Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Đồng Nai năm 2008:
Hội diễn mùa này vắng bóng... người xem!

10:08, 29/08/2008

Được đánh giá là thành công, Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Đồng Nai vừa diễn ra tại Trung tâm văn hóa - thông tin huyện Trảng Bom, qui tụ 11 đội văn nghệ quần chúng với hàng trăm diễn viên, có trên 80 tiết mục dàn dựng khá phong phú về thể loại lẫn nội dung biểu diễn. Nhưng rồi hội diễn lại vẫn rơi vào cảnh "ta hát, mình vỗ tay" khi hội trường vắng bóng khán giả...

Được đánh giá là thành công, Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Đồng Nai vừa diễn ra tại Trung tâm văn hóa - thông tin huyện Trảng Bom, qui tụ 11 đội văn nghệ quần chúng với hàng trăm diễn viên, có trên 80 tiết mục dàn dựng khá phong phú về thể loại lẫn nội dung biểu diễn. Nhưng rồi hội diễn lại vẫn rơi vào cảnh "ta hát, mình vỗ tay" khi hội trường vắng bóng khán giả...

 

* Nhiều tiết mục công phu và nghệ thuật

 

Với chủ đề kỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, kỷ niệm 310 năm hình thành và phát triển Biên Hòa - Đồng Nai, hầu hết các tiết mục biểu diễn đã bám sát chủ đề mà vẫn đem đến một không khí cuốn hút bởi sự đầu tư công phu, mang tính nghệ thuật.

 

Một tiết mục biểu diễn tại hội diễn nghệ thuật quần chúng.

Tạo được sự đồng đều giữa các tiết mục, phải nhắc đến đội Định Quán. Các tiết mục múa Lời ru Âu Lạc, Trở lại sóc Bom Bo, Rạng rỡ Việt Nam của đội khá điêu luyện, chứng tỏ sự tập luyện công phu của đội, nhất là với các diễn viên không chuyên. Đội Long Thành cũng rất độc đáo với nhóm văn nghệ thiếu nhi người dân tộc Chơ Ro của xã Phước Bình. Tiết mục múa Tiếng gọi của rừng với những tiết tấu đặc trưng, mô tả cảnh sinh hoạt của người Chơ Ro do các em biểu diễn với sự hồn nhiên, nhiệt tình đã tạo không khí tươi mới cho hội diễn. Thập thủ liên hoàn, tiết mục hòa tấu nhã nhạc cung đình Huế do gia đình chị Thanh Thúy biểu diễn cũng là điểm nhấn lạ của đội Long Thành. Đội Nhơn Trạch lại nổi lên với giọng ca của Phương Tú trong ca khúc Người sống mãi trong lòng miền Nam. Sở hữu một chất giọng vang, khỏe khoắn như một ca sĩ chuyên nghiệp, ít ai biết Phương Tú hiện là nhân viên Vietcombank chi nhánh Nhơn Trạch, chỉ tập luyện và biểu diễn trong các dịp văn nghệ của cơ quan và địa phương.

 

Nghiêng hẳn về chủ đề Biên Hòa - Đồng Nai 310 năm, đội TP. Biên Hòa trình làng các ca khúc như Biên Hòa quê tôi (Nguyễn Thọ), Đêm Biên Hòa (Trương Quang Lục), Lý con gái Biên Hòa (nhạc Vũ Đan Huyền, lời ca dao Đồng Nai), múa Rộn ràng mùa bưởi quê em... với những nét duyên dáng mà lại mang bản sắc riêng.

 

Dù là hội diễn văn nghệ quần chúng, nhưng hầu như đội nào cũng có sự chăm chút kỹ lưỡng từ phục trang cho đến nội dung, phong cách biểu diễn. Em Dương Thị Thảnh, học sinh lớp 9 Trường THCS Phước Bình, thành viên đội văn nghệ xã Phước Bình cho biết, do các thành viên ban ngày đều phải đi học, đi làm nên cả đội chỉ có thể tập vào các buổi tối. Vì thế, cả đội  phải tập luyện ròng rã cả mấy tháng trời mới ra được các tiết mục tham gia hội diễn.

 

* Lãng phí từ những hội diễn không khán giả

 

Ngay buổi sáng khai mạc hội diễn, hội trường vẫn vắng như chùa Bà Đanh, bởi hầu như không có khán giả nào từ bên ngoài vào xem. Mặc dù khâu tuyên truyền quảng bá xem ra cũng khá chu đáo với các băng rôn, cờ phướn treo đầy ngoài đường và trước cổng trung tâm, nhưng hội diễn vẫn không thu hút được sự quan tâm của người dân địa phương. Nguyên nhân rất dễ hiểu: phần lớn thời gian hội diễn là ban ngày, lại là ngày làm việc nên hầu như mọi người đều bận, chẳng mấy ai rảnh rỗi để thưởng thức văn nghệ.

 

Bên cạnh đó, hội diễn lại được diễn ra suốt một ngày, kéo dài từ 7 giờ 30 đến tận gần 22 giờ.  Cho dù nếu có khán giả, cũng chẳng ai đủ sức ngồi thưởng thức nổi cuộc "marathon" nghệ thuật kéo dài kiểu đó, hoặc sẽ bị "bội thực" văn nghệ khi xem hết ngần ấy tiết mục.

 

Bà Dương Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh, đơn vị tổ chức hội diễn cho biết, cũng "dự đoán" được tình hình hội diễn thiếu vắng khán giả nếu diễn ra vào ban ngày, nhưng nếu chỉ tổ chức vào buổi tối thì với số lượng các đoàn tham gia, phải 3 đêm mới xong được hội diễn. Mà các đoàn với kinh phí hạn hẹp, thời gian bận rộn, không thể "cơm ăn cơm dỡ" suốt 3 đêm liền như thế, và có nguy cơ các địa phương sẽ "nghỉ chơi" với hội diễn. Vì thế, đơn vị tổ chức đành phải làm rút trong một ngày liền như thế dù biết rằng có nhiều bất cập.

 

Trong khi ở những khu công nhân thiếu điều kiện thưởng thức văn hóa giải trí, thì một hội diễn được đầu tư công phu, được đánh giá là có tính nghệ thuật lại diễn ra trong tình trạng không có khán giả. Đây là một sự lãng phí mà ngành văn hóa không thể đổ lỗi cho kế hoạch hay do các điều kiện khách quan. Nếu như chủ động ngay từ đầu, hội diễn có thể chọn thời gian trong mùa khô để biểu diễn ngoài trời phục vụ khán giả, không những góp phần giúp người dân và công nhân lao động có thêm điểm giải trí, công sức tập tành của các diễn viên không bị uổng phí mà ý nghĩa của một hội diễn quần chúng sẽ càng tăng thêm gấp bội.

 

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều