Ngày 21-9, hội thảo Vài nét đặc trưng văn hóa nghệ thuật Đông Nam bộ đã diễn ra tại Tây Ninh. Đây là dịp nhìn nhận lại bức tranh toàn thể và gợi mở hướng đi mới cho đời sống sáng tạo văn hóa nghệ thuật, trong đó có văn học cho vùng đất đặc biệt này…
Lễ ra mắt Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng Nai, tháng 10-2022. Ảnh: P.HOÀNG |
So với lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước của dân tộc, Nam bộ là vùng đất mới. Từ tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất vào kinh lược xứ Đồng Nai và đi thuyền ngược sông đến cù lao Phố mở mang, tạo lập, ổn định dần cả vùng Đông Nam bộ trấn biên đất phương Nam.
* Từ trong di sản phong phú của những tài năng
Không có bề dày văn hóa như Bắc bộ và Trung bộ nhưng từ thuở cha ông khẩn hoang mở cõi, Nam bộ nói chung và Đông Nam bộ nói riêng cũng đã sản sinh và gắn bó nhiều nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như: "Gia Định xử sĩ Sùng Đức" Võ Trường Toản, “Gia Định tam gia” Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức, rồi những Nguyễn Thông, Phan Thanh Giản, Nguyễn Hữu Huân, Bùi Hữu Nghĩa… Mỗi người có hoạn lộ, sự nghiệp khác nhau nhưng đều có những tác phẩm thể hiện lòng yêu nước, thương dân.
Nối tiếp truyền thống các bậc tiền bối hàng trăm năm trước, văn học Đông Nam bộ hiện đại đã xuất hiện nhiều tên tuổi đáng trân trọng từ giữa thế kỷ XX. Họ đã kế thừa, phát huy một cách tốt đẹp di sản và tinh thần sáng tạo nhân văn của cha ông.
Đầu tiên là Đồng Nai - Bình Dương gắn liền với Chiến khu Đ, hiện lên hình ảnh hào hùng và lãng mạn của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, tác giả 2 câu thơ bất hủ “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” và nhiều bài thơ vang vọng rừng xanh. Chín năm chống Pháp, thời Huỳnh Văn Nghệ là Chi đội trưởng Chi đội 10 thì Bùi Cát Vũ là Giám đốc Binh công xưởng cùng phối hợp chỉ huy trận giao thông chiến La Ngà thắng lợi vang dội, về sau Bùi Cát Vũ trở thành vị tướng và là nhà văn có nhiều tác phẩm nóng bỏng chiến trường.
Nhân loại đã bước vào thời đại 4.0. Đất nước ta cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngoài trải nghiệm sống thực tế, văn nghệ sĩ cần nắm bắt công nghệ thông tin và biến nó thành phương tiện hữu hiệu để trau dồi kiến thức, dung nạp năng lượng sáng tạo, quảng bá tác phẩm. Chỉ có như vậy văn học nghệ thuật Đông Nam bộ mới thực sự đổi mới, hội nhập và hướng tới những tầm cao giá trị mới. |
Cũng từ đất Đồng Nai đã xuất hiện hai tên tuổi lẫy lừng Lý Văn Sâm và Bình Nguyên Lộc. Tác giả Kòn Trô - Lý Văn Sâm là cây bút tiêu biểu về truyện đường rừng và mang tinh thần yêu nước, phản kháng mạnh mẽ, đặc biệt là với những tác phẩm Sương gió biên thùy, Chuông rung trên tháp cổ.
Trong khi đó, Bình Nguyên Lộc là nhà văn, nhà nghiên cứu, tác giả tiểu thuyết Đò dọc vượt thời gian cùng hơn 50 tác phẩm các thể loại đã làm nên gương mặt văn chương yêu nước sáng giá hàng đầu miền Nam. Bên cạnh 2 bậc đàn anh thì Đồng Nai tiếp sau nổi lên nhà văn Hoàng Văn Bổn, một cây bút văn xuôi giàu nội lực, với hơn 30 tác phẩm đã xuất bản, tiêu biểu như: Trên mảnh đất này, Bên kia sông, Lũ chúng tôi, Tướng Lâm Kỳ Đạt…
Ngược lên Tây Ninh, vùng đất biên cương cũng sản sinh một số tác giả ghi dấu ấn trên văn đàn. Đầu tiên phải kể đến nhà văn Vân An đầy nhiệt huyết, tác giả tiểu thuyết tình báo 2747 và nhiều tập truyện giá trị viết về chiến tranh, thể hiện hình ảnh đẹp của người nông dân yêu nước, kiên cường, quật khởi bám đất bám làng và cả tình cảm hòa quyện thắm thiết của người Việt với người Khmer anh em.
Tiếp đến là Thẩm Thệ Hà, một thầy giáo yêu nước, một cây bút đa năng, tác giả nhiều tập thơ, truyện, chính luận, văn học dịch và biên soạn sách giáo khoa, với một sức làm việc đáng nể, để lại tài sản văn học phong phú.
Xuôi về miền biển Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện lên một số gương mặt văn chương mà nổi bật là Tô Nguyệt Đình và Kiều Thanh Quế. Nhà văn Tô Nguyệt Đình tên thật Nguyễn Bảo Hóa đồng thời cũng là một bút danh quen thuộc khác, đã cùng với Trần Hữu Trang, Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa, Sơn Nam... trực tiếp tham gia đấu tranh trên các lĩnh vực báo chí truyền thông, văn hóa văn nghệ tại Sài Gòn khi đất nước bị chia cắt sau năm 1954. Ông cũng là tác giả nhiều tiểu thuyết, tập truyện ngắn, biên khảo thể hiện tình yêu nước nồng nàn.
Trong khi đó, Kiều Thanh Quế vừa viết văn xuôi, vừa phê bình văn học, dù hy sinh khi mới 34 tuổi nhưng kịp để lại một gia tài văn học đáng nể của một tài năng, đặc biệt các tác phẩm: Phê bình văn học (1942), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (1943), Ðàn bà và nhà văn (1943)… của ông mang tính cập nhật, khái quát có hệ thống về một giai đoạn văn học, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề mang tính lý luận phê bình cho tương lai.
* Những bước phát triển hướng tới tầm cao mới
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, cùng với sự thay đổi của toàn xã hội, văn học miền Đông Nam bộ cũng từng bước đổi mới và phát triển. Bên cạnh những nhà văn trưởng thành từ kháng chiến như: Lý Văn Sâm, Tô Nguyệt Đình, Vân An, Hoàng Văn Bổn, Cảnh Trà, Thanh Việt Thanh… tiếp tục sáng tác thì một đội ngũ các cây bút mới cũng dần hình thành và phát triển theo từng giai đoạn khác nhau trong gần nửa thế kỷ qua.
Nếu tính giai đoạn từ năm 1975-2000, văn học Đông Nam bộ có thể kể đến sự xuất hiện của những tác giả như: Nguyễn Đức Thiện, Trần Hoàng Vy, La Ngạc Thụy, Nguyễn Quốc Việt, Phan Kỷ Sửu, Bửu Khánh Hồ, Vũ Thiện Khái, Nhất Phượng, Trương Gia Hòa… ở Tây Ninh; Trần Đức Tiến, Lê Huy Mậu, Hoàng Quý, Tùng Bách… ở Bà Rịa - Vũng Tàu; Cát Du ở Bình Dương và mạnh nhất là Đồng Nai: Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Phạm Thanh Quang, Đàm Chu Văn, Bùi Quang Huy, Thu Trân, Trần Thúc Hà, Hoài Tố Hạnh, Lê Thanh Xuân, Lê Đăng Kháng, Bùi Quang Tú, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Một, Đỗ Minh Dương, Bùi Công Thuấn, Dương Đức Khánh, Nguyễn Trí, Hoàng Ngọc Điệp, Nguyễn Hoài Nhơn, Đặng Minh Hân, Đào Sỹ Quang, Hoàng Đình Nguyễn... Hầu hết các tác giả có trên mười đến vài chục đầu sách đã xuất bản, được trao nhiều giải thưởng văn học từ địa phương tới trung ương.
Bên cạnh đó, có những cây bút xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XX và khẳng định mình ở đầu thế kỷ XXI như: Trần Thu Hằng, Nguyễn Đức Phước, Hạnh Vân ở Đồng Nai; Trần Nhã My, Đào Phạm Thùy Trang ở Tây Ninh; Lê Minh Vũ, Lưu Thành Tựu ở Bình Dương; Biên Linh, Nguyễn Duy Hiến ở Bình Phước; Vũ Thanh Hoa, Châu Hoài Thanh, Bùi Đế Yên ở Bà Rịa - Vũng Tàu…
Tác phẩm của các tác giả miền Đông Nam bộ thể hiện đều khắp các lĩnh vực: thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và dịch thuật. Tuy nhiên, như mặt bằng chung cả nước, các nhà thơ bao giờ cũng đông đảo hơn cả, kế đến là văn xuôi. Có nhà thơ cũng đồng thời viết văn và ngược lại. Nhưng sở trường bao giờ cũng giúp tác giả đạt thành công hơn.
Ngoài tài năng và nỗ lực sáng tạo cá nhân thì sự hỗ trợ của địa phương thông qua vai trò của các hội văn học nghệ thuật là bệ phóng quan trọng. Tất cả các tỉnh miền Đông Nam bộ đã sớm thành lập hội văn học nghệ thuật, mà tiên phong là Đồng Nai với vai trò và dấu ấn cá nhân của nhà văn “đầu đàn” Lý Văn Sâm đặt nền móng phát triển vững chắc.
Hiện nay, các hội văn học nghệ thuật Đông Nam bộ đều có tạp chí văn nghệ làm diễn đàn để công bố tác phẩm thường xuyên của hội viên. Đồng thời, các hội còn có giải thưởng văn học thường niên hoặc 5 năm do UBND tỉnh tổ chức, bên cạnh là các cuộc thi thơ, truyện, ký trong phạm vi của một tỉnh hay liên kết cả vùng, trở thành nguồn động viên, khuyến khích đầy ý nghĩa cho người sáng tác và phát hiện, tìm nguồn bồi dưỡng các cây bút mới. Nhờ đó, các cây bút dần xác lập giá trị, khẳng định mình qua các tác phẩm được xuất bản và trở thành những tác giả xứng đáng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Phan Hoàng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin