Gà Tam Hoàng là một trong những mặt hàng thường xuyên bất ổn về giá, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2019, có thời điểm giá loại gà này giảm xuống chỉ còn 15 ngàn đồng/kg, có thời điểm lại tăng vượt mức 40 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, 3 năm nay, hàng chục trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn ở huyện Long Thành lại không phải quan tâm nhiều đến vấn đề này.
Gà Tam Hoàng là một trong những mặt hàng thường xuyên bất ổn về giá, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2019, có thời điểm giá loại gà này giảm xuống chỉ còn 15 ngàn đồng/kg, có thời điểm lại tăng vượt mức 40 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, 3 năm nay, hàng chục trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn ở huyện Long Thành lại không phải quan tâm nhiều đến vấn đề này.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành kiểm tra thức ăn, nước uống cho gà. Ảnh:Lan |
Toàn bộ các khâu, từ con giống, thức ăn, thuốc, cho đến giá cả, ngày giờ xuất chuồng đều được Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Long Thành xử lý. Chủ trang trại chỉ việc chuyên tâm nuôi gà. Sự liên kết chặt chẽ trong từng khâu và hài hòa về lợi ích cùng cách quản trị độc đáo của kinh tế tập thể kiểu mới này đang góp phần đưa ngành chăn nuôi huyện Long Thành tiến xa.
* Sức mạnh từ sự liên kết
Mở đầu câu chuyện, ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành bộc bạch, một hộ nông dân cho dù có tiềm lực kinh tế mạnh và quy mô chuồng trại lớn đến đâu chăng nữa cũng không thể xuất ra thị trường 25 ngàn con gà đủ chuẩn mỗi ngày. Nhưng nếu liên kết các hộ chăn nuôi lại với nhau, liên kết người chăn nuôi với đơn vị cung cấp thức ăn, thuốc thú y thì hoàn toàn được.
Ông Quyết cho biết mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi tập trung mà HTX của ông xây dựng không phải là “gom” các hộ chăn nuôi lại thành một cụm mà là tổ chức chăn nuôi theo quy trình chung từ giống gà, thức ăn, thuốc đến đầu ra là khâu giết mổ, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ.
Để kiểm soát nguồn cung ổn định hằng ngày, HTX chủ động lên lịch thả gà giống cho từng trại. Mỗi trại gà có thông số riêng về thời điểm thả gà, ngày nhận thức ăn chăn nuôi, ngày tiêm vaccine, uống kháng sinh; kiểm tra chất lượng, xuất chuồng, sát trùng chuồng trại, thả lứa mới... Lịch trình từng công đoạn, từng lứa gà được lên trước cả năm và gửi đến chủ trang trại, nhà cung cấp giống, thức ăn, thuốc để các bên cùng thực hiện. Chủ trang trại không phải đau đầu tính toán chuyện mua giống ở đâu, vận chuyển ra sao, mua thức ăn hiệu gì, bán gà cho ai, giá cả bao nhiêu hay thời điểm gà xuất chuồng có bị dội hàng hay không.
HTX đứng ra đàm phán để người nông dân có được giá cả đầu vào tốt nhất. Chẳng hạn với giống, HTX ký hợp đồng dài hạn, số lượng ổn định hơn 10 triệu con/năm với Công ty cổ phần Bel Gà (công ty của Bỉ, chuyên cung cấp con giống gà) với giá thấp hơn giá thị trường ít nhất 5% và công ty phải giao gà giống đến từng trại theo đúng lịch đã được gửi trước. Tương tự với nguồn thức ăn, HTX ký hợp đồng mua cám với Công ty TNHH De Heus cung cấp toàn bộ thức ăn cho các trại chăn nuôi của HTX. Cám được chở trên những xe bồn lớn, từ nhà máy sản xuất đến trang trại mà không cần đóng thành từng bao nên một lần nữa giá thành sản xuất của người nông dân giảm.
* Hài hòa lợi ích
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Lê Văn Quyết, HTX vững mạnh như hiện tại là nhờ tập hợp được những người chăn nuôi có kinh nghiệm, có bản lĩnh, cùng mong muốn làm giàu bền vững từ con gà Tam Hoàng, biết hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra.
Ông Quyết cho rằng, không chỉ hợp tác với các doanh nghiệp để người chăn nuôi có nguyên liệu đầu vào tốt, ông còn bỏ tiền ra đầu tư một bác sĩ thú y phụ trách cả HTX. Bác sĩ chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng nguồn nước, thuốc kháng sinh; nhiệt độ, độ ẩm của từng chuồng trại thông qua phần mềm và ứng dụng mạng xã hội Zalo; chủ động lên phương án phòng tránh dịch bệnh ở gà cho các trang trại. Định kỳ trước khi xuất gà, bác sĩ thú y sẽ lấy mẫu máu, mẫu thịt gà xét nghiệm nhằm đảm bảo không còn tồn dư kháng sinh. “Nhờ có bác sĩ theo dõi nhất cử nhất động của gà nên tỷ lệ gà hao hụt của các trại luôn giữ ở mức dưới 2%” - ông Quyết nói.
Ông Lê Phương Hải (thị trấn Long Thành, thành viên HTX) hiện đang nuôi 120 ngàn con gà mỗi lứa cho biết, từ lúc vào HTX năm 2017, ông yên tâm hơn hẳn trong việc làm ăn. Ông Hải ví dụ, trước đây, ông cũng nhập cám chăn nuôi nhưng không được cam kết về chất lượng. Còn hiện tại, ông được nhập cám thấp hơn 5% so với giá thị trường, được công ty cam kết gà đạt trọng lượng chuẩn theo quy trình. Giá cám được duy trì ổn định cả năm. Tương tự với giá gà, HTX hợp đồng dài hạn với đối tác nên người chăn nuôi chủ động tính toán được chi phí đầu vào, đầu ra, lợi nhuận từng đợt.
Hiện tại HTX Long Thành Phát đang tiếp tục mở rộng hệ thống các trang trại chăn nuôi, thu hút thêm nhiều trang trại mới, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết. “Xuất khẩu gà vào được Nhật Bản chúng tôi còn nhiều dư địa xuất khẩu ở các thị trường và ngay cả thị trường nội địa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng tôi nôn nóng thu thập thành viên. 3 tiêu chí để chúng tôi lựa chọn là có kinh nghiệm chăn nuôi, có bản lĩnh và có năng lực tài chính” - ông Quyết chia sẻ.
Lê An