Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch Đồng Nai qua những trang thơ

Hải Yến
09:01, 05/09/2023

Với mong muốn quảng bá du lịch Đồng Nai, 2 học sinh Nguyễn Trần Huyền Trang và Đỗ Thị Dương Diễm (Trường THCS Phú Bình, H.Tân Phú) đã sáng tác thơ lục bát, thiết kế video, tranh ảnh… về các địa danh và món ăn nổi tiếng của Đồng Nai để giới thiệu đến mọi người.

2 học sinh Nguyễn Trần Huyền Trang và Đỗ Thị Dương Diễm cùng giáo viên hướng dẫn (từ trái qua) khi tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp huyện. Ảnh: NVCC

Những địa danh như: Văn miếu Trấn Biên, Bửu Long, núi Chứa Chan, đá Ba Chồng, rừng Nam Cát Tiên, hồ Trị An, Suối Mơ, hồ Đa Tôn… đều được lựa chọn để sáng tác thơ. Đây có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo cho giáo viên, học sinh trong nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

* Những vần thơ lục bát về Đồng Nai

Xuất phát từ việc mong muốn được truyền cảm hứng sáng tác thơ đến với mọi người và phát triển thể thơ truyền thống của dân tộc, Dương Diễm và Huyền Trang đã bắt tay vào thực hiện dự án Du lịch Đồng Nai qua những trang thơ. Dưới sự hướng dẫn của cô Trần Thị Vân, giáo viên bộ môn Ngữ văn, nhóm đã chọn 15 điểm du lịch và một số đặc sản trái cây trong tỉnh để sáng tác những câu thơ lục bát. Mỗi điểm du lịch, đặc sản sáng tác khoảng 5-10 cặp lục bát.

Để nêu bật được những đặc trưng của các địa danh, đặc sản, các em phải đi thực tế hoặc đọc/xem tài liệu tham khảo nhằm tìm ra điểm nổi bật của những nơi, những món ăn mình sẽ quảng bá. Bằng cách đó, khi đọc thơ, người đọc có thể hình dung được rõ nét những cảnh sắc, hương vị riêng có của Đồng Nai.

Giáo viên và học sinh có thể dùng tài liệu trong dự án Du lịch Đồng Nai qua những trang thơ để làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

Đỗ Thị Dương Diễm cho hay: “Trước hết, các tài liệu thơ chúng em sáng tác nhằm mục đích phục vụ cho việc học tập, qua đó cũng nhằm quảng bá được những điểm du lịch nổi tiếng, đặc sản và ẩm thực của các địa phương trong tỉnh”.

Không dừng lại ở việc sáng tác thơ, Dương Diễm và Huyền Trang còn chọn hình ảnh có thể minh họa được cho lời thơ để vẽ các tranh, ảnh kèm theo. Việc thiết kế được thực hiện trên phần mềm Canva.

“Qua những lời thơ lục bát kèm hình ảnh, video sinh động, chúng em hy vọng Đồng Nai sẽ để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Đồng Nai sẽ thu hút được sự say mê khám phá trải nghiệm của du khách trên khắp thế giới” - Huyền Trang chia sẻ.

* Đa dạng sản phẩm để quảng bá du lịch

Nhận xét về 2 học trò của mình, cô Trần Thị Vân cho biết: “Cả Huyền Trang và Dương Diễm đều là những học sinh giỏi toàn diện, các em không chỉ giỏi văn mà còn có năng khiếu vẽ và tham gia sinh hoạt trong CLB Mỹ thuật của trường. Các em cũng rất nhạy bén, nhờ đó khi bàn bạc ý tưởng, các em nắm bắt nhanh và thực hiện một cách sáng tạo”.

Ngoài làm thơ lục bát, nhóm còn thiết kế video, làm lịch tái chế có hình vẽ các địa danh minh họa cho các câu thơ sáng tác, thiết kế mẫu túi, áo, thiết kế sổ ghi chép quảng bá du lịch Đồng Nai qua thơ. Nhóm cũng làm một cuốn tài liệu giới thiệu cảnh đẹp và đặc sản của H.Tân Phú. Các sản phẩm: áo, sổ, túi, lịch, tranh vẽ từ giấy tái chế… có thể dùng làm quà tặng, bán để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch qua thơ với mọi người.

Lịch để bàn do nhóm tự vẽ cảnh đẹp của Đồng Nai và lời thơ lục bát do nhóm sáng tác
Lịch để bàn do nhóm tự vẽ cảnh đẹp của Đồng Nai và lời thơ lục bát do nhóm sáng tác

Để dự án được lan tỏa tốt hơn, nhóm đã tạo fanpage Du lịch Đồng Nai qua những trang thơ. Trên fanpage này, nhóm đăng tải các câu thơ lục bát về Đồng Nai, các video, lịch, túi, tranh vẽ…; đồng thời, quảng bá sản phẩm trên các trang: YouTube, Zalo...

Đối với 2 cô học trò nhỏ này, việc thực hiện dự án cũng là một cách để các em rèn luyện khả năng sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê nghề nghiệp của mình trong tương lai. Những câu thơ lục bát có phần còn vụng về, chưa thật đặc sắc nhưng đã thể hiện được tình yêu của các em đối với bộ môn Văn học trong nhà trường. Cùng với đó, việc vẽ tranh, làm video, thiết kế các sản phẩm lưu niệm cho dự án đã thể hiện rõ năng khiếu thẩm mỹ, sự năng động, sáng tạo của các em trong thời buổi bùng nổ của công nghệ.

Dương Diễm bày tỏ: “Việc tham gia CLB Mỹ thuật của trường giúp em học hỏi, trau dồi kỹ năng hội họa cũng như rèn luyện tính kiên nhẫn, sáng tạo. Nhờ vậy, em có thể áp dụng những kiến thức, kỹ năng của bộ môn này vào dự án. Tuy có niềm đam mê với thơ văn nhưng trong tương lai, định hướng của em sẽ thiên về những lĩnh vực liên quan đến mỹ thuật”.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích