Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo quản, phục chế tài liệu lưu trữ

Ly Na
09:00, 13/07/2024

Cùng với lưu trữ nhiều tài liệu quý phục vụ người dân và du khách tìm hiểu về văn hóa, lịch sử…, thời gian qua, Thư viện Đồng Nai đã đẩy mạnh phục chế, hồi sinh nhiều đầu sách trước năm 1975.

Tài liệu trong Kho Hạn chế của Thư viện Đồng Nai được phục chế, bảo quản. Ảnh: L.Na
Tài liệu trong Kho Hạn chế của Thư viện Đồng Nai được phục chế, bảo quản. Ảnh: L.Na

Bên cạnh bảo quản, phục chế sách, hệ thống thư viện, bảo tàng đã ứng dụng công nghệ, số hóa sách và các tài liệu lịch sử, hồ sơ di tích xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

“Hồi sinh” nhiều sách quý trước năm 1975

Thư viện Đồng Nai đang lưu trữ hơn 474 ngàn bản sách, 430 tên báo, tạp chí và hơn 2 ngàn đĩa các loại. Với số lượng sách, báo khá lớn này, thư viện không chỉ phục vụ nhu cầu đọc sách, nghiên cứu của người dân, mà còn phục vụ công tác lưu trữ tài liệu qua các thời kỳ. Tuy nhiên, nhiều tài liệu xuất bản trước năm 1975 đã cũ, bị mối mọt và hư hỏng, đã và đang được thư viện phục chế, bảo quản.

Theo Phó giám đốc Thư viện Đồng Nai Hoàng Thị Hồng, hiện thư viện có hơn 4 ngàn tài liệu (gần 3,6 ngàn bản sách, hơn 500 bản báo, tạp chí) xuất bản trước năm 1975, phần lớn là sách văn học và một số sách có giá trị khoa học, lịch sử, địa chí, ngoại văn. Những tài liệu quý này đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng như: ố vàng, chữ phai màu, gấp nếp, rách, mất bìa, mất trang…

“Thời gian qua, thư viện đã tổ chức khảo sát, phân loại, thống kê các tài liệu xuống cấp, xây dựng kế hoạch phục chế, bảo quản; đồng thời, xây dựng Đề án Thanh lọc tài nguyên thông tin. Qua đó, “hồi sinh” nhiều sách quý, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để bạn đọc tiếp cận và khai thác tài nguyên thông tin của thư viện” - bà Hồng cho hay.

Tham gia vào bảo quản, phục chế sách cũ, chị Đào Thanh, chuyên viên Thư viện Đồng Nai cho biết, khó nhất trong xử lý tài liệu trước năm 1975 đó là sách ngoại văn. Nhiều sách được viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha… bị hư hỏng, mối mọt, cán bộ thư viện phải cố gắng đọc, dịch, tìm kiếm thông tin trên internet để hiểu rõ nội dung sách. Từ đó phân loại, biên mục, định chủ đề, đặt từ khóa một cách chính xác nhất.

Với những sách bị tách làm nhiều phần, hoặc mất một phần trang sách, cán bộ thư viện sẽ đóng thành nhiều số đăng ký cá biệt. Với những trường hợp nhiều tên sách, của nhiều tác giả được đóng thành một cuốn, cán bộ thư viện sẽ xem đó là một cuốn sách, phân loại vào chủ đề chung, nhập chung vào một biểu ghi và chú thích từng tên của từng tác giả. Cách làm này giúp quản lý, tổ chức kho thuận lợi hơn, bạn đọc dễ dàng tìm được tài liệu theo đúng nhu cầu.

Cũng theo Thư viện Đồng Nai, rất ít bạn đọc quan tâm, khai thác sử dụng những tài liệu xuất bản trước năm 1975. Bởi vậy, sau khi phục chế, thư viện sẽ bảo quản, xử lý các bước như: nhập cơ sở dữ liệu, đóng dấu, đóng số đăng ký cá biệt, dán mã mạch, phân phối tài liệu, dán nhãn… Các tài liệu này sẽ được xếp vào Phòng Tài liệu hạn chế, phục vụ bạn đọc khi có yêu cầu.

Trong tháng 6-2024, Thư viện Đồng Nai phục vụ gần 20 ngàn lượt bạn đọc trong và ngoài thư viện; đồng thời, tổ chức luân chuyển sách, báo đến 2 điểm: Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh và Trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương với số lượng hơn 2,2 ngàn bản. Riêng Bảo tàng Đồng Nai đón 4,9 ngàn lượt khách đến tham quan.

Ứng dựng công nghệ lưu trữ tư liệu lịch sử

Để lưu trữ sách địa chí và các tài liệu văn hóa, lịch sử, Thư viện Đồng Nai đã nỗ lực ứng dụng công nghệ số. Hiện nguồn tài nguyên số của thư viện có hơn 16 ngàn bản (gồm 4.597 tài liệu, tạp chí, bản đồ số hóa và 12 ngàn ebook). Thư viện các huyện, thành phố sở hữu hơn 6,3 ngàn tài liệu số hóa các loại.

Theo Phó giám đốc Thư viện Đồng Nai Hoàng Thị Hồng, những năm qua, thư viện đã triển khai các dịch vụ trên nền tảng số như: tra cứu thư mục trực tuyến, đọc trực tuyến, quét mã QR đọc sách, xem video giới thiệu sách và các bộ sưu tập hình ảnh chuyên đề... Đặc biệt, thư viện đã trao tặng nhiều mã QR tài liệu địa chí, giúp bạn đọc tiếp cận nhanh chóng với nguồn tài nguyên của thư viện.

Các sách, tạp chí trước năm 1975 được Thư viện Đồng Nai bảo quản, phục chế.

Cùng với thư viện, Bảo tàng Đồng Nai cũng đẩy mạnh số hóa hiện vật, thông tin hiện vật và các di tích đã xếp hạng vào phần mềm quản lý thông tin do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cung cấp. Từ đầu năm đến nay, bảo tàng số hóa 2D 5 cuốn sách tư liệu, 31 hồ sơ di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt; thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh; thực hiện triển lãm ảo chuyên đề Bảo vật quốc gia ở Đồng Nai, Đa dạng sinh học và văn hóa bản địa Vườn quốc gia Cát Tiên.

Trên nền tảng công nghệ số, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đã và đang được tiếp cận nhiều tài liệu, hiện vật, phòng trưng bày mà Bảo tàng Đồng Nai đã giới thiệu thông qua website của đơn vị. Trong đó có các bảo vật quốc gia đã được số hóa 3D; tham quan phòng chuyên đề của bảo tàng bằng hình ảnh 3D và nhiều tour tham quan thực tế ảo như: Di tích Văn miếu Trấn Biên, Mộ cự thạch Hàng Gòn… Các phim tư liệu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cũng được giới thiệu qua website và mạng xã hội, quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất và người Đồng Nai.       

Ly Na

Tin xem nhiều