Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Tổng bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-2007)
Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

09:04, 05/04/2007

51 năm trước, trước khi tiễn vợ con ra Bắc còn mình quay trở lại Nam bộ, nhà hoạt động cách mạng Lê Duẩn đã gửi lời nhắn nhủ với Bác Hồ qua một người đồng chí thân thiết: "Chắc phải 18 - 20 năm nữa, tôi mới có dịp gặp lại Bác được...". Lúc đó, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: Hòa bình, thống nhất cho đất nước không thể là một năm, hai năm mà phải rất dài lâu và không thể thực hiện nổi bằng thương lượng. Lời tiên đoán của đồng chí Lê Duẩn đã là sự thực. Hành trình đi tới thống nhất, hòa bình của dân tộc cuối cùng đã phải trải qua gần 1/4 thế kỷ.

51 năm trước, trước khi tiễn vợ con ra Bắc còn mình quay trở lại Nam bộ, nhà hoạt động cách mạng Lê Duẩn đã gửi lời nhắn nhủ với Bác Hồ qua một người đồng chí thân thiết: "Chắc phải 18 - 20 năm nữa, tôi mới có dịp gặp lại Bác được...". Lúc đó, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: Hòa bình, thống nhất cho đất nước không thể là một năm, hai năm mà phải rất dài lâu và không thể thực hiện nổi bằng thương lượng. Lời tiên đoán của đồng chí Lê Duẩn đã là sự thực. Hành trình đi tới thống nhất, hòa bình của dân tộc cuối cùng đã phải trải qua gần 1/4 thế kỷ.

 

Câu chuyện nhỏ trên đã được những đồng chí của đồng chí Lê Duẩn vẫn thường nhắc lại như một bằng chứng xúc động về tầm nhìn chiến lược của tác giả bản "Đề cương cách mạng miền Nam", người đã có công lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ đi tới thắng lợi cuối cùng. Sau này, khi nhìn nhận lại, những nhân chứng lịch sử trong giai đoạn đó như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng...thừa nhận, chính "Đề cương Cách mạng miền Nam" mà sau này được cụ thể hóa bằng Nghị quyết Trung ương 15 (Khóa II) là tư tưởng cơ bản dẫn dắt cuộc kháng chiến chống Mỹ đi tới thắng lợi.

Với tầm nhìn xa trông rộng, Nhà cách mạng, Nhà lãnh đạo Lê Duẩn đã vạch ra những bước đi đúng đắn cho một cuộc chiến mà đồng chí hiểu rõ sẽ khốc liệt và kéo dài. Bản "Đề cương cách mạng miền Nam" thể hiện đầy đủ tầm nhìn chiến lược của đồng chí Lê Duẩn đối với cuộc kháng chiến .

...Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn sớm trở thành một chiến sĩ thuộc lớp "cận vệ" đầu tiên của Đảng. Vừa hoạt động cách mạng, vừa học tập, đồng chí rất say mê đọc "Đường cách mệnh" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Báo Thanh Niên. Các tác phẩm của Mác, Ăngghen, Lênin.... từng bước bồi đắp cho đồng chí Lê Duẩn những tri thức mới, nâng cao thêm tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng. Do được gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí nhận được sự dìu dắt và chỉ đạo trực tiếp của Người. Đó là điều kiện thuận lợi để đồng chí tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực công tác mà tổ chức phân công. Quan điểm và phương pháp của đồng chí Lê Duẩn là thể hiện sự trung thành và phát triển sáng tạo tư tưởng, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh. Là một người giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì Đảng, vì dân, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và cho lý tưởng cộng sản. Lý tưởng và hoài bão của đồng chí là Tổ quốc độc lập và thống nhất, nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ cuộc sống của mình.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng ở vào một thời điểm lịch sử đầy thử thách cam go và nhiệm vụ nặng nề, cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của dân tộc là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, đương đầu với một đế quốc có tiềm lực quân sự và bộ máy chiến tranh khổng lồ, đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Trung ương Đảng về phong trào cách mạng miền Nam. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng hoạch định, phát triển và từng bước hoàn chỉnh đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng. Trong những năm đen tối dưới chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, bằng kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm bám sát cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng: "Đề cương Cách mạng miền Nam". Bản đề cương chỉ rõ: Chính quyền miền Nam Việt Nam là chính quyền thực dân kiểu mới, tay sai của đế quốc Mỹ. Chính quyền đó đã chà đạp thô bạo thành quả mà nhân dân ta giành được trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Trên cơ sở nhận định về bản chất của kẻ thù mới, từ thực tiễn tình hình miền Nam, Đề cương khẳng định: "Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác". Bản Đề cương còn xác định rõ mục đích, nhiệm vụ, đối tượng của cách mạng Việt Nam, nêu lên được hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam. Đề cương ra đời góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, làm dấy lên một không khí tràn đầy tin tưởng, phấn chấn, tạo ra phong trào đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà Đề cương cách mạng miền Nam nêu lên là cơ sở để Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II), tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Từ khi rời Sài Gòn - Chợ Lớn ra Trung ương cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí đối với cách mạng miền Nam được tập trung trong 31 bức điện, thư (tập Thư vào Nam) được viết trong thời gian từ tháng 2-1961 đến khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những tư tưởng chỉ đạo của đồng chí góp phần quan trọng để Đảng ta tìm giải pháp tối ưu đưa cách mạng miền Nam tiến lên vững chắc. Mở đầu chiến tranh một cách có lợi nhất bằng cách phát động khởi nghĩa từng phần trên quy mô rộng lớn, chuyển cách mạng miền Nam từ thế bảo toàn lực lượng sang thế tiến công, làm thất bại về cơ bản "cuộc chiến tranh đơn phương" của Mỹ - ngụỵ. Từ đó tiến lên giành thế chủ động tiến công, lần lượt đánh bại các bước leo thang, các chiến lược chiến tranh của địch, tạo ra bước ngoặt làm chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta, làm lung lay và đập tan ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ.

Trung tướng, PGS Nguyễn Đình Ước, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lịch sử quân sự nhớ lại: Lần đầu tiên tôi gặp đồng chí Lê Duẩn là cuộc nói chuyện với cán bộ cao cấp trong quân đội ở CLB quân nhân. Đồng chí Lê Duẩn đã nói: "Khi tôi vào Nam sau khi ký hiệp định Genevơ năm 1954, Bác Hồ có dặn tôi là con đường giải phóng miền Nam chỉ là con đường Cách mạng". Như vậy, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng chứ không phải bằng con đường hòa bình hay trường kỳ mai phục. Đấy là một tư tưởng rất lớn. Đồng chí Lê Duẩn có tầm nhìn về chiến lược, nên những đề xuất về con đường giải phóng miền Nam, từ những thắng lợi từng bước, thắng lợi quyết định cho đến thắng lợi cuối cùng, kể cả đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao của đồng chí đều có những ý kiến rất xuất sắc, được Bộ Chính trị thảo luận và được Bác Hồ đồng ý hoặc bổ sung và hoàn chỉnh thêm, đem lại kết quả rất lớn cho sự nghiệp Cách mạng của Việt Nam.

Đồng chí Lê Duẩn học tập lý luận Mác-Lênin, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, rồi cọ sát thực tế, lăn lộn trong đấu tranh cách mạng, thấy rõ sức mạnh và sáng tạo của quần chúng. Đồng chí rất chú ý nghiên cứu về các nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Duẩn phân tích điểm yếu nổi bật của Mỹ rất sâu sắc. Thứ nhất, sức mạnh Mỹ ở miền Nam chỉ có giới hạn thôi, bởi Mỹ phải đối phó với phong trào cách mạng trên toàn thế giới. Thứ hai, quân đội Mỹ chỉ quen đánh chính quy, dàn trận, chứ còn đánh bằng chiến tranh nhân dân thì còn thiếu kinh nghiệm. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh rằng, Mỹ không quen đánh lâu dài, các cuộc chiến tranh Mỹ đã tham gia thì nhiều lắm là 4 đến 5 năm. Nếu chúng ta kiên trì chiến đấu, riêng việc kéo dài chiến tranh cũng gây cho Mỹ nhiều khó khăn rồi. Cho nên phải tìm cách thắng Mỹ cho phù hợp, phải thắng Mỹ từng bước, phải đánh vào ý chí xâm lược... Cũng như đồng chí Lê Duẩn phân tích, nếu so sánh lực lượng mà chỉ nhìn vào chiến trường Việt Nam chứ không nhìn vào tình hình chính trị nước Mỹ và trên thế giới thì không thấy hết sức mạnh của mình được.

Rồi cách chúng ta đánh tổng lực 4 năm một lần, đúng thời điểm Mỹ bầu cử Tổng thống thì cũng tạo ra những áp lực, cả quân sự, chính trị trong nước Mỹ, từ đó tạo bước ngoặt, đảo lộn thế trận chiến lược. Đó cũng là một sáng tạo tuyệt vời về thời cơ và cách đánh, tổ chức cuộc chiến tranh nhân dân. Cuối cùng, kịp thời nắm lấy thời cơ lịch sử, mở những trận quyết chiến chiến lược, đánh nhanh, thắng gọn, kết thúc chiến tranh theo ý định của ta, giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi quyết sách chiến lược đối nội cũng như đối ngoại, mỗi thắng lợi ở tuyền tuyến cũng như ở hậu phương, trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, trong giai đoạn mở đầu cũng như giai đoạn kết thúc chiến tranh, ở đâu cũng có dấu ấn tư duy độc lập, trí tuệ sáng tạo, bản lĩnh và nghị lực phi thường của đồng chí Lê Duẩn.

Hương Thủy

Tin xem nhiều