Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Tổng bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-2007)
Những tháng ngày lưu dấu ở Đồng Nai

09:04, 06/04/2007

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vùng đất chiến khu Đ vinh dự được nhiều phái viên Trung ương (sau này trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước) trực tiếp chỉ đạo. Đó là các đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh; Chủ tịch nước Võ Chí Công, Lê Đức Anh; Thủ tướng Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... Một trong những người gắn bó lâu dài, chỉ đạo xuyên suốt cách mạng miền Nam, trong đó có Đồng Nai ngay từ đầu kháng chiến chống Pháp cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất là đồng chí Lê Duẩn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vùng đất chiến khu Đ vinh dự được nhiều phái viên Trung ương (sau này trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước) trực tiếp chỉ đạo. Đó là các đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh; Chủ tịch nước Võ Chí Công, Lê Đức Anh; Thủ tướng Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... Một trong những người gắn bó lâu dài, chỉ đạo xuyên suốt cách mạng miền Nam, trong đó có Đồng Nai ngay từ đầu kháng chiến chống Pháp cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất là đồng chí Lê Duẩn.

 

Tháng 10-1945, hội nghị toàn Xứ Đảng bộ Nam bộ được triệu tập có sự tham dự của đồng chí Lê Duẩn với tư cách là người của Trung ương Đảng cử vào. Hội nghị đã xác định những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng quân đội ta, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang Nam bộ tồn tại và phát triển. Và Biên Hòa - Thủ Dầu Một là một trong những trọng tâm mà Xứ ủy Nam bộ chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang vì nằm án ngữ đô thành Sài Gòn; là một trong những hướng mà địch chọn đánh chiếm mở rộng vùng kiểm soát đầu tiên.

Tháng 7-1948, diễn ra đại hội đại biểu Xứ ủy Nam bộ lần thứ nhất, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm bí thư. Đại hội có nghị quyết quan trọng chỉ đạo cho các Khu ủy, đặc biệt là Khu bộ 7 (vùng chiến khu Đ thời bấy giờ) phải tập trung đánh mạnh vào hậu phương của địch, gây cơ sở, bóp hẹp vùng kiểm soát của địch. Từ đó, Khu ủy và Bộ chỉ huy Khu 7 đã đề ra nhiệm vụ: Phá hoại các trọng tâm kinh tế của địch, mở rộng vùng giải phóng... Tiếp theo, đến tháng 8-1949, tại hội nghị quân sự Nam bộ, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo cho Khu 7 tập trung phá hoại chính sách quân sự, kinh tế, chính trị của địch mà cụ thể là phá các trục đường giao thông quan trọng, các đồn điền cao su, củng cố và xây dựng chiến khu Đ cũng như đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền vào vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Chiến khu Đ phải đảm bảo được vai trò địa bàn huấn luyện nâng cao chất lượng bộ đội và du kích, đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình.

Nhưng có lẽ đến tháng 6-1954, đồng chí Lê Duẩn mới trực tiếp về làm việc với Đồng Nai khi cùng đoàn cán bộ miền Nam từ chiến khu Việt Bắc trở về. Đồng chí đã chuyển lời thăm hỏi ân cần của Trung ương Đảng và Bác Hồ đến đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Thủ Biên và khu vực Đông Nam bộ. Đi thăm các đơn vị quân đội, đồng chí Lê Duẩn đã động viên quân và dân Thủ Biên lập thành tích xuất sắc hơn nữa để cùng cả nước làm tròn nhiệm vụ cách mạng được giao.

Một trong những kết quả cụ thể trong việc vận dụng sáng tạo "Đề cương cách mạng miền Nam" của đồng chí Lê Duẩn ở Đồng Nai là vào cuối năm 1956, Đảng bộ (bí mật) nhà lao Tân Hiệp quyết định phá rào, vượt ngục để giải cứu hàng trăm cán bộ chiến sĩ cách mạng, đưa ra chiến khu. Tuy nhiên, có một số đảng viên lại không tán thành, đề nghị chờ chủ trương của cấp trên. Đồng chí Nguyễn Trọng Tâm, Bí thư Đảng ủy nhà lao, nhớ lại: "Sau khi bàn bạc kỹ tôi đã đưa ra kết luận dựa trên ý kiến đồng chí Lê Duẩn về ba khả năng của cách mạng miền Nam. Trên tinh thần ấy, chúng tôi đã chủ trương phá khám để trở về cách mạng là hoàn toàn đúng đắn phù hợp với tình hình thực tế cả bên ngoài và bên trong nhà lao". Và cuộc phá khám ấy mang về thắng lợi vẻ vang, góp phần bổ sung thêm cho cách mạng hàng trăm cán bộ, đảng viên nòng cốt, kiên cường...

Từ năm 1958 trở đi, đồng chí Lê Duẩn ít có điều kiện gắn bó với miền Nam (do được điều động về Trung ương giữ vị trí quan trọng khác), nhưng đồng chí luôn quan tâm đến mọi chuyển biến của tình hình trong này. Với vai trò là Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng, đồng chí có nhiều bức "Thư vào Nam" để định hướng, chỉ đạo các phong trào cách mạng, thậm chí đến từng địa phương, từng chiến trường. Từ kinh nghiệm đánh đặc công giành thắng lợi "lừng lẫy khắp năm châu" của bộ đội Đồng Nai vào sân bay Biên Hòa năm 1964, trong "Thư vào Nam" hồi tháng 5-1965, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã viết: "Hiện nay ta vừa phải chuẩn bị đầy đủ lực lượng dự trữ chiến lược, vừa phải mở nhiều mặt trận để phân tán địch, nhử địch ra vùng rừng núi tiêu diệt chúng. Ta cần phát triển lực lượng và nâng cao chất lượng bộ đội đặc công, đánh vào các sân bay, các trận địa pháo, kho bom đạn, xăng dầu, trừng trị địch ngay trong căn cứ trước khi chúng hành động".

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên cương vị Tổng bí thư, đồng chí Lê Duẩn có nhiều lần về thăm và làm việc tại Đồng Nai. Trong các năm 1980 đến năm 1983, đồng chí đã 3 lần về thăm tỉnh. Bà Nguyễn Bạch Tuyết, nguyên UVTW Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy nhớ lại, vào cuối năm 1982, đồng chí Lê Duẩn đã đến nói chuyện tại đại hội Đảng bộ Công ty cao su Đồng Nai. Tại đây đồng chí Tổng bí thư, đã nói: "Nhiệm vụ vẻ vang của anh chị em công nhân cao su Đồng Nai là phấn đấu rất cao và bền bỉ, biến một phần đất đai quan trọng miền Đông Nam bộ thành vùng chuyên canh cao su lớn nhất nước ta, xây dựng ngành cao su thành một ngành công nghiệp lớn trong nền kinh tế của ta, lấy cao su làm nguồn sản xuất chủ lực để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa". Đồng chí cũng lưu ý tỉnh cần tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện lịch sử của mình để phát triển nền công nghiệp.

Tại đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (vào đầu năm 1983), một lần nữa Đồng Nai được vinh dự đón Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm và có bài phát biểu quan trọng. Là người có nhiều năm gắn bó với vùng đất miền Đông Nam bộ, với Đồng Nai nên đồng chí Lê Duẩn phát biểu không cần văn bản chuẩn bị trước nhưng rất đầy đủ, sâu sắc và tỏ ra am tường mọi lĩnh vực tại địa phương. Tổng bí thư Lê Duẩn chỉ rõ những thế mạnh của Đồng Nai về đất, rừng, có khu công nghiệp và lực lượng tiểu thủ công nghiệp tương đối phát triển, có điều kiện quan hệ hợp tác kinh tế rộng trong khu vực. Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí khẳng định: "Đồng Nai có đủ điều kiện về sức người sức của xây dựng tỉnh nhà phát triển vững mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước". Nhưng muốn công nghiệp hóa tỉnh nhà, theo đồng chí Lê Duẩn, với lợi thế sẵn có Đồng Nai cần: "Tập trung mở rộng và phát triển diện tích cây công nghiệp ngắn và dài ngày chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Mặt khác, tỉnh cần xây dựng nguồn nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến". Tại các buổi nói chuyện trong những lần về thăm và làm việc tại Đồng Nai, Tổng bí thư Lê Duẩn cũng đặc biệt lưu ý Đảng bộ tỉnh quan tâm nhiều hơn đến công tác xây dựng Đảng, đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực lãnh đạo, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế thừa. Đặc biệt, đồng chí lưu ý nhiều đến công tác phê bình, tự phê bình, trau dồi đạo đức cách mạng trong toàn Đảng bộ.

Trường Quân

Tin xem nhiều