Báo Đồng Nai điện tử
En

Mãng cầu xiêm trên đất Đông Kim

10:12, 02/12/2019

Mãng cầu xiêm được trồng tại ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) khoảng 10 năm trở lại đây. Loại trái cây này đang là nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình bởi năng suất và giá bán khá ổn định.

Mãng cầu xiêm được trồng tại ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) khoảng 10 năm trở lại đây. Loại trái cây này đang là nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình bởi năng suất và giá bán khá ổn định.

Vườn mãng cầu xiêm đang cho thu hoạch của ông Lại Văn Khánh (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất). Ảnh: N.Liên
Vườn mãng cầu xiêm đang cho thu hoạch của ông Lại Văn Khánh (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất). Ảnh: N.Liên

Theo Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, diện tích trồng mãng cầu xiêm tại Đông Kim đang tăng khá nhanh. Chỉ một vài người trồng ban đầu, hiện tại nơi đây có diện tích trên 30 hécta mãng cầu xiêm.

* Trái ngọt nhà nông

Vùng trồng mãng cầu xiêm ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm nằm cách quốc lộ 20 khoảng 5km. Bên cạnh những vườn mít, sầu riêng..., mãng cầu xiêm cũng được trồng tập trung tại một khu vực nên rất dễ nhận biết khi tới đây. Theo một số người trồng trong ấp, vùng mãng cầu xiêm có khoảng 20-30 hộ trồng, diện tích cây mãng cầu của mỗi hộ từ 5-7 sào. Nhiều hộ dù có tới 2-3 hécta cũng không thể trồng hết vì việc chăm sóc khá công phu, đặc biệt là giai đoạn thụ phấn cho cây. Do đòi hỏi sự tỉ mỉ nên mỗi gia đình chỉ đủ nhân lực làm dưới 1 hécta.

Là loại cây có thể cho trái quanh năm, đặc biệt là thời điểm cuối năm lại rộ mùa vào dịp Tết Nguyên đán nên loại trái cây này thường ít biến động về giá cả, năng suất tương đối cao nếu các chủ vườn chăm sóc tốt. Theo các chủ vườn, giá bán của trái mãng cầu xiêm lâu nay khá ổn định và đem lại lợi nhuận khá cho người nông dân.

Ông Lại Văn Khánh, một trong những chủ vườn mãng cầu xiêm đang cho thu hoạch với năng suất tương đối cao trong khu vực cho biết, vườn mãng cầu nhà ông đang bước vào vụ thu hoạch năm thứ 5. Với 5 sào đất, ông Khánh trồng được trên 400 cây mãng cầu. Mỗi cây trung bình cho khoảng 50kg trái/năm. Giá thời điểm hiện tại là 27 ngàn đồng/kg. Như vậy, vườn mãng cầu của gia đình ông Khánh dự kiến có thể thu về khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, dự kiến năm nay có lãi khoảng 300 triệu đồng.

Mãng cầu xiêm có thể cho trái quanh năm. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn muốn cho cây nghỉ ngơi thì chỉ cần thu hoạch chính vụ từ khoảng tháng 11 đến tháng 5 hằng năm. Ông Khánh cho biết, chăm sóc cho cây mãng cầu khá mất thời gian, đặc biệt là thời điểm thụ phấn cho cây. Bên cạnh đó, nông dân phải kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý nếu phát hiện sâu bệnh.

“Do công chăm sóc cần tỉ mỉ nên mỗi hộ dân trong khu vực này chỉ trồng dưới 1 hécta. Những nhà có vườn rộng hơn thì chọn cây khác như mít, bưởi… để trồng. Trồng mãng cầu xiêm không “sướng” hơn các loại cây khác nhưng ít bị ảnh hưởng về giá cả. Và dù giá có giảm “kịch sàn” như năm 2018 thì nông dân vẫn không bị lỗ vốn như một số loại trái cây khác” - ông Khánh chia sẻ.

* Cần có sự liên kết

Dù đã tồn tại cả chục năm nay, với hàng chục hộ dân nhưng đến nay cây trồng này vẫn chỉ ở mức nhỏ lẻ. Người dân chưa có sự liên kết trong sản xuất để học hỏi những kinh nghiệm quý báu cũng như chia sẻ về thông tin hàng hóa.

Mãng cầu xiêm được đóng đưa ra vựa mỗi ngày. Ảnh: N.Liên
Mãng cầu xiêm được đóng đưa ra vựa mỗi ngày. Ảnh: N.Liên

Ông Phạm Văn Bình, một nông dân ở ấp Đông Kim cho biết, hiện nay người trồng mãng cầu xiêm khu vực ấp Đông Kim vẫn làm vườn nhỏ lẻ từng hộ gia đình, chưa có hợp tác xã hay câu lạc bộ nào về cây mãng cầu xiêm. Do đó, từ trước đến nay mỗi khi xảy ra tình trạng mất giá hoặc các vấn đề liên quan đến hàng hóa thì “mạnh nhà ai nấy xử lý”.

Cùng quan điểm như ông Bình, một số hộ dân khác cho rằng việc thành lập một tổ chức hoạt động hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất là cần thiết, đó có thể là hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. Theo bà con, thời gian qua tình trạng thuốc bảo vệ thực vật giả, phân bón kém chất lượng khiến cho người trồng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, với mãng cầu xiêm, chỉ cần sử dụng loại thuốc, phân không chất lượng là cây có thể bị héo, suy nhược và chết nếu không được xử lý kịp thời.

Đại diện Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất cho biết, huyện đang phối hợp với nông dân địa phương cùng các ngành chức năng rà soát, kiểm tra lại diện tích cây mãng cầu trên địa bàn huyện, đặc biệt là ấp Đông Kim, nếu khu trồng mãng cầu xiêm có đủ diện tích, cơ cấu cây trồng phù hợp thì huyện sẽ hỗ trợ bà con các thủ tục thành lập một tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Khi có tổ hợp tác, nông dân sẽ gặp thuận lợi hơn trong mua, bán và sử dụng các loại vật tư ngành nông nghiệp phục vụ cho trồng trọt. Bên cạnh đó, lợi ích lớn nhất chính là việc thành lập tổ hợp tác hay hợp tác xã là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của mình được nâng giá trị, có đủ cơ sở, cơ hội tìm kiếm những nguồn hàng tiềm năng hơn.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều