Từ ngày 21-11 đến 25-12, Bảo tàng TP.HCM tổ chức triển lãm Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23-11-1922 - 23-11-2022).
Từ ngày 21-11 đến 25-12, Bảo tàng TP.HCM tổ chức triển lãm Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23-11-1922 - 23-11-2022).
Hơn 200 hình ảnh, tư liệu giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với Đảng, cách mạng Việt Nam, đồng bào, đồng chí và nhân dân, đã góp phần giúp người xem hiểu rõ và trân quý hơn chân dung và những đóng góp của một nhà lãnh đạo suốt đời vì nước vì dân, người con ưu tú của Nam bộ thành đồng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh: Sáu Dân, Chín Dũng, Chín Hòa… Ông sinh ngày 23-11-1922 tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, H.Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn thường xuyên học tập, rèn luyện, nghiên cứu và thực hành tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Đối với đồng chí Võ Văn Kiệt: “Chức vụ là phương tiện. Nhưng vượt quá với khả năng thì không nên nhận - phương tiện cần người biết sử dụng phương tiện đó.
“Yêu nước không là độc quyền của riêng ai. Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam, mọi người Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho đất nước…” - Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
Chính đó là sự đánh giá đúng mình, như người lực sĩ cử tạ... Đó là sự lựa chọn trách nhiệm”. Lời phát biểu vào năm 1982 - khi ấy đồng chí Võ Văn Kiệt là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường cách mạng gian khổ, khó khăn song rất đỗi vẻ vang, tự hào của dân tộc. Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt được giao nhiều trọng trách khác nhau, trong đó ông đảm nhiệm trọng trách Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 1991-1997. Dù ở cương vị nào, ông cũng không nề hà khó khăn, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, bám sát thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ tư từ trái qua), nguyên Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (thứ năm từ trái qua), nhà sử học Dương Trung Quốc (thứ hai từ trái qua) cùng các đại biểu tham quan triển lãm |
Ông được ghi nhận và đánh giá là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, là “Tổng công trình sư” của nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới. Dấu ấn của ông gắn với những công trình ích nước, lợi dân, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước như: đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án đường Hồ Chí Minh…
Nhà lãnh đạo có sức cảm hóa và thu phục nhân tâm
Phát biểu khai mạc triển lãm, Giám đốc Bảo tàng TP.HCM Phạm Dương Mỹ Thu Huyền nhấn mạnh: “Là tấm gương tiêu biểu về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính chí công vô tư, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo có sức hút mạnh mẽ bởi tính cách cởi mở và chân thành, hòa đồng từ dáng vẻ, cử chỉ, lời nói đến cách giao tiếp.
Đồng chí Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam năm 1994 |
Trái tim nhân hậu của đồng chí mở ra với mọi người chân thành, không xa cách, mà gần gũi…”. Vậy nên, nhớ đồng chí Võ Văn Kiệt là nhớ đến một nhân cách lớn mà rất đỗi bình dị, thân thương. Ông luôn quý trọng mọi tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền, ở các dân tộc, tôn giáo khác nhau, ở mọi thành phần, người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Ông được đánh giá là nhà lãnh đạo có sức cảm hóa và thu phục nhân tâm với tinh thần hòa hợp dân tộc vì sự phát triển của đất nước.
“Hình ảnh của chú Sáu Dân, bác Sáu Dân, ông Sáu Dân, với râu tóc bạc phơ và nụ cười hồn hậu luôn xông xáo và trăn trở lo cho dân cho nước luôn còn mãi trong tâm trí của mỗi người” - Giám đốc Bảo tàng TP.HCM PHẠM DƯƠNG MỸ THU HUYỀN chia sẻ. |
Vào tháng 7-1977, đến dự Đại hội Đoàn, khi ấy đồng chí Võ Văn Kiệt là Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã có lời phát biểu: “Không ai chọn cửa để sinh ra”. Câu nói mang lại niềm tin và sức mạnh tinh thần, mở ra một cánh cửa mới “không phân biệt đối xử cho con đường đi tới” cho một thế hệ trẻ vốn xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau.
Hay như tại buổi gặp gỡ kiều bào lần đầu tiên tại dinh Thống Nhất TP.HCM vào ngày 8 và 9-2-1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt nhấn mạnh: “Ý thức dân tộc và lòng yêu nước đoàn kết, tập hợp mọi người Việt Nam hướng vào mục tiêu đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể nhân dân, là thực hiện dân giàu, nước mạnh, tiến lên hiện đại trong một xã hội thực sự dân chủ, nhân ái, có văn hóa, có kỷ cương, xóa bỏ mọi áp bức và bất công, tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Mục tiêu đó kết hợp hài hòa mục đích của mỗi người với lợi ích chung của cả dân tộc. Yêu nước, đoàn kết, hòa hợp dân tộc là chung lòng, chung sức phấn đấu theo mục tiêu đó, vượt lên trên những khác biệt kể cả sự khác nhau về chính kiến”.
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay: Danh xưng bác Sáu Dân thể hiện rất rõ phẩm chất của cố Thủ tướng “Có lẽ chỉ khi nào trang trọng, thì người dân mới gọi tên Thủ tướng là Võ Văn Kiệt, còn khi nói những việc chứa đựng tình cảm, sự gần gũi, người dân thường dùng danh xưng bác Sáu Dân. Đây là cách đặt tên rất dân gian của người dân Nam bộ, thể hiện rất rõ phẩm chất của ông. Các nhà lãnh đạo, mỗi người có một hoàn cảnh, hoạt động, phong cách khác nhau, chúng ta không so sánh, nhưng có một điều chắc chắn, đối với ông Sáu Dân là rất gần gũi với dân. Khi ông nhận cái tên đó, ông cũng coi dân chính là yếu tố sống còn, là sứ mệnh của người làm cách mạng…”. |
Lâm Viên