Tiền công đức là một trong những nguồn tài chính quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng tiền công đức tại nhiều di tích trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc.
Thùng công đức được Ban Trị sự Di tích Miếu Tổ Sư (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) đặt trước chánh điện. Ảnh: L.Na |
Ngành văn hóa đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, nắm bắt các kiến nghị, đề xuất về sử dụng tiền công đức tại các di tích nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở.
Nơi làm tốt, nơi chưa rõ ràng
Miếu Tổ sư (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) là một trong những di tích làm tốt công tác quản lý, sử dụng tiền công đức. Trước cổng vào chánh điện miếu Tổ sư, ban quản lý di tích đã đặt thùng công đức; đồng thời, lập một bảng biểu, ghi rõ họ tên, số tiền mạnh thường quân ủng hộ làm cổng chào di tích để các tầng lớp nhân dân cùng nắm thông tin.
Trưởng ban Trị sự Di tích miếu Tổ sư Trương Lâm Thủy cho biết, tất cả số tiền công đức, tiền ủng hộ của mạnh thường quân đều được công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích và có sự giám sát của cộng đồng. Phần lớn số tiền thu được chủ yếu dùng để tu bổ, tôn tạo các hạng mục khi di tích xuống cấp. Mới đây nhất là trùng tu cổng tam quan của di tích.
Tương tự, tại Di tích đình Tân Lân (phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa), tiền công đức được ban quý tế đình quản lý chặt chẽ, nghiêm túc, theo đúng quy định.
Trưởng ban Quý tế Di tích đình Tân Lân Lâm Văn Lang chia sẻ: “Số tiền công đức của bá tánh đóng góp được sử dụng vào việc đèn nhang hàng tháng, vào các dịp lễ, Tết. Đồng thời, số tiền công đức này còn được sử dụng để tu sửa một số hạng mục đã xuống cấp trong điều kiện cho phép, phù hợp với các quy định của Luật Di sản văn hóa”.
Bên cạnh các di tích quản lý và sử dụng hiệu quả tiền công đức, tại một số di tích vấn đề này vẫn còn nhiều lấn cấn. Trong đó, đình Định Quán đã có đơn kiến nghị gửi các đơn vị liên quan về vấn đề quản lý tiền công đức. Ban Quý tế đình Định Quán đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục để mở tài khoản gửi tiền vào kho bạc hoặc ngân hàng, chủ tài khoản là người đại diện hoặc người được ủy quyền thuộc Ban Quý tế đình Định Quán với sự tham gia của cán bộ có chức năng, nhằm tạo điều kiện chủ động cho các hoạt động tín ngưỡng xã hội.
Mới đây nhất, một kiểm soát viên Di tích đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) đã có đơn kiến nghị gửi Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TTDL), UBND thành phố Biên Hòa và UBND phường Bình Đa về việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại di tích.
Kiểm soát viên này kiến nghị các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra lại tài chính quỹ của đền thờ gồm tiền công đức và tiền thu gửi xe tại đền thờ; đồng thời, đề nghị kiểm tra lại quy trình đại hội bầu Ban Quản lý đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương nhiệm kỳ 2024 -2029 đúng hay chưa, gồm tờ trình nhân sự, tổ kiểm phiếu và kết quả phân công.
Thông tư số 04-2023/TT-BTC ngày 19-1-2023 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội; tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được xem là hành lang pháp lý để các di tích thực hiện cũng như có chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn
Theo Quyết định số 13-2023/QĐ-UBND ngày 6-4-2023 của UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Di tích đền thờ Quốc tổ Hùng Vương và đình Định Quán được phân cấp cho UBND thành phố Biên Hòa, huyện Định Quán quản lý.
Theo Sở VH-TTDL, ngày 7-11-2023, sở đã ban hành văn bản số 3413/SVHTTDL-VH gửi UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan đề nghị các đơn vị triển khai Thông tư số 04-2023/TT-BTC ngày
19-1-2023 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội; tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến ban quản lý, ban trị sự các di tích trên địa bàn tỉnh.
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho hay, việc quản lý nguồn thu tiền công đức hiện đã có Thông tư số 04-2023/TT-BTC. Thông tư là cơ sở để các di tích công khai, minh bạch các nguồn thu và nguồn chi. Sau thời gian thực hiện thông tư trên địa bàn tỉnh, ở một số di tích còn có sự “lăn tăn”, tâm tư.
Với những kiến nghị của các di tích, Sở VH-TTDL đã có văn bản gửi UBND thành phố Biên Hòa, huyện Định Quán. Trong đó, sở đề nghị UBND thành phố Biên Hòa, huyện Định Quán phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ các nội dung đã được phản ánh, trả lời theo thẩm quyền; đồng thời, gửi kết quả xử lý về sở theo quy định.
“Đồng Nai hiện có 71 di tích xếp hạng và hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông. Tuy nhiên, các di tích trên địa bàn tỉnh nguồn thu không nhiều, chủ yếu phục vụ các nghi lễ và hoạt động của di tích” - ông Ân nói.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin