Báo Đồng Nai điện tử
En

'Nâng cấp' nông sản để tìm đầu ra

10:12, 01/12/2021

H.Thống Nhất đang có những kế hoạch thiết thực hỗ trợ nông dân tìm hướng đi chung cho các mặt hàng nông sản có đầu ra ổn định, đa dạng kênh phân phối với chất lượng, mẫu mã cũng như nguồn cung cấp tốt nhất.

H.Thống Nhất đang có những kế hoạch thiết thực hỗ trợ nông dân tìm hướng đi chung cho các mặt hàng nông sản có đầu ra ổn định, đa dạng kênh phân phối với chất lượng, mẫu mã cũng như nguồn cung cấp tốt nhất.

Nông dân thu hoạch rau cần tại xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất. Ảnh: N.Liên
Nông dân thu hoạch rau cần tại xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất. Ảnh: N.Liên

Đây là những nỗ lực nhằm khắc phục khó khăn của người dân trong việc thiếu sự chủ động khi có những tác động xã hội, điển hình như tình trạng nguồn cung cấp, vận chuyển hàng hóa nông sản trong mùa dịch vừa qua đã có những thời điểm gần như bị đứt gãy, nông sản ứ đọng, nông dân gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu thị trường vẫn cao.

* Chưa đa dạng kênh tiêu thụ

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp suốt thời gian dài khiến cho nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Trong đó, vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản là một bài toán đang được doanh nghiệp (DN), người nông dân quan tâm hàng đầu. Bởi trong thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, mọi hoạt động bị ngưng trệ, việc phân phối, lưu thông hàng hóa nông sản bị ách lại, gây khó khăn cho người dân.

Đáng nói, trong cao điểm đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, H.Thống Nhất là địa phương đầu tiên trong tỉnh có nhiều xã bị phong tỏa. Tình trạng “đóng cửa” đột ngột khiến một số sản phẩm nông nghiệp đến kỳ thu hoạch khó tiêu thụ và bị ứ đọng, rớt giá thê thảm dù thị trường tiêu thụ chính của vùng nguyên liệu thực phẩm này là TP.HCM vẫn đang rất cần nguồn cung. Nhiều trang trại, cơ sở hộ gia đình chăn nuôi gà, heo, chim cút để cung cấp thịt và trứng ra thị trường qua các điểm thu mua, thương lái hoặc các kênh bán sỉ chợ đầu mối bị ứ đọng lại.

Để việc tổ chức liên doanh, liên kết trong chế biến và tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất NGUYỄN ĐÌNH CƯƠNG cho biết, huyện đã đề ra một số giải pháp cụ thể như: tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về chính sách liên quan đến kinh tế tập thể; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, các chính sách hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nhãn hiệu, thương hiệu và mã vạch hàng hóa...

Thời điểm đó, các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình qua các kênh bán hàng online, bán lẻ với giá… sỉ; điển hình như giá thịt, trứng các loại gà, vịt, cút và một số loại rau xanh rớt giá sâu. Một số cơ sở chế biến hàng hóa tiêu thụ giảm hơn 50% công suất hoạt động như: giò chả, chuối sấy, hạt điều… Trong khi đó, giá thành một số mặt hàng cung ứng sản xuất, vật tư nông nghiệp tăng cao như: phân bón, thức ăn gia súc…

Bà Kiều Thị Trâm, một thương lái chuyên thu mua hàng nông sản từ khu vực H.Thống Nhất về TP.HCM cho biết, thời điểm các tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, TP.HCM cũng như các vùng có dịch rất khan hiếm hàng hóa. Hằng ngày, bà Trâm theo dõi trên mạng xã hội thấy các trang trại, hộ chăn nuôi đăng bán nông sản số lượng lớn với giá rất rẻ mà vẫn không thể tiêu thụ vì xã hội giãn cách, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi lại khó khăn, bản thân bà Trâm không thể mua bán do xe vận chuyển hàng hóa cũng tạm ngưng hoạt động để chống dịch.

Tuy nhiên, nghịch cảnh ở chỗ trong khi kênh tiêu thụ vẫn rất cần hàng hóa nhưng nguồn cung cấp lại không thể tiếp cận được thị trường.

Ông Nguyễn Công Khánh, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Phương Nam (xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) chia sẻ, từ trước tới nay, rau do HTX sản xuất thường được bán qua nguồn thương lái và chợ đầu mối. Trong thời gian dịch bệnh phức tạp, thương lái gặp khó trong vận chuyển hàng hóa, nhiều đợt rau không bán được do không có người thu mua và vận chuyển nên rất bấp bênh. Theo ông Khánh, HTX đang có hướng thay đổi về phương thức sản xuất cũng như mở rộng các kênh tiêu thụ. Chẳng hạn như ngoài kênh tiêu thụ truyền thống lâu nay là thương lái và chợ đầu mối, HTX chú trọng đến việc mở rộng đầu ra cho nông sản khi tham gia các sàn thương mại để quảng bá sản phẩm rau tươi của HTX.

* Xây dựng các chuỗi liên kết

Nhằm thúc đẩy việc sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, duy trì sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”.

Nông sản của nông dân được tập kết tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất)
Nông sản của nông dân được tập kết tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất)

Để thực hiện hiệu quả chỉ thị trong điều kiện thực tế hiện nay, ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề giá vật tư nông nghiệp tăng cao, đòi hỏi người nông dân phải có những tính toán và chiến lược phối hợp, liên kết trong đầu tư sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hóa đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất cho biết, trên địa bàn huyện hiện đang xây dựng 14 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó có 13 chuỗi nông dân tự liên kết với đơn vị tiêu thụ và 1 chuỗi liên kết có tham gia của DN. Trong số các chuỗi liên kết, chỉ có 2 chuỗi gồm HTX Rau Tân Yên và Nấm mèo xã Xuân Thiện là cơ bản hoàn thiện dự thảo và dự kiến sẽ chính thức triển khai vào giữa năm 2022. Các chuỗi còn lại như: bưởi da xanh Hưng Lộc, chuối Quang Trung, hồ tiêu Quang Trung, trái cây Xuân Thiện, chuỗi cơ sở giết mổ... có các sản phẩm đạt an toàn thực phẩm hoặc tiêu chuẩn VietGAP nhưng chưa có đơn vị làm chủ dự án và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, nông sản vẫn còn bán qua các kênh chợ đầu mối, thương lái hoặc các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm nhỏ lẻ nên mối liên kết chuỗi sản xuất chưa được bền vững.

Ông Tùng cho biết, một số vấn đề còn tồn tại khiến cho các chuỗi liên kết thiếu bền vững; các HTX chưa đủ năng lực làm chủ dự án mà còn phụ thuộc nhiều vào DN trong khi các DN tham gia vẫn còn rất hạn chế dù huyện đã tổ chức mời gọi DN. Các DN khi tiếp cận nông dân, HTX chỉ quan tâm tới cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm và giá sản phẩm mà không tham gia làm chủ dự án vì thủ tục rườm rà, hồ sơ quyết toán phức tạp. Vấn đề quan trọng và cốt lõi nữa là nông dân chưa nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích khi tham gia chuỗi, bản thân nông dân cũng như DN chưa có sự tin tưởng, kết hợp với nhau dựa trên những ràng buộc pháp lý theo quy định của pháp luật.  

H.Thống Nhất cũng hỗ trợ người dân, mời gọi DN liên kết cung ứng vật tư đầu vào, chế biến, bao tiêu sản phẩm, xúc tiến thương mại, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, mã vạch hàng hóa; quảng bá sản phẩm nông sản trên địa bàn. Song song đó, huyện sẽ tạo điều kiện cho nông dân, DN, HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển nông nghiệp, củng cố, kiện toàn các HTX đang hoạt động chưa có hiệu quả.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích