Cùng với các tuyến đường hiện hữu, việc đưa vào khai thác 2 tuyến đường giao thông trọng điểm là 319 và liên cảng Phước An trong năm 2020 đang mở ra cơ hội phát triển dịch vụ thương mại cho H.Nhơn Trạch.
Cùng với các tuyến đường hiện hữu, việc đưa vào khai thác 2 tuyến đường giao thông trọng điểm là 319 và liên cảng Phước An trong năm 2020 đang mở ra cơ hội phát triển dịch vụ thương mại cho H.Nhơn Trạch.
Thi công mở rộng đường số 2 đoạn qua trung tâm hành chính H.Nhơn Trạch. Ảnh: Hoàng Lộc |
* Sức bật từ hạ tầng
Nhiều năm trước, hạ tầng giao thông là hạn chế của H.Nhơn Trạch. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” này đang từng bước được khắc phục. Hàng loạt tuyến đường giao thông đã, đang và sắp được triển khai tạo sự đồng bộ về hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Bà Trần Thu Hạnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị H.Nhơn Trạch cho biết, năm 2020, trên địa bàn huyện có 2 tuyến đường giao thông trọng điểm hoàn thành và đưa vào khai thác là 319 và liên cảng Phước An. 2 tuyến đường này không chỉ “giải cứu” tình trạng ách tắc giao thông, ngập nước tồn tại nhiều năm ở H.Nhơn Trạch mà mở ra cơ hội phát triển thương mại - dịch vụ, logistics cho huyện.
Cụ thể, đường liên cảng Phước An có chiều dài hơn 5km và có điểm đầu là đường 319 (trung tâm H.Nhơn Trạch) chạy xuyên qua hầu hết các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn đến cảng Phước An. Đường này đưa vào khai thác giúp cho việc lưu thông hàng hóa ra cảng Phước An trở nên thuận lợi, rút ngắn quãng đường, rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ các KCN trên địa bàn huyện đến các cảng biển thuộc hệ thống cảng biển nhóm 5. Đường liên cảng cùng với khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An đang hình thành sẽ kéo các nhà đầu tư dịch vụ logistics về Nhơn Trạch, lấy lại nguồn thu từ xuất nhập khẩu ở cảng Cát Lái.
Đường 319 (từ trung tâm H.Nhơn Trạch đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), dự kiến hoàn thành và thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 12-2020 sẽ rút ngắn hành trình từ H.Nhơn Trạch đi TP.HCM; tuyến đường này đóng vai trò kết nối 2 đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, giúp việc lưu thông hàng hóa bằng đường bộ thuận lợi hơn. Ngoài ra, tuyến đường này cũng góp phần chia tải lưu lượng các tuyến đường nội thị, quốc lộ 51 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang quá tải.
Theo ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch, việc hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường giao thông huyết mạch như: 319, liên cảng Phước An; đường 25C đoạn từ KCN đến trung tâm hành chính huyện, đường số 2, D9 (dự kiến hoàn thành quý I-2021) sẽ tạo diện mạo cho đô thị Nhơn Trạch. Khi đi vào khai thác, các công trình này sẽ tạo thêm thế và lực cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đưa H.Nhơn Trạch gần hơn với TP.HCM; gia tăng kết nối hạ tầng, dịch vụ của huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
* “Chắp cánh” cho đô thị tương lai
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị H.Nhơn Trạch Trần Thu Hạnh, bên cạnh 2 tuyến đường của Trung ương đang triển khai trên địa bàn (cao tốc Bến Lức - Long Thành và Vành đai 3), trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã có chủ trương đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông ở H.Nhơn Trạch nhưng có tính chất kết nối vùng, đó là: đường liên cảng Phú Hữu - Phước Khánh chiều dài hơn 14km chạy dọc sông Đồng Nai, tổng vốn đầu tư khoảng 7,2 ngàn tỷ đồng; đường vào làng đại học chiều dài hơn 8km và tổng vốn đầu tư hơn 1,2 ngàn tỷ đồng; các tuyến quy mô nhỏ hơn là: 25C đoạn từ hương lộ 19 đến đường liên cảng Phú Hữu - Phước Khánh, đường vào KCN Ông Kèo, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Bến Lức - Long Thành… Ngoài ra, có kế hoạch nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường hiện hữu.
Sơ đồ quy hoạch phát triển giao thông H.Nhơn Trạch |
Đồ án điều chỉnh quy hoạch H.Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2025, H.Nhơn Trạch cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II và sau năm 2030 sẽ đạt đô thị loại I. Bên cạnh TT.Hiệp Phước hiện hữu, H.Nhơn Trạch sẽ hình thành hàng loạt khu đô thị, khu dân cư thương mại cao cấp và nhà ở xã hội; khu dịch vụ hậu cần cảng quy mô hơn 550ha; các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng ven sông. Các dự án này sẽ giúp thành phố mới Nhơn Trạch phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của H.Nhơn Trạch, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, H.Nhơn Trạch cùng với H.Long Thành đang là cửa ngõ giao thông đối ngoại quan trọng của tỉnh. Cùng với các tuyến đường của Trung ương, tỉnh đã quy hoạch đầu tư nhiều tuyến đường kết nối với các cao tốc, các cảng biển và sân bay Long Thành. Trách nhiệm của địa phương là chủ động bồi thường giải phóng mặt bằng, khai thác lợi thế quỹ đất từ các dự án đường giao thông đấu giá lấy tiền làm các tuyến đường nhánh, khu dân cư và tái định cư.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, khi phát triển công nghiệp đã bão hòa, thế mạnh của H.Nhơn Trạch đang chuyển dịch sang lĩnh vực có thế mạnh hơn là dịch vụ - thương mại, logistics và xuất nhập khẩu. Việc hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt hạ tầng kết nối với các tuyến đường cao tốc, các cảng biển và sân bay Long Thành sẽ tạo ra sức bật cho ngành dịch vụ, thúc đẩy các dự án bất động sản, từ đó kéo dân số từ các đô thị khác về H.Nhơn Trạch sinh sống.
Hoàng Lộc