Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây mật nhân trên vùng Chiến khu Đ

08:12, 09/12/2019

Mật nhân là một trong gần 1,6 ngàn loại cây dược liệu phát triển khá dày đặc trong khu vực rừng thuộc sự quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn). Loại cây này đang được phát triển và tạo ra những sản phẩm đặc sắc.

Mật nhân là một trong gần 1,6 ngàn loại cây dược liệu phát triển khá dày đặc trong khu vực rừng thuộc sự quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn). Loại cây này đang được phát triển và tạo ra những sản phẩm đặc sắc.

Sản phẩm rượu mật nhân Chiến khu Đ. Ảnh: N.Liên
Sản phẩm rượu mật nhân Chiến khu Đ. Ảnh: N.Liên

[links()]Tại Khu Bảo tồn, cây mật nhân phân bố rộng, có mặt ở tất cả các hình thái rừng. Mật nhân có độ phân bố khá rộng, chỉ cần đi ngoài bìa rừng cũng có thể dễ dàng bắt gặp.

* Dược liệu quý vùng chiến khu

Mật nhân lâu nay vốn được nhiều người săn lùng như một loại dược liệu quý.  Quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tại khu vực Khu Bảo tồn và Vườn quốc gia Cát Tiên cho thấy, đa số cây mật nhân phân bố tại các địa hình bằng phẳng hoặc độ dốc nhẹ. Tuy nhiên, mật nhân là loài có thể sống trong nhiều kiểu thổ nhưỡng khác nhau, từ đất nghèo dinh dưỡng đến giàu dinh dưỡng và không phân bố trong các khu vực bị ngập nước.

Ông Đoàn Văn Hoàn, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (thuộc Khu Bảo tồn) cho biết, hiện nay Khu Bảo tồn đang thực hiện nghiên cứu, đánh giá bảo tồn và khai thác cây mật nhân. Qua nghiên cứu, tìm hiểu về cây mật nhân cho thấy, đặc điểm chung của loài mật nhân là cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, đây là loài cây có sức sống khá mãnh liệt và hiện diện khắp nơi trong khu bảo tồn cũng như Vườn quốc gia Cát Tiên.

Ông Hoàn cho biết, theo từ điển cây thuốc Việt Nam, người ta dùng rễ cây mật nhân thái nhỏ, tẩm rượu sao để làm thuốc có vị đắng, tính mát. Mật nhân thường dùng chữa chứng ăn uống không tiêu, tức ngực, gân xương yếu, tay chân tê đau, tả lỵ, nôn mửa…

Người dân các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý hầu hết đều biết thông tin về cây mật nhân. Số người dân có hiểu biết về công dụng của mật nhân khá nhiều, do đó họ thu hái sử dụng cho nhu cầu của gia đình một cách hoàn toàn tự nhiên, chưa có ý thức trong việc trồng để chủ động nguồn cung cấp. “Khi nêu ý tưởng phát triển vùng nguyên liệu cây thuốc nam, trong đó có mật nhân, phần lớn bà con đều rất mong muốn được hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật để thực hiện các mô hình trồng cây mật nhân, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, dự án này hiện còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí” - ông Hoàn cho biết thêm.

* Đặc sản rượu mật nhân

Với những công dụng của mật nhân, thời gian qua Khu Bảo tồn đã phát triển một số sản phẩm liên quan đến mật nhân. Trong đó, đặc biệt nhất là rượu mật nhân được thị trường đón nhận khá tích cực.

Anh Lê Đăng Trình, kỹ sư công nghệ thực phẩm của Khu Bảo tồn, người nghiên cứu sản xuất rượu mật nhân chia sẻ, cây mật nhân sau khi đã cắt nhỏ, phơi, sao vàng và hạ thổ để tăng tác dụng của vị thuốc thì được rửa sạch và ngâm rượu. Theo anh Trình, sau 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm, sản phẩm rượu mật nhân Chiến khu Đ đã hoàn thành và chính thức bán ra thị trường từ năm 2012.  Giờ đây, mặt hàng này được nhiều khách du lịch đánh giá cao. Rượu mật nhân Chiến khu Đ đã được đăng ký sáng chế độc quyền nhằm tránh tình trạng nhiều nơi khác sử dụng mật nhân không đúng chuẩn nhưng vẫn lấy tên mật nhân Chiến khu Đ để bán hàng.

Chia sẻ về những ưu điểm từ rượu mật nhân Chiến khu Đ, anh Trình cho rằng, đặc điểm quan trọng nhất của sản phẩm này là được sử dụng từ cây mật nhân có đủ năm trưởng thành. Để giảm vị đắng của mật nhân trong rượu nhưng vẫn giữ nguyên công dụng của mật nhân, người sản xuất đã tìm hiểu, thêm một số vị thuốc. Bên cạnh đó, mật nhân còn có đặc điểm là có thể làm giảm nồng độ của rượu. Trung bình mỗi đợt rượu mật nhân từ khi sản xuất đến khi hoàn thành sản phẩm thì sẽ mất khoảng 5 tháng. Toàn bộ quy trình sản xuất đều thực hiện thủ công và khâu nguyên liệu được kiểm duyệt khá kỹ như: chất lượng và độ tuổi của mật nhân, rượu để ngâm, quy trình đóng chai, pha chế…

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc Trung tâm sinh thái, văn hóa lịch sử Chiến khu Đ (thuộc Khu Bảo tồn) cho biết, sản phẩm rượu mật nhân được du khách đón nhận khá tích cực. Nhiều khách hàng sau khi dùng rượu mật nhân đã mua về làm quà tặng bạn bè và người thân, thậm chí sau khi dùng hết vẫn đặt hàng từ xa. Ông Hà cho biết, về lâu dài sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm rượu mật nhân Chiến khu Đ rộng rãi trên thị trường. “Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng tôi còn một số công việc phải làm về thủ tục pháp lý, thành lập cơ sở sản xuất để chuyên về sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường” - ông Hà cho hay.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều