Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội tốt để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Minh Ngọc
21:53, 26/11/2024

Với 86,22% tổng số đại biểu tán thành, Luật Di sản văn hóa (DSVH) sửa đổi đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Với 9 chương, 95 điều được sửa đổi, bổ sung và nhiều quy định mới, đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH hiện nay.

Trong những điểm mới mà Luật DSVH (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025) đề cập, có các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Theo đó, trong 10 hành vi bị nghiêm cấm có: chiếm đoạt, làm sai lệch DSVH; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại DSVH; khai thác, sử dụng DSVH làm xâm phạm đến quyền, lợi ích của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, dân tộc; phân biệt, đối xử, kỳ thị văn hóa, di sản, dân tộc, vùng miền, tạo ganh đua không vì di sản, mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột văn hóa giữa các cộng đồng chủ thể; xâm phạm, xúc phạm, xuyên tạc, làm sai lệch nội dung, giá trị, biểu đạt của DSVH; truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép cơ sở dữ liệu về DSVH; sử dụng thông tin xâm phạm quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc, cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân…

Luật dành một điều khoản cụ thể để nói về Quỹ Bảo tồn DSVH Việt Nam. Quỹ được Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch quản lý nhằm huy động nguồn lực cho việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH mà chưa được ngân sách bố trí kinh phí hoặc kinh phí chưa đủ để tu bổ các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đang có nguy cơ bị hủy hoại. Bên cạnh đó là hoạt động sưu tầm và bảo quản hiện vật, mua và đưa các hiện vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước, mua và bảo quản các hiện vật, cổ vật có giá trị đặc biệt ở trong nước để sưu tầm các bộ sưu tập và trưng bày DSVH Việt Nam tại các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Đây được xem là quy định gỡ khó cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH của nhiều địa phương hiện nay, hạn chế được tình trạng kêu gọi nguồn lực một cách manh mún, tự phát. Nguồn quỹ nếu được sử dụng công khai, minh bạch sẽ giúp cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích huy động được sự tham gia sâu rộng hơn của các tổ chức, cá nhân.

Việc thông qua Luật DSVH sửa đổi đang tạo ra những cơ hội mới để phát huy giá trị DSVH ngày càng tốt hơn.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều