Rừng ngập mặn là tài nguyên thiên nhiên đặc trưng của 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch.
Rừng ngập mặn là tài nguyên thiên nhiên đặc trưng của 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch.
Với người dân vùng hạ du sông Đồng Nai, rừng ngập mặn không chỉ là nơi để khai thác thủy sinh, nơi bồi đắp phù sa, ngăn xói mòn và xâm nhập mặn cho cả vùng mà còn là “bức tường xanh” bao bọc cho người dân địa phương và làm sạch môi trường tự nhiên.
Một doanh nghiệp tham gia trồng rừng ngập mặn tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.Lộc |
* Nỗ lực phủ xanh rừng
Rừng ngập mặn ở Đồng Nai nằm trên địa phận 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Rừng có diện tích tự nhiên gần 8 ngàn hécta, trong đó, diện tích có cây là hơn 4,6 ngàn hécta. Rừng ngập mặn có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng phong phú.
Rừng ngập mặn có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp, có vị trí gần các đô thị lớn như: TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch. Thực hiện đề án trồng và bảo vệ rừng, khai thác lợi thế của rừng ngập mặn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành đã và đang tiến hành các biện pháp trồng mới, trồng thay thế, trồng bổ sung cây ở những vị trí còn trống. Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã trồng được hơn 70 hécta cây đước, bần, mắm, su. |
Từ Bến Rạch Mới (xã Phước An), chiếc ghe nhỏ xuôi dòng len lỏi dưới tán đước xanh chằng chịt rễ. Lòng sông uốn lượn theo những vạt cây, anh Ngô Văn Công, cán bộ lâm nghiệp của Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho biết, trước đây, rừng ngập mặn có diện tích nguyên sinh lên đến gần 10 ngàn hécta. Khi phong trào nuôi tôm công nghiệp phát triển, người dân đã đốn cây đước để khai thác và thuê mướn rừng đắp đầm nuôi tôm, cua. Tuy nhiên, con tôm, cua cũng chỉ “trụ” được vài năm, diện tích đất bỏ hoang tăng. Cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu, nước thải công nghiệp và khai thác rừng không đúng mục đích nên một phần diện tích rừng tự nhiên bị giảm. Trước thực trạng này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành đã triển khai nhiều biện pháp giữ rừng, trong đó có trồng mới.
Năm 2014, đề án trồng rừng phòng hộ được tỉnh phê duyệt, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành đã phối hợp với Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu, thử nghiệm và quyết định trồng mới 3 giống cây là bần, mắm, đước. Cây bần có đặc điểm lá nhiều, thân cây thấp, bộ rễ dày và bám theo bề ngang nên được trồng ở sát lòng sông, lớp tiếp theo là cây mắm và tầng cao nhất là cây đước. Ở một số nơi có địa hình cao hơn, ban quản lý rừng cho trồng cây su, đây là loại cây có giá trị kinh tế cao nhất ở rừng ngập mặn.
Ông Lê Thuần Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho biết, 2 năm qua, đơn vị đã trồng mới được hơn 50 hécta rừng tại các vị trí đất mới bồi đắp, cây bị chết, chăm sóc hơn 21 hécta rừng trồng từ những năm trước. Hiện tại diện tích rừng trồng mới và chăm sóc đang sinh trưởng, phát triển tốt với tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.
Để trồng và chăm sóc rừng ngập mặn là điều không đơn giản. So với trồng rừng trên đồi, trồng rừng dưới nước gian nan hơn rất nhiều. Mỗi ngày nước chỉ xuống 2 lần, mỗi lần khoảng 2 giờ và mỗi lần như vậy cách nhau 12 giờ. Ví dụ như 9 giờ nước xuống đến 11 giờ lên lại thì đến 21 giờ nước xuống và 23 giờ nước lên.
Công nhân trồng cây, cán bộ kỹ thuật phải “canh” thời gian nước xuống để trồng rừng bất kể giữa trưa nắng hay đêm khuya. Đa phần diện tích trồng mới là các bãi bồi, phải “phơi bãi” từ 8-10 giờ để đất có độ bám dính nhất định, nhiều khi bãi chưa phơi đạt thủy triều lên ảnh hưởng đến tiến độ trồng. Khu vực trồng rừng là nơi giáp ranh với lòng sông, bị ảnh hưởng bởi lưu lượng dòng chảy, phương tiện giao thông đường thủy qua lại thường xuyên, đánh bắt thủy sản gây sóng lớn cuốn cây và phải trồng lại...
* Bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên
Vài năm nay, du khách đến với rừng ngập mặn ngay càng nhiều, nơi đây cũng hình thành nên các điểm, các trạm dừng chân để du khách tham quan như: làng bè Phước An, khu tưởng niệm các chiến sĩ đặc công Rừng Sác, khu nuôi khỉ, trạm rừng giống...
Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành Lê Thuần Thành, rừng ngập mặn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch do là hệ thống các dòng sông kết nối rừng ngập mặn với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; hệ sinh thái cây rừng đa dạng, nhiều tầng tán uốn lượn quanh các dòng sông tạo nên bức tranh đẹp.
Anh Ngô Văn Công, cán bộ lâm nghiệp của Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành kiểm tra cây trồng mới |
Về động vật, rừng có khoảng 20 loài thú, 100 loại chim, hơn 30 loài bò sát. Ngoài ra có hơn 100 loài nhuyễn thể, giáp xác, cá... là nguồn thủy sản vô cùng to lớn. Để khai thác được lợi thế du lịch, trước mắt cần phải giữ gìn hệ sinh thái đang có và làm đa dạng hơn bằng cách trồng mới những loại cây có bộ rễ dày để góp phần làm giảm tốc độ dòng chảy của thủy triều, giảm sự xói lở, bảo vệ môi trường sống trong lành cho các loài động, thực vật và sinh vật dưới nước.
Ông Nguyễn Văn Lang, cán bộ bảo vệ gắn bó với rừng ngập mặn gần 30 năm cho rằng, hệ sinh thái động thực vật ở rừng đang được hồi sinh. Số lượng thủy sản người dân đánh bắt được tăng rõ rệt làm cho cuộc sống của nhiều hộ gia đình thêm phần no đủ. Màu xanh của rừng ngập mặn ngày càng trải rộng, thu hút nhiều loài chim, cò di cư đến trú ngụ. Theo ông Lang, trước đây rừng đước có chim, cò nhiều vô kể, nhưng một thời gian dài, chim, cò bỏ đi hết, cá tôm tự nhiên cũng không còn. Vài năm gần đây, chim, cò lại về nhiều, cá, tôm sinh sôi. “Chiều chiều, ngồi ngắm cánh cò chao nghiêng trên khu rừng đước xanh tốt, lòng tôi cảm thấy vui, bởi đất lành thì chim mới đậu” - ông Lang nói.
Không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, du lịch, việc trồng rừng ngập mặn còn góp phần làm đa dạng hệ sinh thái, tạo môi trường sống trong lành cho người dân vùng hạ du sông Đồng Nai. Do đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức trong việc chung tay bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra, bảo vệ hạn chế tình trạng phá rừng; phối hợp với các đơn vị liên quan vận động các doanh nghiệp, toàn xã hội tham gia trồng rừng.
Hoàng Lộc