Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều đổi mới trong điều trị HIV

10:05, 18/05/2016

Chương trình điều trị HIV ngày càng có nhiều đổi mới theo hướng thuận tiện hơn, giúp cho người bệnh có điều kiện tham gia điều trị liên tục, cải thiện sức khỏe, giảm lây lan trong cộng đồng.

Chương trình điều trị HIV ngày càng có nhiều đổi mới theo hướng thuận tiện hơn, giúp cho người bệnh có điều kiện tham gia điều trị liên tục, cải thiện sức khỏe, giảm lây lan trong cộng đồng.

Bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV tại Trung tâm phòng chống HVV/AIDS Đồng Nai.  Ảnh: HOÀN LÊ
Bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV tại Trung tâm phòng chống HVV/AIDS Đồng Nai. Ảnh: HOÀN LÊ

Nếu như trước đây việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện ở tuần thứ 21, sau đó giảm xuống còn 18 rồi tuần 14 của thai kỳ, thì hiện nay việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện ngay khi phụ nữ mang thai có kết quả dương tính với HIV, không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng, tế bào CD4 và các giai đoạn của thai kỳ.

* Hiệu quả từ đổi mới

Chính vì được tham gia chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ nên chị T.L. (TP.Biên Hòa) bị nhiễm HIV đã may mắn sinh con không bị nhiễm HIV. Chị L. tâm sự, khi đi khám thai chị biết mình bị nhiễm HIV. Lúc đó, chị chỉ muốn chết vì cú sốc này quá sức chịu đựng của chị. Nhưng nghĩ đến con, chị đã nghe theo lời bác sĩ tham gia điều trị kháng retrovirus (gọi tắt là ARV) ngay từ sớm nên con chị đã may mắn không bị nhiễm HIV. Bản thân chị sức khỏe cũng ổn định nên vẫn có thể làm việc để nuôi con. Chính nhờ điều trị ARV kịp thời đã giúp chị có sức khỏe để có thể bước tiếp dù biết trước con đường phía trước vẫn còn lắm chông gai.

Một trong những điểm mới trong điều trị ARV là vừa qua tỉnh cũng đã triển khai phương pháp điều trị 3 trong 1 (gồm: điều trị ARV, Methadone, lao). Việc kết hợp các loại thuốc điều trị chỉ bằng một viên duy nhất đã giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn. Anh H.D. ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) chia sẻ trước đây khi chưa có chương trình điều trị 3 trong 1, đối với anh uống thuốc là cả một cực hình. Việc tuân thủ điều trị đã khó, nhưng việc kết hợp nhiều loại thuốc lại phải uống đúng giờ quy định đối với anh là rất khó khăn. Nhờ triển khai chương trình 3 trong 1, số lượng thuốc uống ít đi nên anh uống thuốc đều đặn, đáp ứng thuốc tốt, sức khỏe được cải thiện rõ.

Mặc dù số người nhiễm mới hàng năm đã giảm, tuy nhiên số lượng người nhiễm HIV lũy tích vẫn không ngừng gia tăng. Để tất cả những người nhiễm HIV có thể tham gia điều trị ARV, tỉnh cũng đã triển khai cấp phát thuốc ARV tại tuyến xã, phường. Theo đó, các xã, phường có từ 10 bệnh nhân đang điều trị ARV tại các phòng khám được triển khai một điểm cấp phát thuốc tại trạm y tế. Qua đó giúp bệnh nhân hạn chế được việc đi lại, giảm tải cho các phòng khám và điều trị ngoại trú, giúp cho những bệnh nhân ở xa trung tâm vẫn được tiếp cận điều trị.

* Vẫn còn nhiều khó khăn

Kể từ khi phòng khám và điều trị ngoại trú HIV/AIDS đầu tiên được thành lập tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã điều trị cho 2,2 ngàn người nhiễm HIV, trong đó có đến 47% số người nhiễm HIV được điều trị ARV đáp ứng thuốc. Nhờ chương trình điều trị ARV, nhiều bệnh nhân đã phục hồi được hệ thống miễn dịch, tìm lại được sức khỏe có công ăn việc làm ổn định, có gia đình và sinh con không bị nhiễm HIV.

Số người nhiễm mới HIV giảm

Theo số liệu từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, từ đầu năm 2016 đến nay toàn tỉnh đã phát hiện 75 người nhiễm HIV mới, 17 người đã chuyển qua giai đoạn AIDS và 6 người đã tử vong do AIDS. So với cùng kỳ năm 2015, số người nhiễm HIV mới giảm 8 ca, số bệnh nhân chuyển sang AIDS giảm 1 ca và số người tử vong tăng 2 ca. Trong số nhiễm mới, nam giới chiếm 76% (57 người), nữ giới chiếm 24% (18 người); tỷ lệ nhiễm HIV năm 2016 được phát hiện lây truyền qua đường tình dục cao nhất: 37,3%; tiếp đến là số người nhiễm HIV lây truyền qua đường máu: chiếm 36%, và thấp nhất là đường lây truyền mẹ con, chỉ có 2,9%. Tỷ lệ người nhiễm HIV là người nghiện chích ma túy vẫn chiếm 34,7%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (40,2%).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình điều trị tại Đồng Nai vẫn một số  khó khăn, như: thiếu kinh phí mua test xét nghiệm cho phụ nữ mang thai (Luật Phòng chống HIV/AIDS quy định phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV được miễn phí). Nhiều phụ nữ mang thai chưa có thói quen khám thai định kỳ nên việc phát hiện HIV ở phụ nữ mang thai đa số ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Một số cơ sở y tế chưa thực sự quan tâm đến chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo bác sĩ Bùi Ngọc Khương, Trưởng khoa quản lý, điều trị thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, việc kỳ thị phân biệt đối xử cũng khiến cho người nhiễm HIV không dám bộc lộ tên tuổi để tham gia điều trị ARV. Bên cạnh đó, việc đi lại khó khăn do đường sá cách trở, nguồn thông tin đại chúng chưa nhiều cũng làm cho người nhiễm ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa được điều trị hoặc được điều trị ở giai đoạn muộn. Đặc biệt là việc cắt giảm nguồn thuốc, kinh phí cũng sẽ là những thách thức trong thời gian tới, cũng như mục tiêu đến năm 2020 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV

Hoàn Lê

 

 

 

Tin xem nhiều