Báo Đồng Nai điện tử
En

Những làng nghề ở vùng cao

08:06, 16/06/2023

Huyện Tân Phú lâu nay được biết đến là huyện vùng cao của Đồng Nai với Vườn quốc gia Cát Tiên nổi tiếng cả nước. Bên cạnh đó, H.Tân Phú còn có một số làng nghề như: làm trầm hương, đan chổi đót, dệt thổ cẩm tồn tại từ nhiều năm nay.

Huyện Tân Phú lâu nay được biết đến là huyện vùng cao của Đồng Nai với Vườn quốc gia Cát Tiên nổi tiếng cả nước. Bên cạnh đó, H.Tân Phú còn có một số làng nghề như: làm trầm hương, đan chổi đót, dệt thổ cẩm tồn tại từ nhiều năm nay.

Thợ đang thực hiện sủi trầm tại một cơ sở ở xã Phú Trung. Ảnh: N.Liên
Thợ đang thực hiện sủi trầm tại một cơ sở ở xã Phú Trung. Ảnh: N.Liên

Đây là những làng nghề đã mang lại cho người dân địa phương cuộc sống ổn định, là nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình; góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa riêng của huyện miền núi.

* Tạo việc làm ổn định cho người dân

Trong số những làng nghề đang hoạt động, làng nghề trầm hương tại xã Phú Trung được nhiều người biết đến, bởi ở đây không chỉ sản xuất trầm hương thành phẩm mà còn là nơi sản xuất cây giống để làm nguyên liệu tạo trầm. Với một quy trình khép kín, làng trầm hương đã tạo được việc làm cho người dân trong vùng, đặc biệt là tạo nên những tay thợ sủi trầm có chất lượng, tăng giá trị trầm cho cơ sở sản xuất.

Bà Trần Thị Ngọc, thợ sủi trầm tại một cơ sở ở xã Phú Trung cho biết, bà đã làm công việc sủi trầm được 15 năm, so với các công việc khác, sủi trầm là công việc nhẹ nhàng, đòi hỏi sự tỉ mỉ nên phù hợp với phụ nữ. Các công việc khác như: đục, đẽo, bổ trầm thường dành cho nam giới vì phải dùng sức nhiều hơn.

Bà Ngọc chia sẻ, cơ sở tạo trầm nơi bà làm việc có trên 20 nhân công có việc làm ổn định. Đây cũng là cơ hội làm thêm cho người dân vào những ngày nông nhàn, hoặc khi cơ sở tăng năng suất cần thêm lao động.

Cách làng trầm không xa, làng đan chổi đót tại các ấp: Phú Yên, Phú Thạch, Phú Thắng (xã Phú Trung) cũng đã tồn tại hàng chục năm nay, nuôi sống nhiều gia đình từ nghề đan chổi.

Ông Trần Quốc Dũng, chủ cơ sở làm chổi hơn 30 năm tại ấp Phú Thắng cho biết, cơ sở của ông hiện có 10 công lao động. Để hoàn thành 1 cây chổi phải qua 5 công đoạn: tước cây, cột, bó, ken (bện) và chặt chỉnh các sợi đót. Mỗi ngày, cơ sở của ông Dũng sản xuất được khoảng 400 cây chổi, tiêu thụ tại thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ. Do đã có thị trường tiêu thụ ổn định nên việc làm của bà con được duy trì. Chia sẻ về những thăng trầm của làng nghề chổi đót, ông Dũng cho biết, hiện làng nghề không còn nhiều hộ sản xuất như trước nhưng vẫn duy trì được một số hộ dân, mỗi cơ sở tạo việc làm cho trên dưới 10 lao động, góp phần ổn định cuộc sống người dân địa phương.

* Giữ làng nghề

Thời gian qua, nhiều làng nghề trong cả nước có nguy cơ mai một. Một phần do giá trị kinh tế làng nghề mang lại chưa cao, một phần nguyên nhân khác là do ngày càng ít nông dân gắn bó với nghề truyền thống vì thu nhập của những người thợ tại làng nghề không cao.

Bện chổi tại làng chổi đót Phú Thuận (H.Tân Phú)
Bện chổi tại làng chổi đót Phú Thuận (H.Tân Phú)

Trước những khó khăn và nguy cơ mai một nghề truyền thống, nhiều địa phương đã gắn kết hoạt động du lịch với các làng nghề nhằm tạo ra các chuỗi sản phẩm chất lượng cao, tăng giá trị kinh tế cho làng nghề.

Ông Phạm Duy Hữu, chủ cơ sở đan cỏ tranh ở xã Phú Điền (H.Tân Phú) cho biết, hiện Tân Phú có các làng nghề khá độc đáo và nổi tiếng, nếu các làng nghề gắn kết được với làm du lịch thì cơ hội bứt phá rất tốt. Theo ông Hữu, xu hướng khách du lịch hiện nay thích trải nghiệm những khung cảnh thiên nhiên xanh mát, những vùng quê với những sinh hoạt đời thường của người nông dân; trong đó, hoạt động tại các làng nghề hấp dẫn du khách tham gia hơn. Hiện cơ sở đan cỏ tranh của tôi vẫn còn duy trì, bản thân tôi cũng muốn gắn kết để làm du lịch, khách tham quan cơ sở đan cỏ tranh sẽ có cơ hội trải nghiệm những công việc của người nông dân thường ngày, biết thêm về những sản phẩm họ từng dùng.

Thời gian qua, để khai thác những giá trị làng nghề, nông sản địa phương trên địa bàn, UBND H.Tân Phú đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân địa phương tại các xã: Nam Cát Tiên, Tà Lài, Trà Cổ, Phú Điền… phát triển mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống tại địa phương, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch khi đến với Tân Phú. Bên cạnh đó, huyện cũng duy trì các hoạt động văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc để phục vụ phát triển du lịch.

UBND H.Tân Phú đã hướng dẫn các xã, thị trấn hoàn thiện hồ sơ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, bình xét nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương nhằm tôn vinh, động viên, khuyến khích lòng yêu nghề và sự đóng góp cho sản phẩm địa phương của các thợ, nghệ nhân.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều