu các nhà văn, nhà thơ đương thời, thấy Nguyễn Huy Tưởng không giống chút nào. Xuân Diệu (sinh năm 1916) in Thơ Thơ vào năm 22 tuổi (1938). Còn Vũ Trọng Phụng, người cùng tuổi với Nguyễn Huy Tưởng, xuất hiện trên văn đàn sớm hơn nữa: 22 tuổi đã đăng Kỹ nghệ lấy Tây, 24 tuổi là Giông tố, Cơm thầy cơm cô, Số đỏ, Vỡ đê… Thông thường, các nhà văn, nhà thơ khi xuất hiện lần đầu rất háo hức, thậm chí sốt ruột nữa. Nguyễn Huy Tưởng lại không giống chút nào. Tác phẩm viết xong vào tháng 6-1942, nhưng đến tháng 4-1943 nhà văn mới giới thiệu Vũ Như Tô với tạp chí Tri Tân mà ai cũng biết, đấy là nơi thân thiết với ông.

Chưa vội đưa in, nhưng Nguyễn Huy Tưởng không để Vũ Như Tô yên một chỗ. Nhà văn đưa cho bạn bè của mình đọc góp ý kiến. Khi Vũ Như Tô đăng trên báo, Nhà xuất bản Anh Hoa đã đề nghị cho in thành sách, Nguyễn Huy Tưởng lại càng không giống chút nào so với thông thường. Nhà văn bắt tay vào việc sửa chữa tác phẩm (hai lần). Đó là lý do khiến Vũ Như Tô mãi đến năm 1946 mới được in thành sách, lúc nhà văn đã ở tuổi 34! Như vậy, “tính từ khi được khởi bút cho đến khi định hình, kịch bản Vũ Như Tô đã làm một cuộc hành trình kéo dài hơn bốn năm, với ba lần được viết đi viết lại”.

Thời gian Nguyễn Huy Tưởng sáng tác lần đầu Vũ Như Tô không dài lắm, khoảng một tháng (từ tháng 5-1942 đến đầu tháng 6-1942). Nhưng thật kỳ lạ, thời gian nhà văn sửa chữa tác phẩm lâu hơn nhiều. Trong đó, lần sửa thứ nhất kéo dài đến hai tháng (cuối năm 1944). Sau này, tác giả Vũ Như Tô còn muốn sửa lại nữa tác phẩm của mình.

Rõ ràng, Vũ Như Tô là tác phẩm được Nguyễn Huy Tưởng thai nghén khá dài, có thể suốt mười năm đầu trong sự nghiệp cầm bút, khi nhà văn luôn suy ngẫm về các vấn đề “đạo đức và văn chương”. Vũ Như Tô cũng là tác phẩm mà cho đến lúc cuối đời nhà văn vẫn không thôi thao thức về nó.

* Vũ Như Tô… vào đời

Để có được kịch bản định hình như ngày nay, Vũ Như Tô đã đi “một chặng đường trường”. Lý do thật đáng trân trọng và cả tự hào nữa, vì khát vọng vươn tới một Cửu Trùng Đài trong văn chương của Nguyễn Huy Tưởng. Thế nhưng, từ khi “vào đời”, Vũ Như Tô lại bước vào “một chặng đường trường” mới. Lần này, không thuộc về tác giả. Khoảng cách giữa lần xuất bản (thành sách) đầu tiên với lần thứ hai cách nhau đến 17 năm (năm 1963), lúc này nhà văn đã mất hơn 3 năm. Giữa lần thứ hai đến lần thứ ba, còn dài hơn nữa, đến 21 năm (năm 1984). Còn việc công diễn tác phẩm, mãi tới năm 1995, tức 53 năm sau khi ra đời, lần đầu tiên Vũ Như Tô mới ra mắt khán giả. Nếu so sánh với các tác phẩm kịch khác của chính Nguyễn Huy Tưởng hẳn chúng ta cũng thấy có sự thiệt thòi của Vũ Như Tô.

Việc giảng dạy và học tập tác phẩm Vũ Như Tô trong nhà trường hiện nay đang rơi vào tình trạng lỡ dở, mà nguyên nhân chính là do không xác định đúng thể loại (bi kịch) của tác phẩm. Không những thế, những giá trị lớn lao của vở kịch Vũ Như Tô đã không được tiếp nhận đúng mức, bởi bi kịch là thể loại “nghìn vàng” của văn học thế giới, mà không phải quốc gia nào hay tác giả cũng có thể có được.

 

Chuyện “vào đời” của Vũ Như Tô chưa dừng lại ở đó. Có một bộ phận công chúng văn học hẹp và xác định nhưng vô cùng quan trọng, đó là học sinh (sinh viên) và giáo viên, bởi ở đây tác phẩm văn học không chỉ được thưởng thức mà trước hết là được học. Chắc chắn những hiểu biết, đặc biệt là những ấn tượng về một tác phẩm văn học từ trong nhà trường sẽ đọng lại lâu dài và không hiếm trường hợp đã trở thành định kiến trong lòng lớp bạn đọc ấy.

Đề tựa của tác phẩm Vũ Như Tô.
Đề tựa của tác phẩm Vũ Như Tô.

Vũ Như Tô có mặt lần đầu tiên trong nhà trường phổ thông vào năm 2005, trong sách giáo khoa (SGK) thí điểm môn Ngữ văn lớp 12, với trích đoạn mang tên Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Đây là đoạn trích gần trọn hồi V của vở kịch, được giảng dạy với thời lượng 3 tiết. Tới năm 2007, Vũ Như Tô có mặt chính thức trong SGK Ngữ văn, cũng với trích đoạn ấy, chỉ khác lần này là ở sách Ngữ văn 11 và thời lượng giảng dạy chỉ còn 2 tiết. Như vậy, 63 năm sau khi ra đời, Vũ Như Tô mới… vào nhà trường.

Sự có mặt này đánh dấu bước nhận thức và đánh giá mới, rất mới của giới nghiên cứu văn học và cả xã hội đối với Vũ Như Tô. Nó là kết quả của quá trình đổi mới văn học bắt đầu ở thập niên 80 của thế kỷ trước, trong đó, đối với Nguyễn Huy Tưởng hẳn đó là kết quả trực tiếp từ việc nhận thức lại những giá trị lớn lao của nhà văn. Những đánh giá như: Vũ Như Tô là “một bi kịch hiện đại ở Việt Nam”, kịch bản này “có cấu trúc lôgic, nghiêm ngặt của kịch cổ điển phương Tây”, mang “ý nghĩa vĩnh cửu và toàn nhân loại” (GS. Đỗ Đức Hiểu); hay “Vũ Như Tô là tác phẩm bi kịch duy nhất và đích thực của Nguyễn Huy Tưởng”, “Sáng tạo được những bi kịch thực thụ tức là sánh ngang với Eschyle, Sophocle, Shakespeare, Corneille, Racine - mơ ước của hàng trăm, hàng ngàn người viết kịch trên thế giới trong ba thế kỷ nay” (GS. Phạm Vĩnh Cư),... ban đầu có thể khiến đôi người hơi ngỡ ngàng, nhưng từ bấy đến nay vẫn chưa thấy có ai phủ nhận hay nói khác.

Vũ Như Tô là tác phẩm thật kỳ lạ, từ lúc “ra đời” cho đến khi “vào đời”. Phải chăng, những tác phẩm lớn luôn có số phận ít nhiều long đong và người “mang nặng đẻ đau” thường chẳng mấy khi có được hạnh phúc nhìn thấy “đứa con” của mình được đặt đúng vị trí của nó? Và, phải chăng, Vũ Như Tô “vào nhà trường” còn chênh vênh như vậy là do chúng ta vẫn chưa hết ngập ngừng khi đánh giá những giá trị tinh thần quý giá của dân tộc một thời từng bị khuất lấp? Mong sao điều này chỉ là sự “băn khoăn” viển vông!

Trần Châu Thưởng

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều