Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng những vùng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao

Bình Nguyên
08:22, 09/08/2024

Với 2.375 hécta sầu riêng, huyện Cẩm Mỹ nằm trong tốp đầu các địa phương có diện tích sầu riêng lớn trên địa bàn tỉnh. Địa phương này cũng hình thành được nhiều vùng chuyên canh sầu riêng gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Khu trưng bày sản phẩm sầu riêng chất lượng cao của huyện Cẩm Mỹ nhân dịp chào mừng 20 năm thành lập huyện vào năm 2024. Ảnh: B.Nguyên

Đặc biệt, huyện Cẩm Mỹ đang nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất VietGAP, sản xuất hữu cơ nhằm xây dựng thương hiệu cho sầu riêng, đáp ứng tốt cả thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nhân rộng chuỗi liên kết

Đến nay, huyện Cẩm Mỹ đã hình thành được những vùng chuyên canh sầu riêng với diện tích lớn tập trung tại các xã: Nhân Nghĩa, Xuân Bảo, Bảo Bình, Long Giao, Xuân Quế... Trong đó, toàn huyện đã nhân rộng được hơn 144 hécta sầu riêng đạt chuẩn VietGAP.

Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương thu hút doanh nghiệp (DN) về đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Hiện toàn huyện đã xây dựng được 8 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng. Trong đó, có 1 chuỗi liên kết đã được phê duyệt và 7 chuỗi do các chủ thể tự thực hiện.

Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế hiện có 62 hộ sản xuất với quy mô hơn 88 hécta. Đây là chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ đã được UBND huyện Cẩm Mỹ phê duyệt với tổng sản lượng liên kết đạt gần 1,1 ngàn tấn/năm. Đặc biệt, vườn sầu riêng rộng 3,3 hécta của Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế Trần Quang Hiệp đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ vào năm 2023. Đây là mô hình sản xuất sầu riêng được cấp chứng nhận sầu riêng hữu cơ đầu tiên của Đồng Nai.

Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Mỹ, đến nay trên địa bàn huyện có 13 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 461 hécta của 309 hộ. Bên cạnh đó, có 3 hồ sơ đang tiến hành kiểm tra để gửi hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng với diện tích gần 159 hécta thuộc 111 hộ nông dân tại các xã Long Giao và Xuân Mỹ.

Ông Trần Quang Hiệp chia sẻ, thời gian đầu chuyển sang sản xuất hữu cơ, năng suất cây trồng không bằng các mô hình canh tác hóa học. Tuy nhiên, về lâu dài, năng suất cây trồng dần tăng lên nhờ đất đai ngày càng màu mỡ, cây trồng khỏe nên thời gian khai thác kéo dài hơn. Nhận thấy hiệu quả thực tế, các tổ viên của Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế đang dần chuyển đổi sang canh tác hữu cơ với định hướng xây dựng vùng chuyên canh đạt chuẩn hữu cơ để xuất khẩu đi các thị trường lớn.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn 7 chuỗi liên kết do các DN chủ trì liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện với tổng diện tích gần 881 hécta, 917 hộ tham gia các chuỗi liên kết, tổng sản lượng hơn 17 ngàn tấn/năm.

Trong đó có 2 DN đóng chân trên địa bàn huyện thu mua và sơ chế, chế biến sầu riêng đông lạnh xuất khẩu. Ngoài ra, đến vụ thu hoạch, nhiều DN từ nơi khác đến thu mua sầu riêng. Toàn huyện đã thành lập được 3 hợp tác xã hoạt động sản xuất, thu mua sầu riêng; có 11 cơ sở, tổ hợp tác có đăng ký kinh doanh lĩnh vực thu mua sầu riêng và 15 tổ hợp tác hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng tại xã Xuân Tây đã có cơ sở đóng gói được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng, cho hay DN chọn đầu tư nhà máy làm sầu riêng đông lạnh tại huyện Cẩm Mỹ vì địa phương có những vùng nguyên liệu sầu riêng với diện tích lớn; có những cộng đồng trồng sầu riêng lâu đời và đã hình thành nên các câu lạc bộ, tổ hợp tác hay hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuẩn kỹ thuật đảm bảo cho trái ngon, an toàn. Do tiềm năng thị trường xuất khẩu sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh còn rất lớn nên DN mong muốn tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết với các vùng chuyên canh sầu riêng kiểm soát được chất lượng, truy xuất được nguồn gốc để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

Đưa chuyển đổi số vào sản xuất

Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng chia sẻ, hiện 2 giống sầu riêng chủ lực của địa phương là Ri6 và Dona đều bán được giá cao trên thị trường. Sầu riêng được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Tuy nhiên, định hướng đến năm 2030, địa phương không phát triển thêm diện tích cây trồng này, mà chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm; hình thành mới nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Địa phương sẽ tăng cường công tác tập huấn, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ để đảm bảo chất lượng hàng hóa khi lưu thông trên thị trường.

Thời gian tới, huyện Cẩm Mỹ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng; ưu tiên cho các DN đóng chân trên địa bàn huyện tham gia chủ trì các chuỗi liên kết.

Đây không chỉ là chủ trương của chính quyền địa phương mà các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn huyện cũng tích cực ứng dụng vào thực tế. 

Sầu riêng huyện Cẩm Mỹ.
Sầu riêng huyện Cẩm Mỹ.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Tây Đỗ Quang Thúy, địa phương ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống đường giao thông, nguồn điện, nguồn nước phục vụ sản xuất để xây dựng vùng vườn kiểu mẫu trồng sầu riêng gắn với khu dân cư kiểu mẫu của xã. Ngoài ra, nông dân ở vùng này được hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, chuyển đổi sản xuất đạt chuẩn an toàn. Đến nay, các nhà vườn ở khu vực này đều sử dụng giống mới, hệ thống tưới nước tự động công nghệ mới, sản xuất đạt chuẩn an toàn. Đặc biệt, trong vườn, cây được trồng ngay hàng thẳng lối, từng cây sầu riêng được đánh số cụ thể giúp nông dân quản lý tốt hơn vườn cây. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sầu riêng ở khu vực này luôn đạt cao.

Tổ hợp tác Cây sầu riêng Chính Đức (ở ấp 7, xã Sông Ray) đi tiên phong đầu tư thiết bị máy bay không người lái vào sản xuất.

Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng Chính Đức Trần Văn Đức cho hay, sử dụng máy bay không người lái thay cho lao động thủ công không chỉ giúp tiết kiệm chi phí phân, thuốc trong sản xuất, mà còn giải bài toán thiếu nhân công lao động hiện nay. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn đảm bảo tính kịp thời trong xử lý sâu bệnh trên cây trồng. Ngoài phục vụ cho tổ viên, tổ hợp tác còn tổ chức làm dịch vụ phun thuốc, bón phân cho các nhà vườn tại địa phương để khai thác hết hiệu quả của máy móc cần vốn lớn đầu tư.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều