Báo Đồng Nai điện tử
En

Món ngon, cảnh đẹp trên hồ Đa Tôn

11:12, 16/12/2019

Được mệnh danh là "hòn ngọc bích" giữa núi rừng, hồ Đa Tôn tọa lạc tại xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú). Phần lớn hồ được bao bọc bởi đồi núi và dải đê dài hàng trăm mét, tạo nên một bức tranh sơn thủy độc đáo giữa vùng quê thanh bình.

Được mệnh danh là “hòn ngọc bích” giữa núi rừng, hồ Đa Tôn tọa lạc tại xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú). Phần lớn hồ được bao bọc bởi đồi núi và dải đê dài hàng trăm mét, tạo nên một bức tranh sơn thủy độc đáo giữa vùng quê thanh bình.

Chèo thuyền trên hồ Đa Tôn. Ảnh:T.Mộc
Chèo thuyền trên hồ Đa Tôn. Ảnh:T.Mộc

Hồ Đa Tôn có tổng diện tích trên 350 hécta. Nơi đây khung cảnh vẫn còn nét nguyên sơ của vùng quê yên bình. Dù chưa được đầu tư khai thác du lịch bài bản nhưng hồ Đa Tôn vẫn là điểm thu hút khá nhiều khách phương xa tìm đến để tận hưởng không gian yên bình, ngắm cảnh đẹp của rừng, hồ, vừa câu cá giải trí vừa thưởng thức các món ngon của địa phương như: cá nước ngọt, gà rẫy...

* Bức tranh thiên nhiên vùng núi

Khu vực hồ Đa Tôn những ngày cuối năm có thời tiết trong lành, không khí se lạnh khiến cho cảnh núi non trở nên bình lặng. Vào mỗi buổi chiều và cuối tuần, khá nhiều người về hồ Đa Tôn để ngắm cảnh và thưởng thức các đặc sản vùng quê. Diện tích mặt nước của hồ Đa Tôn hiện cũng đang được nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản, đơn vị đang nuôi thủy sản trên hồ Đa Tôn cho biết, cá được nuôi trong hồ Đa Tôn theo phương thức tự nhiên, không cho thức ăn xuống hồ vì đây là hồ chứa nước phục vụ nước tưới nông nghiệp cho 5 xã: Thanh Sơn, Phú Lâm, Phú Điền, Phú Thanh, Phú Bình. Cũng vì vậy nên hồ thường xuyên được kiểm tra mẫu nước để bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Với diện tích mặt nước hơn 350 hécta, hồ Đa Tôn nuôi các loại cá nước ngọt như: chép, trôi, mè, trắm và các loại cá thiên nhiên khác. Mỗi năm, HTX sẽ đánh bắt cá 1 lần vào khoảng tháng 5-6, thời gian đánh bắt thường kéo dài khoảng 2 tháng. Trung bình những năm trước, HTX thu về khoảng 400-500 tấn cá cho một mùa đánh bắt, riêng năm 2020 tới, dự kiến sẽ thu khoảng 700 tấn cá các loại.

Vừa nuôi cá, trông coi hồ, vừa có quán đặc sản ngay ven hồ, ông Thuận cho biết, vào các ngày cuối tuần, khách du lịch các nơi về đây ngắm cảnh và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương chế biến từ các loại cá nuôi trên hồ.

Ông Nguyễn Thanh Hải, người dân đang sinh sống tại xã Thanh Sơn chia sẻ, gia đình anh thường hay đón người thân từ TP.Hồ Chí Minh về chơi vào dịp cuối tuần vì mọi người rất thích khung cảnh và không khí của hồ Đa Tôn. “Mỗi lần về chơi mọi người đều ăn các món chế biến từ gà và cá. Chiều chiều, mọi người đi bộ trên bờ đê ngắm cảnh hoàng hôn rất đẹp. Tôi là người sống lâu năm ở đây và cũng rất thích cảnh đẹp của hồ Đa Tôn. Hy vọng nơi này sớm được đầu tư, phát triển du lịch, khai thác được tiềm năng của hồ” - ông Hải chia sẻ.

* Sớm kêu gọi đầu tư

Không chỉ ông Hải, nhiều người dân xã Thanh Sơn mong muốn hồ sớm được đầu tư, phát triển du lịch địa phương. Bởi hồ Đa Tôn là một trong những nơi có tiềm năng du lịch lớn của huyện Tân Phú. Những năm gần đây, huyện đang tìm những nhà đầu tư có năng lực để đầu tư xây dựng, phát triển du lịch cho hồ Đa Tôn. Dự kiến nơi đây sẽ phát triển thành khu du lịch hồ Đa Tôn. Cùng với các điểm du lịch đang phát triển mạnh tại địa phương là Vườn quốc gia Cát Tiên và làng dân tộc Tà Lài, Công viên Suối Mơ... huyện Tân Phú đã đầu tư một số tuyến đường kết nối giữa các điểm du lịch của huyện và một số địa phương lân cận.

Hồ Đa Tôn vẫn còn nét nguyên sơ của một vùng quê
Hồ Đa Tôn vẫn còn nét nguyên sơ của một vùng quê

Ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho hay, những năm gần đây, Thanh Sơn được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển giao thông mạnh mẽ. Bà con rất mong muốn du lịch địa phương phát triển để các ngành dịch vụ, văn hóa có cơ hội phát triển. Ông Mạnh cho rằng, Thanh Sơn có nhiều món đặc sản như các loại trái cây, các món ăn dân gian. Đặc biệt, Thanh Sơn hiện có một làng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tập trung, nếu khai thác tốt thế mạnh này thì đây sẽ là điểm du lịch “níu chân” không ít du khách.

Phó chủ tịch UBND huyện Bùi Thanh Nam cho rằng, trong tương lai không xa, hồ Đa Tôn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn của huyện Tân Phú. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện các tuyến du lịch trên địa bàn huyện và liên kết các huyện quanh khu vực hình thành vùng du lịch sinh thái đặc trưng riêng. Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, huyện sẽ phối hợp với các trung tâm đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác du lịch và tạo việc làm ổn định cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện.

Đầu tư mạnh cho du lịch địa phương

Ông Bùi Thanh Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết, huyện đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ kêu gọi nhà đầu tư phát triển du lịch tại hồ Đa Tôn. Cụ thể, đã đón tiếp đoàn doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản về khảo sát các dự án đầu tư và tiềm năng du lịch tuyến Định Quán - Tân Phú tại hồ Đa Tôn. Huyện đã tiếp đón các doanh nghiệp đầu tư du lịch như: Tập đoàn FLC, Công ty TNHH Golden Realty... về khảo sát và làm việc để lập dự án đầu tư du lịch sinh thái hồ Đa Tôn với tổng diện tích trên 892 hécta, trong đó có 74 hécta là đất nông nghiệp và đất ở của các hộ dân đang quản lý sử dụng, số diện tích còn lại là đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất và mặt nước hồ Đa Tôn khoảng trên 350 hécta.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích