Lợi thế của văn nghệ sĩ là thể hiện, hiện thực hóa cảm xúc cá nhân thông qua sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT).
Nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai trình bày ca khúc Trường Sa ngàn năm hát mãi (sáng tác Khánh Hòa) trong chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XIV-2023. Ảnh: S.THAO |
Vận dụng thế mạnh này, thời gian qua, các nhạc sĩ Đồng Nai đã đưa tình yêu biển đảo quê hương, tình cảm dành cho người lính hải quân vào trong sáng tác của mình để gửi đến người yêu nhạc.
* Nguồn cảm hứng bất tận
Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn - người có nhiều sáng tác về biển đảo quê hương, người lính hải quân nhân dân Việt Nam cho hay, sáng tác chủ đề biển đảo quê hương chưa bao giờ là cũ với nhạc sĩ Đồng Nai. Điều này được thể hiện qua việc đã có rất nhiều sáng tác về biển đảo quê hương, song mỗi năm rất nhiều tác phẩm mới lại xuất hiện. Những tác phẩm mới nảy sinh trong quá trình người nhạc sĩ đi thực tế, lắng nghe câu chuyện của người lính đảo, chia sẻ của người có chuyến hành trình đến với biển đảo trở về hay khi đọc được bài thơ của văn nghệ sĩ…
Như bản thân ông vào năm 2015 đã cho ra đời ca khúc Tổ quốc và người lính. Tác phẩm sau đó được trao giải C cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2015 cấp quốc gia. Tiếp đó, chùm 7 ca khúc, trong đó có: Tổ quốc và người lính, Hát quốc ca giữa đảo Trường Sa, Những chàng trai của Biển được trao tặng Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015). Mới đây, ca khúc Khoảng lặng không gian do ông phổ thơ của tác giả Phạm Thanh Quang đã được Hội VHNT Đồng Nai chọn giới thiệu đến công chúng.
Riêng với nhạc sĩ lão thành Trần Viết Bính, bên cạnh sáng tác lời ca, làm nhạc, ông còn có công lớn trong phổ thơ thành nhạc nhiều ca khúc liên quan đến biển đảo Việt Nam như: Chúng ta lại lên đường, Bài ca lính Trường Sa, Đêm Trường Sa xuân về nhớ mẹ, Đồng dao Hoàng Sa - Trường Sa…
Nhạc sĩ Trần Viết Bính cho hay, ông rất vui khi những ca khúc viết về biển đảo luôn nhận được sự quan tâm, nâng niu của nhạc sĩ, ca sĩ, đạo diễn, nhạc công, diễn viên múa. Tất cả những điều này giúp nâng tầm giá trị tác phẩm, khiến bài hát dễ đi vào lòng người.
Còn theo nhạc sĩ Đoàn Quang Trung, Trưởng ban Âm nhạc, Hội VHNT Đồng Nai, bằng sự nhạy cảm và tìm tòi trong nghệ thuật, nhạc sĩ Đồng Nai đã cho ra đời nhiều ca khúc hay, ca khúc mới về biển đảo. Như bản thân ông cũng góp vào vườn hoa âm nhạc biển đảo quê hương bằng ca khúc Hát về Trường Sa. Ca khúc đem về cho nhạc sĩ Đoàn Quang Trung giải B của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2015.
* Khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác về biển đảo
NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho biết, tình yêu biển đảo quê hương, hình tượng người lính hải quân, đồng bào bám đảo giữ biên cương, sợi dây liên kết giữa đất liền với biển đảo, tình cảm người dân Đồng Nai với biển đảo và với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào bám biển là những nội dung được Hội VHNT Đồng Nai, Ban Âm nhạc định hướng, khuyến khích đối với nhạc sĩ. Qua đó, nhạc sĩ Đồng Nai đã cho ra mắt rất nhiều tác phẩm. Mỗi sáng tác đều thể hiện được khía cạnh tình cảm của người dân Đồng Nai, của văn nghệ sĩ đối với biển đảo.
6 tháng đầu năm 2023, đã có 11 sáng tác về biển đảo được các nhạc sĩ Đồng Nai giới thiệu đến công chúng. Trong số này, có thể kể đến những tác phẩm như: Khúc tưởng niệm (nhạc Lệ Hằng, thơ Nguyễn Đức Mậu), Khoảng lặng không gian (nhạc Cao Hồng Sơn, thơ Phạm Thanh Quang), Bài ca người lính đảo (sáng tác Bùi Công Thuấn), Gạc Ma vọng mãi tên anh (nhạc Trần Viết Bính, thơ Trần Thu Hằng), Trường Sa ngàn năm hát mãi (sáng tác Khánh Hòa)… |
Tuy nhiên, số lượng sáng tác về biển đảo thật sự gây được tiếng vang chưa nhiều. Đây là điều được Hội VHNT Đồng Nai, Ban Âm nhạc, mỗi nhạc sĩ Đồng Nai thẳng thắn nhìn nhận. Vì vậy, ngoài khuyến khích về mặt tinh thần, định hướng về tư tưởng, Hội VHNT Đồng Nai, Ban Âm nhạc đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ sáng tác.
Theo đó, các trại sáng tác VHNT được tổ chức hàng năm do Hội VHNT Đồng Nai, Ban Âm nhạc thực hiện ưu tiên chọn điểm đến gắn liền với biển đảo: từ đất mũi Cà Mau đến các tỉnh duyên hải trong cả nước. Một số nhạc sĩ còn được tạo điều kiện tham gia vào các chuyến hành trình thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân bám biển làm nhiệm vụ.
Hội VHNT Đồng Nai, Ban Âm nhạc cùng Đài PT-TH Đồng Nai còn duy trì đều đặn giới thiệu âm nhạc Đồng Nai đến với công chúng hàng quý. Đồng thời, phối hợp cùng Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai dàn dựng các tiết mục để trình diễn trực tiếp trước công chúng thông qua các chương trình lưu động, diễn trong những hội nghị…
Không chỉ với sân khấu chuyên nghiệp, Hội VHNT Đồng Nai, Ban Âm nhạc còn liên kết với Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố xây dựng chương trình biểu diễn chủ đề biển đảo quê hương, trong đó chú trọng sử dụng sáng tác của nhạc sĩ Đồng Nai.
Nhạc sĩ Trần Tâm, người thường xuyên đảm nhận vai trò giám khảo trong các hội thi, hội diễn cho biết, thông qua các liên hoan giọng hát hay được tổ chức hàng năm từ huyện đến tỉnh, ban tổ chức khuyến khích thí sinh thể hiện những sáng tác về biển đảo để dự thi. Nhiều giọng ca thể hiện rất thành công và đoạt giải cao khi lựa chọn những sáng tác này.
Sông Thao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin