Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng tỷ phú trên vùng chiến khu xưa

10:12, 23/12/2019

Từ nhiều năm nay, nghề nuôi hươu, nai lấy nhung (còn gọi là lộc nhung, thực chất là sừng non của con vật) tại xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu đã trở thành nghề truyền thống nổi tiếng. Đây là làng nghề có nhiều tỷ phú trong vùng chiến khu xưa.

Từ nhiều năm nay, nghề nuôi hươu, nai lấy nhung (còn gọi là lộc nhung, thực chất là sừng non của con vật) tại xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu đã trở thành nghề truyền thống nổi tiếng. Đây là làng nghề có nhiều tỷ phú trong vùng chiến khu xưa.

Nuôi hươu, nai khá dễ, ít tốn kém và cho giá trị kinh tế cao
Nuôi hươu, nai khá dễ, ít tốn kém và cho giá trị kinh tế cao

Ngoài phát triển kinh tế và trở thành đặc sản tại địa phương, làng nuôi hươu nai Hiếu Liêm còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, kết nối với tour tham quan rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, nối với hồ (hồ Trị An) và làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.

* Nghề nuôi hươu, nai truyền thống

Đưa chúng tôi tham quan chuồng hươu, nai khoảng 40 con của gia đình, ông Phan Xuân Ngọc (ngụ ấp 3, xã Hiếu Liêm), người có thâm niên hơn 20 năm nuôi hươu, nai tại Hiếu Liêm vui vẻ kể: “Ngày còn ở quê (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), cha tôi vẫn thường nhắc chúng tôi, nghề nuôi hươu, nai lấy nhung là một nghề có giá trị kinh tế cao và khuyến khích các con  theo nghề này để phát triển kinh tế. Bởi theo cha tôi, đây là nghề nuôi con ăn cỏ, uống nước lã nhưng thu tiền thật, không lo thất bại. Từ câu nói đó mà khi chuyển vào vùng đất Hiếu Liêm, tôi vẫn tiếp tục gắn bó với nghề này”.

Với 2 cặp hươu, nai ban đầu khi gầy dựng sự nghiệp từ năm 1997, đến nay đàn hươu, nai của ông Ngọc đã đạt số lượng 40 con. Một số hộ trong xã muốn nuôi nhưng không có vốn thì được ông Ngọc giúp đỡ bằng cách giao con giống cho các gia đình chăm sóc để lấy lộc nhung, lợi nhuận từ lộc nhung thu được sẽ được chia đều hai bên.

Cũng như gia đình ông Ngọc, gia đình ông Hoàng Sinh Hào (ngụ ấp 3, xã Hiếu Liêm) đang sở hữu đàn hươu, nai hơn 40 con. Ngày ngày, công việc chính của gia đình ông Hào, ông Ngọc cũng như trên 240 hộ nuôi huơu, nai khác trong xã là ra vườn cắt cỏ, tìm mua các loại rau, củ quả là “hàng dạt” ngoài chợ về cho hươu, nai ăn. Thậm chí nếu trong vườn hết cỏ, trong nhà không còn tiền đi chợ thì có thể vào rừng cắt lá cây, cỏ dại để hươu, nai ăn tạm vài ngày cũng không ảnh hưởng, bởi đây là loài dễ nuôi, ít bệnh nhưng giá trị kinh tế cao từ lộc nhung thu được, cũng như cung cấp hươu giống.

Hiện tại, theo giá thị trường, 1 kg nhung nai có giá từ 7,5-8 triệu đồng. Nhung hươu có giá 23-25 triệu đồng/kg. Chu kỳ lấy nhung của nai là 2 lần/năm, mỗi lần lấy được từ 0,7-3kg tùy theo độ tuổi của từng con. Nhung hươu không được nhiều như nai nhưng giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần. Mỗi con hươu chỉ lấy nhung được 1 lần/năm, mỗi lần từ 0,3-1kg, tùy theo tuổi từng con. Với giá bán nhung hươu, nai như hiện tại, những gia đình nuôi từ 30 con trở lên có thu nhập thấp nhất là trên 500 triệu đồng/năm, cao hơn nữa là hàng tỷ đồng/năm. Làng nuôi hươu, nai cũng là nơi tập trung nhiều tỷ phú nhất xã Hiếu Liêm với gần 20 người, những tên tuổi mà ai nghe qua cũng biết đây là những “đại gia” đi lên bằng nghề nuôi hươu, nai như: Nguyễn Đình Châu, Trần Như Ý, Nguyễn Văn Sỹ, Phan Xuân Ngọc...

* Củng cố hoạt động làng nghề

Làng nuôi hươu, nai xã Hiếu Liêm hình thành khoảng trên 30 năm nay, chủ yếu tập trung ở ấp 3. Khi nghề nuôi hươu, nai phát triển tại địa phương, những hộ nuôi hươu, nai đã tham gia thành lập Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi hươu nai Hiếu Liêm (HTX hươu nai Hiếu Liêm), nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển làng nghề và tiêu thụ sản phẩm truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, sau khi thành lập đến nay, HTX hươu nai Hiếu Liêm vẫn chưa phát huy hết những lợi thế cũng như chưa tận dụng được những ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước theo quy định.

Nhung nai vừa được thu hoạch tại hộ ông Phan Xuân Ngọc
Nhung nai vừa được thu hoạch tại hộ ông Phan Xuân Ngọc

Trong khi đó, làng nuôi hươu, nai Hiếu Liêm đã từng thu hút sự quan tâm của các đối tác nước ngoài muốn kết nối làm ăn lâu dài nhưng đành bỏ lỡ vì còn thiếu một số yêu cầu về mặt pháp lý.

Phó giám đốc HTX hươu nai Hiếu Liêm Phan Xuân Ngọc mong muốn HTX sớm khôi phục hoạt động, phát huy những lợi thế để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nhung hươu, nai của bà con làng nghề ổn định, chủ động hơn khi có những đối tác muốn kết nối mua nhung hươu, nai với số lượng lớn, giá cả ổn định.

Chia sẻ về hoạt động của làng nuôi hươu, nai tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Liễu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm cho biết, trên cơ sở HTX đã thành lập, Hội Nông dân xã sẽ hướng dẫn cho các thành viên trong HTX cùng liên kết, thực hiện các thủ tục cần thiết để khôi phục hoạt động của HTX. “Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con HTX hươu nai Hiếu Liêm thực hiện các bước tiếp theo như: xây dựng văn phòng, đồng cỏ và mô hình điểm của HTX theo quy định. HTX hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy cả về kinh tế lẫn du lịch địa phương phát triển” - ông Liễu cho biết thêm.

Bài, ảnh: Ngọc Liên

Tin xem nhiều