Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày mất của nhà thơ Xuân Quỳnh (29-8):
Tình yêu vẫn luôn bùng cháy

10:08, 27/08/2008

Kỷ niệm 20 năm ngày nàng ra đi cùng với tình yêu của đời mình, chắc có rất nhiều người nhớ nàng, nghĩ về nàng, thể hiện lòng tiếc nhớ ấy bằng những nghĩa cử cụ thể khác nhau... Tôi không thể so được, bởi tôi là một kẻ hậu thế cách nàng mấy thế hệ, biết nàng qua sách và tranh, yêu nàng qua thơ...

Kỷ niệm 20 năm ngày nàng ra đi cùng với tình yêu của đời mình, chắc có rất nhiều người nhớ nàng, nghĩ về nàng, thể hiện lòng tiếc nhớ ấy bằng những nghĩa cử cụ thể khác nhau... Tôi không thể so được, bởi tôi là một kẻ hậu thế cách nàng mấy thế hệ, biết nàng qua sách và tranh, yêu nàng qua thơ... Nhưng tôi nhớ nàng thật, nhớ nhất là cái cách nàng nói về chuyện trái tim .Trái tim mệt mỏi nhưng nồng nhiệt yêu đương của nàng dành cho người đàn ông mà nàng yêu:

 

Nhà thơ Xuân Quỳnh

"Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng

Trái tim em anh đã từng biết đấy

Anh là người coi thường của cải

Nên nếu cần anh bán nó đi ngay

Em cũng không mong nó giống mặt trời

Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống

Lại mình anh với đêm dài câm lặng

Mà lòng anh xa cách với lòng em"

(Tự hát) 

Đi ra ngoài những so sánh quy ước quen thuộc của hình ảnh trái tim, trái tim trong thơ nàng trở nên vừa giản dị, gần gũi vừa hết sức sâu sắc, bất ngờ. Nhất là khi trái tim này được nàng lấy làm biểu tượng của tình yêu, một giá trị tình cảm không thể định tính hay định lượng được, giống như nhà thơ Tagore từng giải thích rằng: 

"... trái tim anh lại là tình yêu

Nỗi vui sướng khổ đau của nó là vô biên,

Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu."

(Trích trong bài thơ số 28 - tập "Người làm vườn" do Đào Xuân Quý dịch)

Trái tim - tình yêu phải trở về đúng vị trí và ý nghĩa thực tế của nó:

"Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Biết khao khát những điều anh mơ ước

Biết xúc động qua nhiều nhận thức

Biết yêu anh và biết được anh yêu"

(Tự hát)

Trái tim đúng nghĩa là trái tim sinh học cụ thể "Biết làm sống những hồng cầu đã chết", cũng như tình yêu đúng nghĩa là tình yêu " rút gần khoảng cách của yêu tin", là tình yêu đồng điệu, là tình yêu ý thức được mối quan hệ giữa cho và nhận, giữa cảm thông và chia sẻ: 

"Khi anh nói yêu em, trái tim em đập chừng mạnh quá

Mạnh đến nỗi em tưởng là nghe rõ

Trái tim anh đang đập vì em"

(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)

Nhịp đập dồn dập của một trái tim đang yêu dường như rất gần gũi với tâm tình nồng cháy, với cá tính thích bộc lộ mạnh mẽ của con người nàng. Ngay cả lúc đang lo âu phấp phỏng trong cô đơn, thì trái tim yêu của nàng vẫn đầy khao khát:

"Em lo âu trước xa tắp đường mình

Trái tim đập cồn cào cơn đói

Trái tim đập những điều không thể nói

Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn"

(Tự hát)

Trái tim đầy những khao khát này không tồn tại ngắn ngủi như một ngọn lửa cháy bùng lên một lần rồi tắt ngấm mà tồn tại như ngọn lửa lòng âm ỉ vĩnh viễn. Nó chỉ chờ có dịp là bùng lên mãnh liệt. Tình yêu của người phụ nữ ở con người nàng là như vậy: nồng nàn nhưng dài lâu, sâu sắc. Ngay từ lúc bắt đầu, tình yêu ấy đã ở trong tư thế dâng hiến trọn vẹn:

"Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực

Giây phút nào tim đập chẳng vì anh"

(Chỉ có sóng và em)

 Thói quen thơ ca của Xuân Quỳnh là thường thích vĩnh viễn hóa tình yêu của mình thông qua sự vĩnh cửu của các hiện tượng tự nhiên mỗi khi có dịp quan sát và ngẫm nghĩ về mối quan hệ giữa chúng, ví dụ như nếu tình yêu được hóa thân vào biểu tượng con sóng thì con sóng - tình yêu ấy phải "Tan ra thành trăm con sóng nhỏ - Giữa biển lớn tình yêu - Để ngàn năm còn vỗ" (Sóng). Cũng như vậy, khi đồng hóa tình yêu với trái tim, nàng vẫn giữ cái thói quen (cũng có thể coi là một tham vọng) thích vĩnh viễn hóa  tình yêu của mình. Nhưng trái tim không phải là một hiện tượng thiên nhiên tồn tại vĩnh hằng như sóng, như bầu trời mà là một thực thể mang trong mình cuộc sống hữu hạn. Nàng sẽ làm cách nào đây?

"Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi"

(Tự hát)

Rất đơn giản! Nàng vẫn công nhận tính chất và vị trí thực tế của trái tim, biết "làm sống những hồng cầu đã chết", cũng "ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa" nhưng trái tim ấy lại "Biết yêu anh cả khi chết đi rồi". Thật sự đúng là chỉ có một nhà thơ như nàng mới cảm nhận được sự bất tử của trái tim đến độ như vậy mà thôi.

 

Cho đến khi trái tim chân thành của nàng đã mệt mỏi vì những tháng ngày lao tâm khổ tứ, nàng vẫn không lo nó sẽ không còn đập nữa mà chỉ lo nó không còn có ích đối với những người thân yêu: 

"Trái tim buồn sau lần áo mỏng

Từng đập vì anh, vì những trang thơ

Trái tim nay mỗi phút, mỗi giờ

Chỉ có đập cho mình em đau đớn

Trái tim này chẳng còn có ích

Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè..."

(Thời gian trắng)

Những dằn vặt, khổ sở ấy chứng tỏ tình yêu đối với đời, với người trong nàng mãi mãi cháy sáng không bao giờ tắt mặc cho thời gian có lạnh lùng làm công việc hủy diệt của nó...

Vũ Mai

 

Tin xem nhiều