Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 5, 09/01/2025, 11:50 En

Kỳ diệu sức mạnh người phụ nữ Việt Nam

10:10, 21/10/2011

1. Có câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Thị Hoa - một trong 18 nữ tù chính trị hy sinh tại Nhà lao Tân Hiệp năm 1974, nhưng ít người được biết đến.

1. Có câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Thị Hoa - một trong 18 nữ tù chính trị hy sinh tại Nhà lao Tân Hiệp năm 1974, nhưng ít người được biết đến. Cao khoảng 1,63m, trắng trẻo, rất xinh đẹp, nhưng bọn giám thị trại C khu nữ tù đều kiềng mặt người nữ tù trẻ tuổi này, bởi cô Hoa luôn đấu tranh không khoan nhượng bằng những lý lẽ mềm mỏng mà vô cùng sắc bén.

Cánh hoa dại.  Ảnh: Nguyễn Đức Tường
Cánh hoa dại. Ảnh: Nguyễn Đức Tường

Lúc chưa bị bắt giam, cô Hoa có “cây si” trồng thường trực trước cửa. Đó là một anh bạn học đem lòng thầm thương trộm nhớ từ những ngày chung trường. Ngày cô Hoa bị địch xông vào bắt, đánh đập ngay tại nhà, sau đó giải đi qua nhiều nhà giam khác nhau, cuối cùng hy sinh tại nhà lao Tân Hiệp, người đem lòng yêu cô tận mắt chứng kiến, đã tỉnh ngộ, sau đó từ một người khoác áo lính của phía bên kia đã quay lại làm công tác binh vận, kêu gọi binh lính trong đơn vị buông súng về với cách mạng. Đến nay, dù cô đã hy sinh và người bạn kia đã lập gia đình, nhưng người ấy đều thường xuyên đưa vợ con về thăm nom và phụng dưỡng mẹ cô như người con trong nhà. Kỳ diệu làm sao, sức mạnh từ một người phụ nữ dù đã hy sinh, nhưng vẫn cảm hóa, đưa được người lầm lạc trở về với lẽ phải.

2. Một chuyện khác cũng ít người được biết, đó là đời riêng của cô Tư N., một cán bộ tiền khởi nghĩa ở Biên Hòa. Tham gia cách mạng và được kết nạp Đảng từ rất sớm. Trong thời gian hoạt động, cô báo cáo tổ chức và kết hôn với một người cùng chí hướng. Không may bị địch bắt, cô Tư bị chuyển đi hết nhà tù này đến nhà lao nọ, án chồng án vì “cái tội” đấu tranh và chống chào cờ, cuối cùng cô bị đày ra Côn Đảo. Trong lúc đó, người chồng đầu ấp tay gối được đưa ra miền Bắc học tập, sau đó đã kết hôn với một người phụ nữ khác...

Được trao trả theo Hiệp định Paris 1973, cô Tư trở về trong vòng tay đồng đội, nhưng lại đón nhận tin đau lòng về người chồng thay lòng đổi dạ. Vẫn chưa muốn tin, đầu năm 1976 khi được đưa ra miền Bắc an dưỡng, cô Tư đã tìm đến “tổ ấm” của chồng. Đón cô ở ngôi nhà ấy là đứa con trai của chồng có số tuổi nhỏ hơn thời gian chồng cô ra Bắc đúng 1 năm. Sau đó cô lặng lẽ ra về, lặng lẽ tự cắt đứt mối quan hệ vợ chồng chỉ với một điều kiện duy nhất: chồng phải chăm sóc vợ sau và các con cho thật tốt. Đến nay, sau gần 40 năm cô vẫn sống một mình, các con của chồng cũ cũng thường xuyên đến thăm và gọi cô là má Tư. Đáng kính làm sao, tấm lòng vị tha của người cựu nữ tù đã giữ êm đẹp cho một gia đình.

Tần tảo.               Ảnh: Nguyễn Đức Tường
Tần tảo. Ảnh: Nguyễn Đức Tường

3. Trong cuộc họp mặt cựu tù chính trị Côn Đảo lần thứ 1 năm 2010 vừa qua, nhiều nữ tù chính trị đã hào hùng hát vang lại bài hát “Đi đày Côn Đảo” trong dòng nước mắt: “Tù đày đi Côn Đảo từ nay vắng xa quê nhà. Đi, ta quyết nấu nung căm thù. Ngày trở về trong chiến thắng huy hoàng…”.

Bài hát được ra đời vào năm 1947, do chính một tù nhân Côn Đảo sáng tác. Thời điểm đó, cách mạng còn rất nhiều khó khăn, ngày chiến thắng còn quá xa xôi, người tù đi đày mỏng manh yếu ớt làm sao trước sự đàn áp của kẻ thù. Vậy mà lạ lùng làm sao, những nữ tù chính trị vẫn tự tin hát vang lời hát, niềm tin vào ngày chiến thắng là tuyệt đối. Sức mạnh nào đã dẫn đến niềm tin đó? Cô Nguyễn Thị Nghi, một cựu nữ tù Côn Đảo lý giải: “Có gì đâu, hồi nhỏ ông bà đã dạy cái thiện phải thắng cái ác, chính nghĩa luôn thắng gian tà. Đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập tự do là chính nghĩa, vì vậy cách mạng phải thắng”. Nhẹ nhàng vậy thôi, mà vĩ đại vô cùng những tâm hồn phụ nữ Việt Nam…

Hà Lam