Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Đồng Nai lần thứ V-2024 đã khép lại nhưng dư âm của ngày hội dường như vẫn đọng lại trong lòng đồng bào tham gia cũng như người dân, du khách tham quan.
Phần thi văn nghệ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Thống Nhất. Ảnh: L.Na |
Đó không chỉ là những chương trình văn nghệ đậm đà bản sắc, là những bộ trang phục rực rỡ, hay những món ăn mang hương vị núi rừng…, mà qua ngày hội còn góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, động viên thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong xây dựng và phát triển văn hóa.
Ấn tượng…
Một trong các nét văn hóa đặc sắc của ngày hội năm nay là nội dung giao lưu, trình diễn trang phục truyền thống và thi ứng xử. Các bộ trang phục truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh như: Chơro, Mạ, Tày, Nùng, Chăm, Mường, Hoa… mang màu sắc riêng trên nền thổ cẩm được phối màu công phu, tạo hình hoa văn muôn điệu độc đáo, họa tiết khác nhau thể hiện nhân sinh quan về thế giới, về thẩm mỹ của từng dân tộc.
Chị A Mi Roh (đồng bào Chăm, ngụ huyện Long Thành) cho biết, trang phục truyền thống được xem là vốn quý, thể hiện nét đẹp, tính thẩm mỹ sáng tạo của mỗi dân tộc, trong đó có dân tộc Chăm Islam. Trang phục của người Chăm Islam ở Long Thành lưu truyền những giá trị văn hóa tộc người của vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, hiện trong sinh hoạt thường ngày, người Chăm mặc thoải mái hơn, giống với trang phục của người Kinh và chỉ sử dụng trang phục truyền thống vào các nghi lễ và dịp lễ, Tết của đồng bào Chăm.
Tham gia biểu diễn văn nghệ và cồng chiêng, giới thiệu văn hóa đồng bào Mạ và S’tiêng của huyện Tân Phú, chị Ka Ngọc Hương (ngụ xã Tà Lài) cho hay, đây không phải năm đầu tiên chị tham gia ngày hội. Ngày hội là nơi để chị và đồng bào trên địa bàn huyện Tân Phú gặp gỡ, giao lưu văn hóa với các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua ngày hội, chị mong muốn giới thiệu những nét đẹp của dân tộc Mạ, S’tiêng và kỳ vọng sân chơi này sẽ tiếp tục được tổ chức để quảng bá văn hóa đến mọi người.
Cùng với văn nghệ, trang phục và thể thao, ẩm thực của đồng bào các DTTS luôn thu hút người dân và du khách tham quan, thưởng thức. Năm nay, giải nhất phần thi Hương vị ẩm thực dân tộc thuộc về đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Định Quán.
Bà Quách Thị Hồng Nguyệt (dân tộc Mường, ngụ xã Phú Túc, huyện Định Quán) chia sẻ: “Đến với ngày hội, chúng tôi giới thiệu những món ăn, thức uống đặc trưng của dân tộc như: rượu cần, thịt trâu gác bếp chấm chẩm chéo, xôi ngũ sắc và khẩu lam, canh măng khô hầm giò heo, gà luộc chấm sá kiếng… Chúng tôi rất bất ngờ và vui mừng khi phần thi ẩm thực của đồng bào đã đoạt giải nhất. Đây là động lực để người Mường nói riêng, các dân tộc trên địa bàn huyện Định Quán nói chung, gìn giữ, phát huy ẩm thực đặc trưng của dân tộc mình”.
Tham gia trải nghiệm ẩm thực của đồng bào các DTTS, anh Lê Văn Hiệp (ngụ phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa) cho biết: “Độc đáo, lạ miệng và mang hương vị đặc trưng của núi rừng là những điều mà tôi cảm nhận được qua thưởng thức ẩm thực tại Ngày hội Văn hóa thể thao các DTTS tỉnh Đồng Nai. Tôi hy vọng các món ăn này sẽ được giới thiệu rộng rãi hơn đến người dân và du khách tham quan trong, ngoài tỉnh”.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh NGUYỄN VĂN KHANG cho biết: “Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Ngày hội Văn hóa - thể thao các DTTS trở thành hoạt động thường niên, định kỳ 2 năm/lần. Đồng thời, gắn công tác bảo tồn, phát huy với phát triển du lịch văn hóa DTTS, giải quyết việc làm trong đồng bào trên địa bàn tỉnh”.
Phát huy hiệu quả ý nghĩa ngày hội
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang, việc hơn 900 vận động viên, nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia ngày hội cho thấy đồng bào rất quan tâm đến ngày hội và hưởng ứng tích cực. Ngày hội góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của việc gìn giữ bản sắc văn hóa vùng đồng bào DTTS đối với sự nghiệp phát triển của đất nước, của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, để văn hóa, thể thao trong vùng đồng bào DTTS phát huy và lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng các dân tộc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang đề nghị các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động ở cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS tham gia sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần. Qua đó, bồi dưỡng những tài năng trẻ trong đồng bào DTTS, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Ngày hội khép lại trong niềm lưu luyến, lắng đọng nhiều cảm xúc. Nhiều nét đẹp trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, ẩm thực, bản sắc của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được gìn giữ. Việc tổ chức thành công ngày hội không chỉ góp phần gìn giữ những sắc màu văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS mà thông qua đó, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của bà con đã được
đánh thức.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin