Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nông dân 'bắt tay' doanh nghiệp

07:10, 14/10/2022

Với mục tiêu đưa sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao và tạo được thương hiệu trên thị trường, H.Định Quán đang tích cực tạo kết nối để người nông dân "bắt tay" với doanh nghiệp (DN) thông qua các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả.

Với mục tiêu đưa sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao và tạo được thương hiệu trên thị trường, H.Định Quán đang tích cực tạo kết nối để người nông dân “bắt tay” với doanh nghiệp (DN) thông qua các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả.

Cây ca cao được người nông dân trồng trên địa bàn H.Định Quán. Ảnh: N.Liên
Cây ca cao được người nông dân trồng trên địa bàn H.Định Quán. Ảnh: N.Liên

Từ sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà nông, Nhà nước, DN và nhà khoa học, các mô hình liên kết sản xuất đang ngày càng nâng cao chất lượng và được nhân rộng về quy mô sản xuất trên cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

*Tạo sự liên kết bền vững

Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây ca cao là một trong những minh chứng cho sự “bắt tay”, phối hợp sản xuất đầu tiên giữa nông dân và DN trên địa bàn huyện từ nhiều năm nay.

Theo Phòng NN-PTNT H.Định Quán, để vận động nông dân tham gia chuỗi liên kết, đơn vị đã phối hợp với DN trực tiếp thu mua và chế biến ca cao tại địa phương là Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức và các xã: Ngọc Định, Gia Canh, Phú Hòa, TT.Định Quán… đăng ký tham gia dự án chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có trên 130ha ca cao.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có một số chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: chuỗi liên kết ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức và chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với giống lúa thực hiện OM5451 của Công ty Lộc Trời. Bên cạnh đó, còn có mô hình liên kết sản xuất bắp thương phẩm, bắp giống F1 với Công ty CP Việt Nam; chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi heo hữu cơ.

Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (DN địa phương đang thực hiện chuỗi liên kết cây ca cao với nông dân) Đặng Tường Khanh cho biết, kể từ khi thực hiện chuỗi liên kết với bà con nông dân, DN luôn cố gắng tạo điều kiện và hướng dẫn bà con chăm sóc cây ca cao đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ đó, người dân yên tâm bởi sản phẩm đầu ra được DN bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Diện tích trồng cây ca cao đều đạt chứng nhận UTZ (chứng nhận đảm bảo sản xuất bền vững theo chuẩn quốc tế), góp phần tăng năng suất và lợi nhuận cho nhà nông.

Theo ông Khanh, hiện dự án cánh đồng lớn cây ca cao do DN đầu tư tại Đồng Nai đã phát triển gần 500ha. DN đang tiếp tục mở rộng diện tích ra các tỉnh, thành lân cận vì hiện nguồn cung ca cao chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển chế biến của DN.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng là lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm và phát triển theo hướng hữu cơ. Vừa qua, huyện đã triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi heo hữu cơ tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn. Đây là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp được Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm, đơn vị ký kết hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ với UBND tỉnh) hỗ trợ. Để được áp dụng mô hình chăn nuôi heo hữu cơ, người nông dân phải đáp ứng một số điều kiện về chuồng trại cũng như quy trình chăm sóc do chuyên gia của DN hướng dẫn.

Ông Đỗ Thế Lực (ngụ xã Ngọc Định), hộ dân đang thực hiện mô hình chăn nuôi heo hữu cơ theo quy trình liên kết với Tập đoàn Quế Lâm cho biết, nuôi heo theo hướng hữu cơ ít tốn kém thời gian so với nuôi heo truyền thống. Để chuồng trại luôn khô thoáng, không có mùi hôi, người chăn nuôi phải áp dụng kỹ thuật từ khâu chuẩn bị thức ăn, quy cách chuồng trại theo quy chuẩn chung. Sau khi heo ăn và thải ra phân sẽ không có mùi.

Nhờ nuôi heo hữu cơ với sự hướng dẫn tận tình của kỹ sư do DN cử xuống nên ông Lực không mất nhiều thời gian chăm sóc heo. Ông có thể dành thời gian làm thêm công việc khác. Hơn nữa, nếu người nuôi tuân thủ các nguyên tắc, sẽ được công ty bảo đảm đầu ra, mang nhiều lợi ích về kinh tế cho nông dân.

* Hướng đến nông nghiệp chất lượng cao

H.Định Quán hiện có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 40,5 ngàn ha, chiếm tỷ lệ 42% so với diện tích đất tự nhiên (trên 97 ngàn ha). Một số cây trồng chính trên địa bàn gồm: xoài khoảng 7,2 ngàn ha, sầu riêng trên 884 ha; mít gần 2,6 ngàn ha…

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cây lúa tại xã Thanh Sơn. Ảnh: N.Liên
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cây lúa tại xã Thanh Sơn. Ảnh: N.Liên

Ngoài những DN mà huyện đã thực hiện kết nối với nông dân, địa phương vẫn đang tìm các DN tiềm năng cùng phối hợp với nông dân trên địa bàn thực hiện các chuỗi liên kết hiệu quả. Huyện sẽ tích cực hỗ trợ các vấn đề thủ tục pháp lý để bảo đảm lợi ích cho cả người dân và DN.

Điển hình như năm 2021, Định Quán là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thành công mô hình liên kết hợp tác “4 nhà”, ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ và kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với cánh đồng lúa tại xã Thanh Sơn. Với sự hỗ trợ tối đa về giống, kỹ thuật canh tác cũng như áp dụng công nghệ cao trong phun xịt thuốc, năng suất cây lúa của người dân đạt hiệu quả cao, đầu ra được ổn định, nông dân không bị ép giá. Mô hình liên kết trên cây lúa đã nhân rộng hơn gấp đôi diện tích so với ban đầu (từ hơn 140ha lên 300ha). Dự kiến mô hình sẽ nhân rộng với toàn bộ diện tích lúa hơn 5 ngàn ha trên địa bàn huyện.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vũ Mạnh Dương cho biết, chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ và hướng hữu cơ là định hướng mà tỉnh cũng như huyện rất quan tâm và có nhiều chính sách mời gọi DN cũng như ưu đãi, khuyến khích người dân tham gia. Đây là những giải pháp nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị cho nông sản. Với những thành quả đã đạt được, huyện đang tiếp tục chuẩn bị thực hiện áp dụng đối với một số loại cây trồng khác như: mô hình liên kết sản xuất trên cây chuối, sầu riêng… Khi sản phẩm đạt chất lượng, đầu ra được DN bao tiêu từ đầu, đây sẽ là động lực để người dân đủ niềm tin đầu tư, áp dụng sản xuất hữu cơ trên mọi lĩnh vực.

Để tiếp tục duy trì và nhân rộng thành quả từ dự án Cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ca cao giai đoạn 2015-2021; đồng thời, giữ vững và phát triển diện tích trồng ca cao, từng bước xây dựng ngành hàng ca cao trong nước nói chung, của tỉnh nói riêng phát triển mạnh, đủ sức cạnh tranh và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và thế giới, UBND H.Định Quán vừa đề nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho tiếp tục thực hiện dự án Hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều