Tổng diện tích cây sầu riêng ở huyện Cẩm Mỹ tuy không lớn nhưng lại nổi tiếng thơm ngon, chuẩn sạch. Điều đặc biệt là hướng làm sầu riêng sạch ở đây xuất phát từ mong muốn thực tế của nông dân.
[links()]Tổng diện tích cây sầu riêng ở huyện Cẩm Mỹ tuy không lớn nhưng lại nổi tiếng thơm ngon, chuẩn sạch. Điều đặc biệt là hướng làm sầu riêng sạch ở đây xuất phát từ mong muốn thực tế của nông dân.
Ông Nguyễn Thanh Cường (ấp Cam Tiên, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ) bên vườn sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP. Ảnh:H.Lộc |
Việc áp dụng quy trình sạch để làm ra những trái sầu riêng thơm ngon, chất lượng đã giúp cho nông dân địa phương có đầu ra ổn định, giá cao.
* Đặc sản sầu riêng sạch
Xã Nhân Nghĩa là địa phương trồng sầu riêng sớm nhất và có diện tích sầu riêng lớn nhất huyện Cẩm Mỹ với khoảng 350 hécta. Không những phát triển mạnh quy mô, những người dân ở xã này còn tiên phong làm sầu riêng sạch.
Từ nhiều năm trước, khi mô hình VietGAP, GlobalGAP trong nông nghiệp chưa được nói đến nhiều, những người trồng sầu riêng tại xã Nhơn Nghĩa đã liên kết nhau lại, thành lập tổ hợp tác và định hướng phát triển lâu dài cho cây sầu riêng. Đó là không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu quá liều lượng, không kích thích trái ra nhiều làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây, không sử dụng hóa chất xử lý trái sau thu hoạch...
Từ cách làm này đã hình thành nên những vườn sầu riêng mà theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Cẩm Mỹ là năng suất quả vượt trội, đạt từ 25-30 tấn/hécta, chất lượng thơm ngon. Năm 2017, huyện Cẩm Mỹ đã phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ và Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững (trụ sở đóng tại huyện Trảng Bom) xây dựng vùng sầu riêng VietGAP. Kết quả, hàng chục hécta sầu riêng ở xã Nhơn Nghĩa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Thanh Cường (ấp Cam Tiên), thành viên Tổ hợp tác sầu riêng sạch xã Nhân Nghĩa được các nhà vườn ở đây ưu ái gọi là “Cường sầu riêng” bởi ông là người tiên phong trồng sầu riêng sạch và giúp nhiều nông dân trồng sầu riêng trong vùng làm giàu từ loại cây này. Cách làm của ông Cường là thử nghiệm quy trình, nhận thấy có kết quả tốt, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà vườn và định ra hướng làm sầu riêng sạch. Hiện tại, gia đình ông Cường có hơn 4 hécta sầu riêng được chứng nhận VietGAP, năng suất bình quân vườn sầu riêng ông Cường được cho là vượt trội hơn nhiều nhà vườn với khoảng 25 tấn/hécta.
Bà Nguyễn Thị Vân (ấp Cam Tiên) hiện có 1,4 hécta sầu riêng được chăm sóc theo quy trình VietGap chia sẻ, từ khi áp dụng bón phân với liều lượng vừa phải, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, vườn sầu riêng của bà ít bị bệnh hơn, trái sầu riêng to, vỏ xanh, gai bóng rất bắt mắt. Vụ sầu riêng năm 2019, bà Vân thu được 35 tấn trái, sau khi trừ chi phí, bà thu lợi hơn 400 triệu đồng. Theo bà Vân, sầu riêng là cây ăn trái lâu năm, việc đầu tư chăm sóc theo quy trình VietGAP tuy tốn kém chi phí ban đầu nhưng bù lại cây khỏe mạnh, năng suất trái ổn định và nhiều hơn khoảng 5 tấn/hécta so với quy trình cũ.
Theo Hội Nông dân xã Nhân Nghĩa, năm 2018 có 17 hộ dân với hơn 50 hécta sầu riêng được công nhận VietGAP. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích vùng trồng sầu riêng sạch lớn hơn rất nhiều, khoảng 200 hécta sầu riêng đang được trồng và chăm sóc theo quy trình sạch. Xã đã thống kê gửi huyện làm hồ sơ cánh đồng mẫu lớn sầu riêng sạch và đăng ký nhãn hàng hóa sầu riêng VietGAP huyện Cẩm Mỹ.
* Áp dụng công nghệ phun, tưới nhỏ giọt
Không chỉ tiên phong làm sầu riêng sạch, các nhà vườn ở huyện Cẩm Mỹ cũng đi đầu trong việc áp dụng mô hình phun, tưới tự động trên tán cây sầu riêng cao 20-30m so với mặt đất. Theo đánh giá, hệ thống 3 trong 1 gồm tưới, bón phân và xịt thuốc tự động giúp giảm nhân công, tiết kiệm nước, thuốc trừ sâu.
Bà Nguyễn Thị Vân (ấp Cam Tiên) chia sẻ hệ thống phun, tưới tự động trên vườn sầu riêng VietGAP. Ảnh:H.Lộc |
Ông Đỗ Lương Ý (xã Nhân Nghĩa), một trong những hộ tiên phong áp dụng hệ thống phun, tưới đa năng chia sẻ, hệ thống này ông học hỏi từ miền Tây, sau đó thuê thợ cải tiến từ hệ thống tưới nước tiết kiệm và gắn thêm hệ thống phun thuốc tự động. So với cách xịt thuốc truyền thống, hệ thống xịt thuốc tự động trên ngọn cây giúp thuốc phun đều xung quanh, hạn chế tối đa sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất trái. Chi phí đầu tư hệ thống này khoảng 80-100 triệu đồng/hécta.
Ông Nguyễn Thanh Cường cho rằng, trước đây 1 hécta sầu riêng trên 10 năm tuổi cần 2 nhân công làm việc trong 1,5 ngày và tiêu tốn 6m3 nước, còn khi áp dụng hệ thống phun tưới đa năng, 1 hécta chỉ cần 1 người điều chỉnh máy, phun khoảng 10-15 phút và tiêu tốn 4m3 nước, người làm không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc.
Toàn huyện Cẩm Mỹ có gần 1,5 ngàn hécta cây sầu riêng, tập trung nhiều tại các xã Nhân Nghĩa, Xuân Quế, Sông Nhạn. Riêng tại xã Nhân Nghĩa có khoảng 100 hécta sầu riêng đang áp dụng hệ thống tưới, bón phân, xịt thuốc tự động. Việc ứng dụng công nghệ tự động trong sản xuất nông nghiệp nói chung và hệ thống phun tưới tự động trên cây thân cao nói riêng đã giúp bà con tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh, góp phần tăng năng suất, tăng tuổi thọ cho cây trồng. Qua đây cũng cho thấy khả năng thích nghi và sáng tạo và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại hóa của nông dân huyện Cẩm Mỹ.
Hoàng Lộc