Báo Đồng Nai điện tử
En

Di tích - Danh thắng
Đình Tân Lân

04:03, 23/03/2007

Đình Tân Lân tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Trị, phường Hòa Bình, TP Biên Hòa. Tương truyền, ban đầu đình chỉ là ngôi miếu nhỏ do người dân thôn Tân Lân dựng lên từ thời Minh Mạng (1820 - 1840) để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên Đô đốc Trần Thượng Xuyên. Nhân dân đã lấy tên làng "Tân Lân" đặt tên cho đình. Sau hai lần dời chuyển, nâng cấp vào năm 1861, 1906, ngôi miếu nhỏ được người dân sở tại xây dựng thành ngôi đình ở vị trí như hiện nay.

Đình Tân Lân tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Trị, phường Hòa Bình, TP Biên Hòa. Tương truyền, ban đầu đình chỉ là ngôi miếu nhỏ do người dân thôn Tân Lân dựng lên từ thời Minh Mạng (1820 - 1840) để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên Đô đốc Trần Thượng Xuyên. Nhân dân đã lấy  tên làng "Tân Lân" đặt tên cho đình. Sau hai lần dời chuyển, nâng cấp vào năm 1861, 1906, ngôi miếu nhỏ được người dân sở tại xây dựng thành ngôi đình ở vị trí như hiện nay.

 

Đình có diện tích 673m2, bộ khung sườn bằng gỗ quí, mái lợp ngói âm dương ống ngõa màu lưu ly, diềm gắn lá đề - vật liệu chuyên được sử dụng cho kiến trúc tôn giáo thế kỉ XVIII - XIX của người Hoa. Mặt bằng tổng thể kiến trúc của ngôi đình được bố trí theo kiểu chữ Tam gồm: tiền đình, chánh điện, nhà khách nối tiếp nhau. Đối xứng hai bên tả, hữu là miếu thờ Bà Ngũ Hành, thờ Ông Đá. Xung quanh có hàng rào bảo vệ xây bằng gạch khá vững chắc.

Mặt chính của đình quay về hướng Tây Nam, đón gió lành từ sông Đồng Nai. Đây là một công trình nghệ thuật đặc sắc, trên nóc mái có hàng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh màu lưu ly thể hiện các đề tài cổ điển phương Đông một cách sinh động như: bát tiên quá hải, Quan Công phò nhị tẩu, thiếu nữ giao cầu, diễn võ đài, cảnh bái triều rước xách, tiễn đưa, diễn hí tấu nhạc, vinh qui bái tổ, xét xử tội nhân nơi địa ngục, thiên đình nơi hội triều.... Trên hai đầu đao còn có tượng ông Nhật, bà Nguyệt, tiên đồng, ngọc nữ. Trên nóc chánh điện có lưỡng long tranh châu, lý ngư hóa rồng tượng trưng cho sự thịnh vượng, như ý. Bên trong tiền đình, trên các xà ngang được chạm trổ các đề tài dơi, đào, hoa, lá biểu trưng cho phước thọ, trường tồn.

Từ ngoài nhìn vào, ta thấy toát lên vẻ uy nghi, bề thế của ngôi đình. Các hoành phi, liễn đối khắc bằng chữ Hán, sơn son, thếp vàng rực rỡ treo trên thân cột và xà ngang theo chiều dài khu chánh điện được chạm trổ tinh vi, sắc sảo mang tính nghệ thuật cao với đề tài hoa điểu, tứ linh, tứ quí tượng trưng cho hạnh phúc, phồn vinh, tước lộc, công hầu theo phong tục của người phương Đông. Tượng Trần Thượng Xuyên được đặt trên hương án trang trọng nơi chánh điện cùng sự hiện diện áo mão của ông. Bộ bát bửu bằng đồng đặt thẳng hai bên hàng cột chính trước bàn thờ thần làm tăng thêm sự trang nghiêm nơi tôn thờ. Đặc biệt, hiện nay đình còn lưu giữ sắc thần của vua Tự Đức ngũ niên (1852) ban cho Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên.

Hiện nay, đình Tân Lân được nhân dân và Ban quí tế đình thường xuyên chăm sóc sạch sẽ, ngăn nắp, tự nguyện đóng góp tiền của để chỉnh trang, sửa chữa, bảo quản các hạng mục gốc trong đình; tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm phục vụ tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong địa phương theo tinh thần tôn giáo - dân tộc.

Hàng năm, vào ngày 12-14/12 âm lịch, đình tổ chức lễ hội Kỳ yên, cũng là ngày lễ trọng thu hút đông đảo người dân không kể Hoa, Việt qui tụ về dâng hương cầu an, cầu phước. Di tích đình Tân Lân  là một trong những địa chỉ trong tour du lịch của TP.Biên Hòa.

Phước Thịnh

Tin xem nhiều