Dù là địa bàn vùng sâu, vùng xa của H.Xuân Lộc nhưng đến nay, hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Xuân Bắc đều được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo đi lại và giao thương của nhân dân.
Dù là địa bàn vùng sâu, vùng xa của H.Xuân Lộc nhưng đến nay, hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Xuân Bắc đều được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo đi lại và giao thương của nhân dân.
Lãnh đạo xã Xuân Bắc đi tham quan tuyến đường kiểu mẫu ở ấp 6. Ảnh: H.Lộc |
Không chỉ hiến đất, đóng tiền làm đường, người dân nơi đây còn tự nguyện góp công, góp của thực hiện và duy trì các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.
* Huy động các nguồn lực tham gia
Xã Xuân Bắc là địa bàn giáp ranh giữa H.Xuân Lộc, TP.Long Khánh và H.Định Quán. Là địa bàn rộng hơn 6,3 ngàn ha, gần 100% dân số sống nhờ nông nghiệp nhưng đất đai cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm nên nhiều năm liền, chính quyền và nhân dân nơi đây gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các công trình giao thông nông thôn. Nhưng từ khi bắt tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hàng chục tuyến đường giao thông nông thôn được xây mới, nâng cấp, nâng tỷ lệ bê tông hóa, cứng hóa trục thôn, ấp lên 100% và trục đường ngõ, xóm lên 70% theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GT-VT.
Ông Trần Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc cho biết, vài năm trở lại đây công tác xã hội hóa giao thông trên địa bàn xã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của nhân dân. Chỉ tính riêng trong năm 2020, xã đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 3 công trình đường giao thông xã với chiều dài gần 3km, gần 10 công trình đường giao thông ngõ, xóm. Nhiều tuyến đường khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả về giao thông và giao thương, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế. Không chỉ đóng tiền, hiến đất, người dân còn tự nguyện góp công, góp của trồng và chăm sóc hoa ven đường, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng và camera an ninh. Một số tổ nhân dân còn đóng góp tiền để duy tu, sửa chữa ổ gà, ổ voi trên tuyến đường do huyện quản lý, chính quyền hỗ trợ một phần nhỏ. |
Ông Trần Thế Tĩnh, Trưởng ấp 6, xã Xuân Bắc cho biết, trước đây, việc vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn rất khó khăn, một phần vì điều kiện kinh tế khó khăn, một phần vì thói quen ở tạm trong rẫy để làm nông nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, nhân dân ấp 6 đã hiến 3,5 ngàn m2 đất, đóng góp khoảng 3,6 tỷ đồng để xây mới 13 tuyến đường ấp với chiều dài 11km; đóng hơn 400 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp 7 tuyến đường dài hơn 7km. “Đây là con số khổng lồ đối với một ấp mà 100% hộ dân sống nhờ nông nghiệp” - ông Tĩnh chia sẻ.
Theo ông Tĩnh, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Ban công tác Mặt trận ấp đã đi tiền trạm nắm bắt điều kiện kinh tế, nhu cầu của người dân và tính cấp thiết của từng tuyến đường. Sau đó, họp triển khai chính sách hỗ trợ chương trình xã hội hóa giao thông nông thôn của tỉnh; đưa ra các phương án đóng góp cho người dân lựa chọn và chốt theo phương án số đông. Những hộ gia đình đặc biệt khó khăn, ban ấp đề xuất ý kiến với nhân dân cho miễn, giảm tiền đóng góp hoặc vận động các hộ khá giả hơn “gánh” đỡ. Thời gian đầu khó khăn nhưng về sau, nhiều tổ đăng ký xin làm trước.
Ông Trần Văn Trải, ngụ ấp 6, cho hay: “Thấy các tuyến đường khác sạch đẹp mà đường nhà mình còn đất đỏ tôi sốt ruột quá nên đi vận động bà con trong tổ rồi lên ấp xin hiến đất, đóng tiền làm đường. Tôi hiến hơn 100m2 đất, đóng góp 21 triệu đồng theo tiêu chuẩn và hỗ trợ thêm 2 triệu đồng để tổ nhân dân lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Từ khi có đường mới, việc đi lại thuận tiện hơn hẳn”.
* Nâng chất lượng đời sống nhân dân
Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc Trần Văn Trình cho rằng, sự phát triển về hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông và đường điện ra đồng trong vài năm trở lại đây đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế. Cụ thể, các vùng trồng cây ăn trái có lợi thế tiêu thụ như: bưởi, quýt, thanh long hình thành thay thế cho diện tích cây chôm chôm, sầu riêng già cỗi; khu vực trồng lúa năng suất kém được chuyển đổi sang cây bắp, cây lấy bột (khoai lang, mì) và hoa màu; các cây công nghiệp lâu năm như: tiêu, điều vẫn chiếm ưu thế về diện tích nhưng có sự đầu tư bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo mô hình sản xuất sạch, có liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp. Toàn xã hiện có 14 doanh nghiệp, 116 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Ông Đặng Văn Tám, ngụ ấp 8, xã Xuân Bắc chia sẻ, nhờ mạnh dạn chuyển sang trồng bưởi và đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động, gia đình ông đã bớt được nhiều công lao động. Năm 2019, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu được hơn 1 tỷ đồng.
Còn ông Lê Hữu Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nấm Lộc (ấp 2) thì cho rằng, nhờ sự phát triển về hạ tầng giao thông, HTX đã đầu tư kho lạnh, xe tải để vận chuyển các loại nấm tươi (nấm mèo, nấm tuyết, nấm bào ngư, nấm rơm) đến tận chợ các cho bạn hàng; giao hàng trực tiếp cho các bếp ăn tập thể ở trường học, công ty, một số cửa hàng thực phẩm sạch tại Đồng Nai và các kênh bán lẻ khác khá thuận lợi và tiết kiệm chi phí.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Bắc Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm, hiệu quả từ mô hình xã hội hóa giao thông nông thôn đã góp phần vào thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã và nâng chất đời sống nhân dân. Là xã có xuất phát điểm thấp, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay Xuân Bắc đã thực hiện đạt 12/19 tiêu chí, 43/53 chỉ tiêu theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của tỉnh; 7/7 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; thu nhập bình quân/người tăng lên 60 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm còn 2,27%... Mặc dù vậy, xã không huy động nhân dân đóng góp làm đường dồn dập mà chia theo từng năm, từng giai đoạn. Việc phát triển hạ tầng phải đi kèm phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
Hoàng Lộc