Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án Sân khấu học đường: Để không đánh trống bỏ dùi...

09:08, 26/08/2008

Tấm màn nhung vừa mở, khung cảnh thơ mộng của vườn thượng uyển hiện ra. Tiếng sáo dìu dặt của chàng thư sinh Lý Nam Nam khi bổng khi trầm, và rồi nàng công chúa Thiên Kiều xinh đẹp tha thướt bước ra trong tiếng trầm trồ, xuýt xoa của khán giả...

Tấm màn nhung vừa mở, khung cảnh thơ mộng của vườn thượng uyển hiện ra. Tiếng sáo dìu dặt của chàng thư sinh Lý Nam Nam khi bổng khi trầm, và rồi nàng công chúa Thiên Kiều xinh đẹp tha thướt bước ra trong tiếng trầm trồ, xuýt xoa của khán giả...

 

Trích đoạn "Tìm mẹ" trong dự án sân khấu học đường.

 

Đó là quang cảnh buổi diễn báo cáo tổng kết dự án Sân khấu học đường tại rạp Nam Hà (TP. Biên Hòa) tối 24-8. Không chỉ riêng trích đoạn Thiên Kiều công chúa (vở Trắng hoa mai), mà các trích đoạn khác như Tìm mẹ (vở Sự tích Mục Kiền Liên), Võ Thị Sáu (vở Người con gái Đất Đỏ) cũng đều do chính các em học sinh các trường THCS như  Nguyễn Đức Ứng (Long Thành), Võ Trường Toản (Vĩnh Cửu), Phú Đông (Nhơn Trạch) biểu diễn.

 

* Ấn tượng mạnh từ các vở diễn

 

Trên sân khấu, khi Thiên Kiều công chúa (do em Phạm Yên Nhi, học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Ứng đóng) vì không được đáp ứng tình cảm, đôi mắt long lên sòng sọc và giọng lạnh lùng ra lệnh tàn sát cả rừng mai, thì bên dưới, nhiều khán giả nhí cũng phản đối kêu lên "ác độc quá!". Và khi Mục Kiền Liên (do em Sơn Hà, học sinh Trường THCS Võ Trường Toản thủ diễn) xuất hiện chững chạc trong bộ tăng bào và cây thiền trượng, thì bên dưới lại đồng loạt vỗ tay và kêu lên "sư phụ". Cứ thế, 3 trích đoạn được chọn diễn báo cáo đã gây ấn tượng mạnh đối với các em học sinh không chỉ vì các "nghệ sĩ nhí" ca hay, diễn giỏi mà còn vì phần lớn khán giả bất ngờ trước những điều các em này đã làm được.

 

Em Lê Khánh Duy, học sinh lớp 7/1 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Biên Hòa), nhà ở tận phường Tân Vạn cho biết, ở nhà chỉ có bà nội mới coi cải lương, còn em thường ngày chỉ nghe loáng thoáng nên không để ý lắm. Nay xem chính các bạn đồng trang lứa với mình diễn thấy cũng hay hay, thú vị nên em đã chăm chú theo dõi suốt cả buổi diễn. Em Nguyễn Xuân Thanh, cũng là học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm thì thật thà bảo, nhà em ở khu vực Hố Nai toàn là người gốc miền Bắc nên hầu như không nghe cải lương. Nay nghe các bạn hát cũng thấy thích vì "các bạn ấy xinh, diễn hề vui ơi là vui. Nhưng các bạn ấy ca thì con chẳng hiểu gì cả!".

 

Không chỉ các em học sinh, mà cả những khán giả lớn tuổi cũng bất ngờ trước thành công của các vở diễn. Chị Nguyễn Thị Thủy, nhà ở phường Bửu Long cho biết, buổi chiều nghe hàng xóm nói ở rạp Nam Hà "có mấy đứa học trò đóng cải lương" và chị đến xem chỉ vì tò mò. "Vậy mà không ngờ mấy đứa nhỏ diễn coi được quá. Tụi nó diễn xuất tự nhiên, không điệu bộ màu mè nên nhiều khi coi thích hơn cả nghệ sĩ chuyên nghiệp nữa" - chị Thủy nhận xét. Chị Phan Thị Thu ở phường Thống Nhất thì đi bán vé số ngang qua, thấy rộn ràng trong rạp hát nên vào coi một chút, ai dè mê quá ngồi luôn quên cả xấp vé số trên tay.

 

* Trăn trở chuyện "hậu" dự án

 

Đằng sau những trích đoạn được diễn trơn tru trên sân khấu ấy, mấy ai biết đến nỗi vất vả của các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai như nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) đạo diễn Giang Mạnh Hà, NSƯT Quế Anh, Mỹ Vân... đã lặn lội suốt 3 tháng ròng rã tuyển lựa và tập luyện cho các "nghệ sĩ nhí". NSƯT Quế Anh kể, khó khăn nhất là làm sao phát hiện ra những gương mặt tiềm năng. Những em được tuyển chọn biểu diễn phải vừa đạt về sắc vóc, vừa có giọng ca, lại phải có năng khiếu diễn. Chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố trên là kể như giảm đi yếu tố thu hút. May sao, qua tuyển chọn, các nghệ sĩ đã phát hiện được một số gương mặt rất có tố chất, như các em Sơn Hà, Lương Ngọc Mỹ Duyên (Vĩnh Cửu), Cẩm Linh (Nhơn Trạch), Anh Thư (Long Thành)...

 

Bên cạnh đó, việc chọn lựa kịch bản sao cho phù hợp cũng làm những người thực hiện dự án phải đau đầu. Bởi, những trích đoạn được xem là kinh điển, phù hợp với lứa tuổi như Trần Quốc Toản ra quân, Lục Vân Tiên... thì lại quá khó so với khả năng của các em. Bàn tới bàn lui, cuối cùng mọi người mới "gút" được 3 kịch bản như trên. Các kịch bản này vừa là những vở kinh điển với những làn diệu phong phú, vừa mang tính giáo dục. Vậy mà lúc mới cầm kịch bản Tìm mẹ lên, "nghệ sĩ nhí" Sơn Hà đóng vai Mục Kiền Liên đã... òa ra khóc vì "dài quá cô ơi, làm sao con thuộc nổi". Ngay cả lúc diễn tổng kết, NSƯT Quế Anh và Mỹ Vân ngồi bên cánh gà cũng xoay như chong chóng, lúc thì nhắc "Thanh Đề ơi, sắp tới phiên con ra rồi nha", lúc thì xoay qua dặm lại hóa trang cho "mấy tên quỷ sứ" chuẩn bị xuất hiện trong cảnh dưới địa ngục, hay nhắc em đóng vai Võ Thị Sáu uống tí nước thấm giọng trong khi chờ diễn quá lâu.

 

Điều băn khoăn của những người làm dự án, là việc duy trì và mở rộng chương trình như thế nào cho hiệu quả, không rơi vào cảnh "đánh trống bỏ dùi". NSƯT đạo diễn Giang Mạnh Hà nhận xét, dự án sân khấu học đường không chỉ đưa văn hóa dân tộc đến với lớp trẻ hay gầy dựng lực lượng nghệ sĩ tương lai cho tỉnh nhà sau này, mà còn là một hướng để đi tìm lớp công chúng trẻ cho các loại hình sân khấu dân gian. "Chúng ta hay kêu giới trẻ bây giờ thờ ơ với cải lương, với chèo, tuồng, nhưng chúng ta cũng phải nhìn lại vì sao như thế. Chưa được tiếp cận, chưa hiểu về sân khấu dân gian, từ đó  tạo ra những lỗ hổng rất lớn trong kiến thức và nhận thức thì  làm sao các em yêu thích được? Tôi hy vọng rằng từ những hạt giống trong dự án hôm nay sẽ được nhân rộng ra ở các trường, lan tỏa trong học sinh. Đó vừa là niềm đam mê, vừa là trách nhiệm của lớp nghệ sĩ đi trước như chúng tôi" - NSƯT đạo diễn Giang Mạnh Hà cho biết.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều