Báo Đồng Nai điện tử
En

Quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam cho người nước ngoài

10:12, 14/12/2006

Làm thế nào đạt hiệu quả nhất trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay là vấn đề mà các đại biểu tranh luận tại hội thảo "Quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam cho người nước ngoài" được tổ chức ngày 12-12 tại Hà Nội. Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc phối hợp với Trung tâm văn hóa Đức-Á tổ chức với sự tham gia của đông đảo các giáo sư, chuyên gia đầu ngành và cán bộ nghiên cứu về văn hoá.

Làm thế nào đạt hiệu quả nhất trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay là vấn đề mà các đại biểu tranh luận tại hội thảo "Quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam cho người nước ngoài"  được tổ chức ngày 12-12 tại Hà Nội. Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc phối hợp với Trung tâm văn hóa Đức-Á tổ chức với sự tham gia của đông đảo các giáo sư, chuyên gia đầu ngành và cán bộ nghiên cứu về văn hoá.

Trong những năm qua, việc quảng bá văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài đến Việt Nam, hoặc đưa ra nước ngoài ngày càng nhộn nhịp, từ các tổ chức của nhà nước đến tư nhân, chủ yếu là biểu diễn văn nghệ, thời trang, triển lãm mỹ thuật, chiếu phim đã góp phần quảng bá nền văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài, đồng thời phục vụ cho cộng đồng người Việt sống xa Tổ quốc. Tuy nhiên, việc quảng bá còn nhiều bất cập, thậm chí nhiều nơi chưa biết đến Việt Nam. Theo GS Vũ Khiêu: chúng ta chưa quảng bá được nhiều thành tựu của văn hóa dân tộc ra nước ngoài và bản thân chúng ta còn quá khiêm tốn, chưa nói được tính cách dân tộc Việt Nam: anh hùng và văn hiến. Các đại biểu khác đã đưa ra nhiều hình thức và loại hình quảng bá dân tộc Việt Nam như: Quảng bá từ ứng xử văn hóa trong giao tiếp giữa chủ và khách, đơn giản nhất là nụ cười tươi - thông điệp tình cảm; quảng bá văn hóa dân tộc trong những sự kiện như tổ chức các đêm văn hóa, tuần văn hóa, tháng văn hóa hay một sự kiện trọng đại của đất nước với các chương trình nghệ thuật hoành tráng, chương trình giới thiệu thời trang dân tộc độc đáo, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các món ăn. Tuy nhiên, cách quảng bá văn hóa là yếu tố quan trọng nhất để người nước ngoài có thể nhớ đến Việt Nam. Đối với loại hình sân khấu dân tộc thì sự tinh giản ngôn ngữ văn học và điêu luyện nghệ thuật là yếu tố quyết định sự hấp dẫn đối với người xem nước ngoài. Ví dụ như vở tuồng "Lộ địch" của Ưng Bình Thúc Giạ Thị khi diễn ở Việt Nam kéo dài 2,5 tiếng đồng hồ với lời thoại dài dằng dặc chỉ có thể khiến người nước ngoài hiểu được khi nó được tiết giảm xuống 1,5 tiếng đồng hồ với 10 nghệ sĩ thay bằng vài chục nghệ sĩ. Đối với văn hoá ẩm thực, phải là những món ăn truyền thống mang bản sắc Việt Nam mới gây sự thích thú đối với người nước ngoài như phở, nem, bánh cuốn. Đối với trang phục, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa đối ngoại của Quốc hội lại cho rằng cần phải có sự tôn trọng đối với khách bằng việc ăn mặc quần áo ngay ngắn, phẳng phiu; nên có những giải thích kỹ lưỡng về các loại trang phục truyền thống trong các màn diễn thời trang dân tộc. GS Trần Văn Khê, người miệt mài từ nửa thế kỷ nay giới thiệu nền âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với thế giới thì có ý kiến: Chính phủ Việt Nam cần có chính sách rõ ràng, những biện pháp cụ thể giúp cho âm nhạc Việt Nam và các hình thức văn hóa khác có bản sắc dân tộc bền vững, luôn độc đáo.

Hơn 10 tham luận của các nhà nghiên cứu tâm huyết với văn hoá dân tộc phần nào đã gợi ra những kinh nghiệm để gìn giữ và tạo dấu ấn rõ ràng cho văn hoá Việt Nam trong nền văn hoá thế giới.

Thúy Nga

 

Tin xem nhiều