Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà báo trẻ trước cơ hội và thách thức

09:12, 07/12/2006

Hiện nay, số người làm báo trẻ tại Đồng Nai chiếm một tỷ lệ khá lớn. Khi đất nước hội nhập, những nhà báo trẻ có rất nhiều cơ hội để khẳng định mình. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì thách thức cũng không phải là ít.

Hiện nay, số người làm báo trẻ tại Đồng Nai chiếm một tỷ lệ khá lớn. Khi đất nước hội nhập, những nhà báo trẻ có rất nhiều cơ hội để khẳng định mình. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì thách thức cũng không phải là ít.

 

Gần 40 năm gắn bó với nghề báo, nhà báo Lê Hương Thơm cho rằng các nhà báo trẻ ngày nay hơn hẳn thế hệ những nhà báo như chị về môi trường làm việc. "Thế hệ chúng tôi phải học tập trong chiến tranh, làm báo trong chiến tranh. Điều kiện làm việc thiếu thốn; phương tiện tác nghiệp thô sơ...Các nhà báo trẻ hiện nay, không những được đào tạo bài bản mà khi về các cơ quan báo chí còn được tạo điều kiện hỗ trợ nhiều mặt như  phương tiện, thiết bị làm việc. Các nhà báo trẻ còn có một môi trường làm việc khá thuận lợi không chỉ ở cơ quan mình công tác mà ngay cả phía cơ sở. Nói chung là đất "dụng võ" của phóng viên khá phong phú. Và với điều kiện như vậy cùng với lòng yêu nghề, các phóng viên trẻ rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, viết và thể hiện các vấn đề, sự kiện nhanh chóng, kịp thời. Đây là ưu điểm nhưng đồng thời cũng là nhược điểm bởi phóng viên trẻ thường gặp những sai sót  do thông tin không chính xác, do thiếu kinh nghiệm. Một số doanh nghiệp khi gặp tôi có tâm sự rằng họ ngại tiếp xúc với các nhà báo trẻ vì các nhà báo này chưa tạo được cho họ niềm tin và không khí làm việc thoải mái. Bên cạnh đó, kiến thức của các nhà báo trẻ về các lĩnh vực đôi khi còn hạn chế...".

Đồng ý với quan điểm này, nhà báo Hoàng Minh, Trưởng phòng Thời sự Đài PT-TH Đồng Nai cho biết, nhà báo trẻ ngày nay được đi nhiều, tiếp xúc nhiều và được làm báo trong một không khí hết sức dân chủ. Ngày càng nhiều các cơ hội mở ra cho các nhà báo trẻ và cũng đòi hỏi các nhà báo trẻ phải thật sự nỗ lực, cố gắng. Nhưng qua công tác tuyển dụng ở Phòng Thời sự  cho thấy, số lượng phóng viên trẻ đến dự tuyển nhiều nhưng lượng trúng tuyển lại không đáng là bao. Thậm chí, nhiều phóng viên sau một thời gian thử việc đã không thể trụ lại với nghề. Hạn chế lớn nhất của các nhà báo trẻ, theo nhà báo Hoàng Minh chính là việc các em thiếu một kiến thức nền cần thiết để có thể gắn bó với nghề báo. Và chính vì thiếu kiến thức nền nên khi tác nghiệp, khả năng đáp ứng công việc không cao. Nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là ý thức tự học, tự trang bị kiến thức của các nhà báo còn kém. "Cũng phải kể tới một nguyên nhân khác, đó là nhà báo trẻ chưa thực sự yêu nghề, say với nghề báo. Một số phóng viên trẻ chọn nghề báo vì ý nghĩa thực dụng nhiều hơn là yêu thích. Đây là điều mà tôi rất lo ngại cho đội ngũ những nhà báo trẻ" - nhà báo Hoàng Minh nhấn mạnh.

Một lo ngại nữa cũng được nhà báo Trần Huy Thanh, Tổng biên tập báo Đồng Nai chia sẻ: "Nhà báo trẻ phải trang bị cho mình những kiến thức về tin học và ngoại ngữ. Đây là phương tiện không thể thiếu nếu nhà báo muốn hội nhập. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều cơ hội cho các nhà báo trẻ đi công tác ở trong và ngoài nước. Thế nhưng không phải cơ hội nào cũng được các cơ quan báo chí tận dụng vì xét thấy phóng viên không đủ yêu cầu, nhất là các phóng viên trẻ. Đây là một điều hết sức đáng buồn bởi sự nhanh nhạy của các phóng viên trẻ nếu được trang bị thêm vốn tin học, ngoại ngữ  "kha khá" chắc chắn sẽ rất được việc. Bên cạnh đó, các nhà báo cũng phải rèn luyện để hội đủ  3 chữ T được đúc kết trong nghề báo là "tâm, tầm, tài". Nhà báo trẻ hiện nay đang thiếu  những tố chất để trở thành những nhà báo giỏi nghề thực sự".

Cơ hội thực sự đã mở ra, những nhà báo trẻ đã và đang nắm bắt cơ hội này như thế nào? Chắc chắn, với những nhà báo trẻ yêu nghề, thì đây chính là điều kiện để họ khẳng định mình. Nhưng bên cạnh đó, cũng sẽ có những nhà báo trẻ phải tụt lùi về phía sau bởi chính sự không cố gắng. Nhưng nói như nhà báo Mai Sông Bé, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh trong nhiều lần tâm sự với các nhà báo trẻ: muốn nắm lấy cơ hội không có con đường nào khác là phải dấn thân. Một nhà báo giỏi là nhà báo phải biết dấn thân và nổi tiếng. Sự nổi tiếng không phải để hư danh mà nó đồng nghĩa với việc tên tuổi, tác phẩm của nhà báo đó đã được nhiều người biết tới.

 

Thanh Tùng

* Thanh Tùng (Phòng chuyên mục Đài PTTH Đồng Nai):

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tác nghiệp

Lâu nay chúng ta thường đánh giá cao phóng viên nào tác nghiệp, đưa thông tin ở vùng sâu, vùng xa. Dĩ nhiên sự xông xáo nhiệt tình này thật đáng ghi nhận nhưng đây cũng chỉ mới là sự xông xáo cơ học chứ chưa phải là sự đầu tư trang bị kỹ càng về chuyên môn, nghiệp vụ. Trong khi đó, thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì người làm báo phải có kỹ năng cập nhật và xử lý thông tin. Internet là một nguồn thông tin rất cần thiết mà nhà báo không thể bỏ qua. Thế nhưng trong thời kỳ đất nước hội nhập, phải thừa nhận rằng người làm báo cũng chỉ mới chập chững với công nghệ làm báo hiện đại. Nhiều nhà báo chưa biết sử dụng tin học hoặc chỉ dừng lại ở khâu đánh máy, lưu bài chưa biết vận dụng công nghệ vào việc xử lý thông tin. Tiếp cận công nghệ mới là thách thức mà những người làm truyền hình cần phải vượt qua, bởi công nghệ là cái sẵn có, mình chỉ học hỏi để ứng dụng. Do vậy, lãnh đạo các cơ quan báo chí nếu không quan tâm, định hướng, cải tổ phong cách làm báo thì phóng viên khó có cơ hội làm quen, tiếp cận với công nghệ mới.  

* Nguyễn Phượng (báo Đồng Nai):

Tăng cường trang bị kiến thức chuyên ngành

Nguyễn Phượng

Hiện tại lực lượng làm báo xuất thân từ rất nhiều nguồn, trong đó một bộ phận nhà báo không được đào tạo bài bản. Do đó, bên cạnh việc nhà báo tự trang bị hoặc rèn luyện qua thực tế thì Hội nhà báo và các cơ quan báo chí cần chú trọng đào tạo, mở các lớp bồi dưỡng về kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu cho nhà báo.  

 Việc Việt Nam gia nhập WTO cũng có nghĩa là báo chí Việt Nam xích lại gần hơn với báo chí thế giới. Và nhà báo có cơ hội tác nghiệp ở nước ngoài, trao đổi và gặp gỡ người nước ngoài, đồng nghiệp quốc tế nhiều hơn. Một trong những yêu cầu bắt buộc để các nhà báo có thể tự tác nghiệp là giỏi ngoại ngữ. Thế nhưng, số nhà báo có đủ năng lực và khả năng giao tiếp, tác nghiệp ở nước ngoài chưa phải là nhiều.

* Thanh Thúy (báo Lao động Đồng Nai):

Hỗ trợ nhà báo khi tác nghiệp

Công việc của người làm báo sẽ dẫn đến những va chạm dù ít hay nhiều với cá nhân hoặc tập thể nào đó. Và dĩ nhiên người làm báo sẽ phải đối mặt với nhiều sự cố trong lúc tác nghiệp. Lắm lúc người có trách nhiệm trả lời báo chí nhưng cố tình viện nhiều lý do để từ chối. Hoặc có trường hợp, cá nhân nào đó bị phản ánh sẽ có phản ứng với tác giả, nhẹ thì bị trách móc, nặng thì mắng nhiếc... Một khi xảy ra sự cố, người làm báo chỉ mong muốn cơ quan và tổ chức Hội lắng nghe và chia sẻ với mình, đồng thời có sự can thiệp kịp thời. Trong trường hợp phóng viên tác nghiệp có thái độ đe dọa, không đúng với cơ sở, vi phạm quy chế hoạt động báo chí thì cơ quan báo chí và Hội nhà báo phê bình và xử lý nghiêm khắc. Có như thế, Hội Nhà báo mới thực sự là chỗ dựa và là nơi tin tưởng của hội viên.

T.Trang (thực hiện)

Nguyễn Phượng

 

 

 

Tin xem nhiều