Quốc lộ (QL) 20 bắt đầu từ ngã tư Dầu Giây của huyện Thống Nhất, đi qua các huyện Định Quán, Tân Phú của Đồng Nai. Địa bàn huyện Thống Nhất có khoảng 20km QL20, đi qua trung tâm hành chính huyện,...
Quốc lộ (QL) 20 bắt đầu từ ngã tư Dầu Giây của huyện Thống Nhất, đi qua các huyện Định Quán, Tân Phú của Đồng Nai. Địa bàn huyện Thống Nhất có khoảng 20km QL20, đi qua trung tâm hành chính huyện, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây và các xã Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3.
Quốc lộ 20 đoạn qua địa bàn huyện Thống Nhất đang trở nên quá tải vì phải “gánh” nhiều phương tiện tham gia giao thông (Ảnh minh họa) |
Đây là những xã có sự phát triển mạnh về kinh tế của huyện, nhu cầu giao thông cao. Hằng ngày, QL20 cũng “gồng gánh” hàng ngàn lượt xe các loại lưu thông từ các tỉnh, thành lân cận đi tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên khác.
* Thiếu kết nối các tuyến đường dân sinh
Hiện nay, hiện trạng giao thông tại các xã Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân 3, Gia Tân 2, Gia Tân 1 dù có rất nhiều đường nhánh kết nối với QL20 nhưng sự kết nối giữa các tuyến đường nhánh với nhau thì lại rất ít. Các tuyến đường liên kết giữa các đường nhánh này chỉ phục vụ xe thô sơ, xe gắn máy, hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa của người dân.
Phần lớn người dân tại các đường nội bộ thuộc địa bàn các xã, ấp, đặc biệt là các xe vận chuyển hàng hóa, nông sản muốn đi sang một tuyến đường nội ô khác phải quay ngược ra QL20 để đi vào con đường khác. Dù khoảng cách vị trí các tuyến đường nội bộ không xa, nhưng vì không có đường kết nối nên người dân không còn phương án nào khác ngoài phải đi đường vòng.
Bà Trần Thị Thu (ngụ ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm) chia sẻ, hằng ngày bà rất ngại ra đường vào những giờ cao điểm, nhất là buổi chiều. Theo bà Thu, QL20 vào những ngày cuối năm lượng xe lưu thông nhiều hơn hẳn. Buổi chiều các loại xe chở nông sản, xe chở khách... từ tỉnh Lâm Đồng về TP.Hồ Chí Minh, chưa kể còn có xe buýt, xe tải... cùng với lượng học sinh tan trường, người dân đi làm, đi chợ... đều đổ dồn ra QL20 nên tình hình giao thông khá phức tạp, có thời điểm cuối tuần giao thông bị ùn tắc, kẹt xe hàng tiếng đồng hồ.
Bà Thu cũng như một số bà con ở đây cho rằng, nếu có tuyến đường liên thông với các tuyến đường xương cá trong khu dân cư thì người dân sẽ không cần trở ra QL20 để đi những điểm nội bộ khác, vừa an toàn giao thông, vừa giảm áp lực cho QL20 vào những giờ cao điểm.
“Bà con ở các xã nằm dọc QL20 rất mong những tuyến đường dân sinh được liên thông để đi lại thuận tiện, an toàn hơn. Thời gian gần đây, lưu lượng xe tăng nên việc đi lại trên QL20 khá phức tạp. Hy vọng sớm có tuyến đường kết nối giữa các khu dân cư để người dân yên tâm đi lại, nhất là học sinh tại các trường sẽ hạn chế phải đi ra quốc lộ như trước” - bà Thu cho biết thêm.
* Chờ dự án triển khai
Theo Ban Quản lý dự án huyện Thống Nhất, quy hoạch các tuyến đường song hành QL20 trên địa bàn huyện bao gồm 2 tuyến phía Đông và phía Tây.
Tuyến phía Đông bắt đầu từ khu hành chính huyện thuộc thị trấn Dầu Giây, kết nối với các xã Quang Trung, Xuân Thiện, cắt ngang đường Suối Tre - Bình Lộc, xã Gia Tân 2... Tuyến đường song hành QL20 phía Đông đã được UBND tỉnh chấp thuận, bố trí vốn và đang thực hiện triển khai dự án.
Tuyến đường song hành phía Tây có điểm đầu giao với đường tỉnh 762 (đường Phan Chu Trinh) ở xã Quang Trung đến điểm cuối km16+700, xã Gia Tân 1. Đường song hành QL20 phía Tây sẽ kết nối các tuyến đường dân sinh giữa các ấp, các xã, tạo điều kiện đi lại cho người dân xã Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 3 hiện đang được huyện đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng của tỉnh.
Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Thống Nhất chia sẻ, hiện nay huyện Thống Nhất đang xây dựng nông thôn mới nâng cao. Do đó, hiện trạng giao thông qua các xã trên QL20 chủ yếu là các đường nhánh ra QL20, các tuyến đường liên kết các đường nhánh này chưa bảo đảm, hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa của người dân.
Việc đầu tư tuyến đường song hành QL20 sẽ kết nối các đường nhánh giao thông lại và giảm áp lực cho QL20. Đặc biệt, khi tuyến đường song hành đi qua một số trường mẫu giáo, tiểu học và trường THCS thuộc địa bàn xã Gia Tân 1 sẽ rất thuận lợi cho học sinh và phụ huynh đưa đón con em đến trường, góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân, phục vụ tốt hơn việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Ông Dũng chia sẻ thêm: “Hiện Ban quản lý dự án huyện đã hoàn tất hồ sơ tham mưu UBND huyện để trình UBND tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện dự án. Chúng tôi hy vọng rằng dự án sớm được phê duyệt, triển khai, tạo điều kiện cho người dân đi lại”.
Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng mới đây, lãnh đạo huyện Thống Nhất đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư dự án đường song hành QL20 phía Tây bằng nguồn vốn của tỉnh. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Thống Nhất cho biết, dự án đường song hành QL20 phía Tây sẽ góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông của Đồng Nai nói chung và của huyện Thống Nhất nói riêng theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông - vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, dự án góp phần phục vụ tốt hơn việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, cải thiện môi trường môi sinh, tạo nét mỹ quan cho khu vực dự án, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như góp phần ổn định an ninh - quốc phòng khu vực. Dự án đường song hành phía Tây được đề xuất có tổng mức đầu tư khoảng 280 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến 5 năm kể từ ngày ghi vốn. |
Thủy Mộc