Xã Sông Nhạn - vùng đất một thời được cho là khó khăn nhất của H.Cẩm Mỹ, giờ đang khoe sắc của một vùng quê nông thôn hiện đại.
Xã Sông Nhạn - vùng đất một thời được cho là khó khăn nhất của H.Cẩm Mỹ, giờ đang khoe sắc của một vùng quê nông thôn hiện đại.
Các hội viên cựu chiến binh ấp 4, xã Sông Nhạn trao đổi về kỹ thuật chăm sóc chôm chôm. Ảnh: Đ.Phú |
Chúng tôi đến xã Sông Nhạn vào những ngày tháng Tư lịch sử và không khỏi phấn khởi khi đi trên những con đường nông thôn mới rực rỡ cờ hoa chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
* Góp sức xây dựng quê hương
Tiết trời tháng tư Sông Nhạn thật đẹp, nắng ban mai vẫn chưa lau khô được sương đêm trên cỏ lá. Vườn cây trái của người dân ven đường xum xuê, xanh tốt, trĩu quả. Trong số đó, có nhiều khu vườn của các cựu chiến binh (CCB) xã Sông Nhạn.
Không giấu được niềm vui trước vùng quê đổi mới, CCB Hồ Đăng Hiếu (61 tuổi, ngụ ấp 4, xã Sông Nhạn) cho biết, xã Sông Nhạn có 104 hội viên CCB sinh sống, tham gia hoạt động phong trào tại 8 ấp trên địa bàn xã. Đa phần người lính có mặt tại địa phương từ sau ngày giải phóng. Thời kỳ đó, vùng đất miền núi này còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt nên những người lính cụ Hồ năm xưa phải rất chịu thương, chịu khó mới bám trụ để sinh sống, phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng Sông Nhạn ngày càng phát triển.
Cũng như một số nông dân sản xuất giỏi trong vùng, CCB Hồ Đăng Hiếu rất chịu khó học hỏi, ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt. Hễ thấy chôm chôm trong vườn nở hoa sớm thì ông can thiệp kỹ thuật cho ra trái sớm. Ngược lại, chôm chôm trong xã ra hoa rộ thì ông áp dụng kỹ thuật ép cây để cho trái trễ nhằm bán trái được giá cao hơn.
Nhờ đó, vườn chôm chôm có diện tích gần 1ha của ông Hiếu cho thu nhập 300 triệu đồng/năm, cộng với khoản thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng từ công việc buôn bán rau củ quả ở chợ, vợ chồng ông nuôi được 4 con học đại học, đóng góp xây dựng phong trào của Hội CCB và ấp hàng chục triệu đồng.
Ở cái tuổi đáng ra cần nghỉ ngơi, giao lại vườn tược cho con cháu, CCB Lê Công Vụ (75 tuổi, ngụ ấp 2, xã Sông Nhạn) vẫn bám ruộng vườn. CCB Vụ cho biết, ông có mặt tại vùng đất Sông Nhạn cùng với dòng người di cư tự do sau năm 1975. Vùng đất này được hình thành từ những rẻo đất “đầu thừa, đuôi thẹo” của những vườn cao su Nông trường Ông Quế. Chính vì vậy, khi di cư về đây các CCB và người dân mới tranh thủ khai khẩn để định canh, định cư.
Ông Vụ kể, từ năm 2000 trở về trước, đa phần các CCB vẫn còn loay hoay với cây ngắn ngày và sinh sống lọt thỏm trong những lô cao su bạt ngàn. Từ năm 2011, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới diễn ra rộng khắp trong toàn tỉnh, xã Sông Nhạn cũng tăng tốc phát triển nông nghiệp, dịch vụ.
Từ đó, ông Vụ cũng như các nông dân, CCB trong vùng thay đổi kiểu sản xuất cũ, chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bơ…; chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cho năng suất cao.
“Năm 2014, tôi mạnh dạn chuyển 1,2ha đất trồng cây điều, cà phê sang trồng sầu riêng, chôm chôm, bơ. Nhờ vậy, đến nay thu nhập từ vườn cây ăn trái của gia đình tôi đạt từ 400 triệu đồng/năm” - ông Vụ bộc bạch .
Chủ tịch Hội CCB xã Sông Nhạn Hoàng Triệu Long cho biết, Sông Nhạn có trên 2 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp; ngoài cây cao su, địa phương đã hình thành trên 300ha cây ăn trái các loại, riêng vườn cây của các hội viên CCB đạt gần 100 ha.
Các hội viên CCB xã đang phát triển kinh tế theo mô hình nông nghiệp, dịch vụ. Thu nhập trung bình của 1 hộ hội viên đạt từ 300-500 triệu đồng/năm, từ thu nhập ổn định đã giúp các CCB nuôi dạy con em học hành thành đạt.
* Kết nối ý Đảng, lòng dân
Bí thư Đảng ủy xã Sông Nhạn Hoàng Triệu Linh cho biết, năm 2017, địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và năm 2022 đạt nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu để hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được kết quả này, có một phần đóng góp quan trọng của các CCB trên địa bàn.
Những mảnh đất “đầu thừa, đuôi thẹo” của Nông trường Ông Quế giờ xanh màu cây ăn trái của nông dân xã Sông Nhạn |
Xã Sông Nhạn có khoảng 10 ngàn dân, thu nhập bình quân đạt trên 86 triệu đồng/người/năm. Toàn xã hiện chỉ còn 10 hộ nghèo B (neo đơn, bệnh tật, mất sức lao động). Riêng các hội viên CCB hiện đều có mức sống khá giả trở lên so với mặt bằng chung toàn xã.
Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Triệu Linh bộc bạch: “Xã Sông Nhạn muốn cất cánh, giàu mạnh thì mỗi người dân phải giàu mạnh lên. Các CCB, đoàn thể chính trị, cán bộ, đảng viên phải là trụ cột cùng địa phương trong việc xây dựng, kết nối ý Đảng, lòng dân”.
Chủ tịch UBND xã Sông Nhạn Trần Anh Kiệt cũng cho hay, cơ hội để địa phương nắm bắt, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thành công là rất lớn, nhất là khi đường Sông Nhạn - Dầu Giây đưa vào sử dụng từ năm 2019. Đặc biệt, khi dự án: Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Sông Nhạn - Xuân Quế hoàn thành và việc quy hoạch vùng lợi thế triển khai các khu, cụm công nghiệp - dịch vụ nhỏ của xã hình thành sẽ mở ra cho Sông Nhạn hướng phát triển thương mại, dịch vụ mạnh mẽ.
“Đây cũng là cơ hội cho người dân, các CCB nhạy bén với tư duy sản xuất, kinh doanh mới, góp phần giúp xã Sông Nhạn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn” - ông Trần Anh Kiệt bộc bạch.
Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ được khép lại và những dấu tích bom đạn, rừng rậm hoang vu giờ phủ kín màu xanh cây trái, khu dân cư, điện, đường, trường trạm, thiết chế văn hóa… Những người lính cụ Hồ năm xưa vẫn bám ruộng vườn để góp sức xây dựng xã Sông Nhạn, vùng đất khó khăn năm nào trở thành vùng quê sung túc, tươi đẹp, nghĩa tình sau 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Nét đẹp của CCB vùng đất Sông Nhạn không chỉ là nỗ lực vươn lên từ đôi bàn tay trắng khi về đây lập nghiệp, họ còn là tấm gương trong xây dựng nông thôn mới, nuôi dạy con cái học hành thành đạt” - người có uy tín TRẦN CÚN GIỄNG, Trưởng ấp Suối Đục, xã Sông Nhạn cho biết. |
Đoàn Phú